Chuyên Nghiệp và Nghiệp Dư – Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt

Kiến hòa đồng giải

CHUYÊN NGHIỆP và NGHIỆP DƯ

Bạn thân mến,

Hôm nay chúng ta cùng trao đổi với nhau về đề tài "Chuyên nghiệp và Nghiệp dư". Vậy đề tài này có liên quan gì đến sinh hoạt Gia Đình Phật Tử (GĐPT) ?

Xin thưa, có đấy! Nhưng trước hết chúng ta hãy tìm hiểu thế nào là "chuyên nghiệp" và thế nào là "nghiệp dư".

1) Chuyên nghiệp:

Về mặt ngữ nghĩa :

-Chuyên nghiệp là chỉ cho những người sống bằng một nghề nào đó được đào tạo bài bản qua trường lớp, cộng thêm yếu tố người ấy phải yêu nghề và sống trong nghề nhiều năm thì mới hình thành tính "chuyên nghiệp" ở con người ấy.

Thí dụ : một người thợ mộc gia công làm một chiếc tủ với những thao tác lành nghề, mực thước, nhanh gọn, khéo léo… cho ra sản phẩm đẹp, chắc, bền. Ai cũng khen người thợ ấy là "tay thợ chuyên nghiệp"

Một thí dụ khác: một live show đang diễn ra trong một nhà hát  lớn, trong đó có nhiều thành phần khác nhau phụ trách những công việc khác nhau như : đạo diễn, nghệ sĩ, nhạc công, phục trang, âm thanh, ánh sáng, thu hình, MC, trang trí sân khấu v.v… Họ làm việc rất ăn khớp với nhau, mỗi bộ phận đều hoàn thành xuất sắc phần việc của mình khiến cho chương trình biểu diễn thành công mỹ mãn, cống hiến cho khán giả một đêm giải trí tuyệt vời. Ai cũng khen ban tổ chức show diễn này "quá chuyên nghiệp".

Một thí dụ nữa : tại một công sở, nơi phòng tiếp dân có một người thường trực tại đây làm nhiệm vụ nhận hồ sơ, trả hồ sơ và giải đáp mọi thắc mắc cũng như tư vấn cho người dân mọi vấn đề thuộc lãnh vực chức năng cơ quan mình. Mỗi khi người dân đến tiếp xúc với người ấy, họ đều được hướng dẫn một cách tận tình, chu đáo; mọi thắc mắc của dân đều được người ấy giải đáp thỏa đáng; những thủ tục nào người dân chưa thông đều được tư vấn rành mạch và minh bạch. Những người tiếp dân như vậy được coi là người có tác phong chuyên nghiệp và được quần chúng quý mến, tin tưởng.

Từ ba thí dụ nêu trên, chúng ta thấy rằng tính chuyên nghiệp trong công việc luôn luôn đưa đến tốt đẹp, hài lòng và thành công.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải người nào được đào tạo bài bản và làm nghề lâu năm cũng trở thành "chuyên nghiệp". Có nhiều người dù ở trong nghề đã lâu nhưng vẫn không có tác phong chuyên nghiệp.

Vì sao vậy ?

Vì muốn đạt tới mức được mọi người công nhận là chuyên nghiệp, người ấy phải yêu nghề, đồng thời còn phải có những đức tánh khác như : ham học hỏi,  mình vì mọi người,  trách nhiệm, tự trọng, siêng năng, khổ luyện, cầu tiến…

Chính vì vậy, người nào có sẵn những đức tánh này trong người thì dù vào nghề sau, dù thâm niên trong nghề không bằng nhưng vẫn sớm trở thành chuyên nghiệp hơn cả người đi trước.

2) Nghiệp dư:

Người nào làm một công việc mà mình không được đào tạo bài bản thì gọi là "nghiệp dư". Sản phẩm cũng như kết quả công việc do một người nghiệp dư tạo ra đều không thể tốt bằng với sản phẩm và kết quả công việc do một người chuyên nghiệp tạo ra

Thí dụ : một người thích chụp ảnh, đi mua một chiếc máy ảnh rồi mang nó theo trong một chuyến du lịch, tự chụp ảnh cho mình và những người thân cùng đi. Đấy là người "chụp ảnh nghiệp dư". Kỹ thuật cũng như nghệ thuật bức ảnh do người chụp ảnh nghiệp dư tạo ra không làm sao bằng được với tác phẩm của một người thợ ảnh chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp một số ít người từ "nghiệp dư" dần dần trở thành "dân chuyên nghiệp" vì người ấy hội đủ những yếu tố như : yêu nghề, ham học hỏi, làm việc có trách nhiệm, cầu tiến, khổ luyện… Cho nên sau một thời gian nghiệp dư, tay nghề của họ tiến bộ ngang với những tay chuyên nghiệp.

Thí dụ: như người chụp ảnh nghiệp dư trên, nếu anh ta quá yêu thích nghề chụp ảnh, anh ta sẽ đi tìm người giỏi hay tìm sách vở về nhiếp ảnh học hỏi thêm, cộng với tinh thần cầu tiến sẵn có cùng với sự khổ luyện lâu dài, một ngày nào đó ảnh do anh ta chụp sẽ có kỹ thuật và nghệ thuật ngang ngửa với những người thợ ảnh chuyên nghiệp. Lúc ấy, anh ta được mọi người công nhận là một tay chuyên nghiệp trong nghề nhiếp ảnh. Tuy nhiên đây là trường hợp rất hãn hữu.

Trên thực tế cũng có người dù được đào tạo bài bản, dù làm nghề đã lâu, nhưng do thiếu các đức tánh cần thiết khác mà suốt đời không bao giờ đạt tới mức độ chuyên nghiệp. Sản phẩm người đó làm ra không ai mua; tập thể mà người đó tham gia không tin tưởng nơi người đó, hạn chế giao việc và dần dần đi tới chỗ không cộng tác với người đó nữa. Người đó suốt đời vẫn là kẻ nghiệp dư làng nhàng.

Vậy, một người có tính nghiệp dư là do một trong các yếu tố sau đây :

-Do không yêu thích công việc hay nghề nghiệp mình đang làm, nếu có làm cũng là do bị bắt buộc hay vì muốn làm cho vui thôi, chứ không sống chết với công việc hay nghề nghiệp ấy.

-Hoặc do không được đào tạo bài bản về lãnh vực mình đang làm

-Hoặc do thiếu các đức tính như: ham học hỏi,  mình vì mọi người,  trách nhiệm, tự trọng, siêng năng, khổ luyện, cầu tiến… nên tuy có được đào tạo hẳn hoi mà vẫn không thể giỏi lên được

-Hoặc do học nghề không tinh mà dẫn đến tay nghề yếu kém, suốt đời làm kẻ nghiệp dư.

(Xin xem tiếp kỳ sau : Chuyên nghiệp và nghiệp dư trong sinh hoạt GĐPT)

 

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.