Chân Dung Người Huynh Trưởng Trẻ Gia Đình Phật Tử Việt Nam

Chân Dung Người Huynh Trưởng Trẻ
Gia Đình Phật Tử Việt Nam

Trước khi đi vào bài viết này, người viết xin nhắc lại câu nói của bác Tâm Minh Lê Đình Thám khi công bố ý định thành lập đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục (1940), tiền thân của Gia Đình Phật Tử ngày nay. Bác đã nói như sau :

“Không có thành tựu bền vững nào lại không nhắm tới hàng ngũ Thanh, Thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai…”

Bác Tâm Minh đã nói câu này trong bài diễn văn đọc trước đại hội  của Tổng Hội An Nam Phật Học tổ chức tại Huế vào ngày 14/8/1938. Mục đích của Bác là thuyết phục chư Tôn đức và quý vị Cư sĩ hội viên quan tâm đến công cuộc giáo dục hàng Phật tử trẻ để có thế hệ kế thừa trong tương lai. Từ nói đến làm, hai năm sau Bác bắt tay thành lập đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục quy tụ nhiều thanh niên trí thức tân học, đoàn chính là tiền thân của Gia Đình Phật Tử Việt Nam ngày nay.

Chúng tôi nhắc lại câu nói của Bác Tâm Minh để nhấn mạnh tư tưởng quan tâm chăm sóc giới trẻ của Bác. Ngày nay , trong sinh hoạt GĐPT, chúng ta tiếp nối con đường của Bác, hết lòng chăm lo bồi dưỡng, đào tạo huynh trưởng trẻ để làm lực lượng kế thừa trong tương lai.

Muốn cho huynh trưởng trẻ phát huy hết các mặt mạnh và tu dưỡng để hạn chế các mặt yếu của mình, người viết bài này xin đóng góp vài ý kiến vẽ nên chân dung người huynh trưởng trẻ để chúng ta cùng tham khảo.

I. Thế nào là huynh trưởng trẻ?

1-Về tuổi đời , đó là những huynh trưởng từ 18 đến 30 tuổi.

2-Về trình độ : đó là những huynh trưởng đã học xong bậc Kiên, bậc Trì và đã qua trại huấn luyện Lộc Uyển và A Dục (nếu đã qua trại Huyền Trang rồi mà vẫn chưa đủ 30 tuổi, chưa thọ cấp Tín vẫn được coi là huynh trưởng trẻ)

II. Các mặt mạnh của huynh trưởng trẻ :

1-Nhiệt tình và sức khỏe :

Nhiệt tình là nói về phần tinh thần. Tuổi trẻ luôn có nhiều mơ ước tốt đẹp và nóng lòng làm mọi cách để biến ước mơ trở thành hiện thực. Điều này khiến cho các anh, chị huynh trưởng trẻ sở hữu một bầu nhiệt huyết trong mọi công việc. Khi đã lao vào công việc, các anh chị làm không kể giờ giấc, có khi làm quên ăn quên ngủ, làm cho tới chứng nào thấy được kết quả mới thôi.

Sức khỏe là nói về phần vật chất. Nếu nhiệt tình có nhưng sức khỏe không có thì không thể hoàn thành công việc được. Rất may là tuyệt đại đa số huynh trưởng trẻ đều sở hữu một nền thể lực tốt, vì vậy các anh chị lớn có thể tin tưởng tuyệt đối vào sưc khỏe của huynh trưởng trẻ. Nhờ có sức khỏe mà các huynh trưởng trẻ mới có đầy đủ sự hăng hái, lòng quyết tâm và sức lực để đổi mới sinh hoạt, làm cho sinh hoạt GĐPT càng thêm thu hút đoàn sinh.

Trong các lần tổ chức trại, huynh trưởng trẻ cần đóng góp vào các công việc như : dựng cổng trại, dựng lều và làm các công trình trại hoặc điều khiển các buổi lửa trại, các trò chơi lớn, trò chơi nhỏ…

Các chị nữ thì xung phong làm các công việc phù hợp với nữ nhưng cũng không kém phần nặng nhọc  như : đi chợ nấu ăn, trang hoàng lều trại, dọn dẹp vệ sinh đất trại, trông coi bảo quản đồ đạc trong trại hoặc làm thư ký hay thủ quỹ cho trại là thích hợp nhất.

Các chị huynh trưởng nữ đừng xu hướng theo quan điểm “nam nữ bình đẳng” của phương Tây mà cho rằng “hễ cái gì nam làm được thì nữ cũng làm được”. Nói như vậy là gượng ép, là cực đoan, là duy ý chí. Thực tế là thiên nhiên sinh ra nam và nữ mỗi giới đều có chức năng riêng biệt. Có những thứ nam làm tốt nhưng nữ làm không tốt bằng, trái lại có những việc nữ làm rất tốt nhưng nam không thể làm tốt như nữ. Các chị đừng tự ti mặc cảm cho việc bếp núc, nội trợ là thấp hèn mà chê.

2-Năng động và sáng tạo :

Các huynh trưởng trẻ thường linh hoạt và có nhiều sáng kiến mỗi khi gặp khó khăn trở ngại, nhờ vậy mà đưa đơn vị vượt qua nhiều chướng ngại trong sinh hoạt. Đây là một đức tính vô cùng cần thiết trong sinh hoạt GĐPT, bởi vì chúng ta luôn phải đối đầu với rất nhiều khó khăn từ nhiều phía, nếu ta ù lỳ không biết biến hóa, luồn lách thì sinh hoạt của đơn vị sẽ gặp bế tắc. Sinh hoạt cứ bế tắc hoài thì sẽ sinh ra nghèo nàn, đơn điệu, thiếu hấp dẫn đối với đoàn sinh. Hậu quả như thế nào thì chúng ta đều biết rồi đấy.

Hiện nay, Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Trung ương đang hô hào “đổi mới phương thức sinh hoạt GĐPT”. Đây là một chủ trương đúng đắn trước thực trạng xã hội ngày nay đã khác hẳn xã hội cách đây 50 năm. Tâm tư tình cảm và lối sống của thanh thiếu niên ngày nay cũng khác xưa rất nhiều, trong khi phương thức sinh hoạt của GĐPT vẫn trung thành với truyền thông từ xưa để lại. Điều đó là không phù hợp với đà tiến bộ của xã hội. Công cuộc đổi mới này rất cần đến sức trẻ . Ban Huynh trưởng đơn vị cần tạo điều kiện để cho huynh trưởng trẻ phát huy tài năng, tính sáng tạo và năng động của các em.

3-Nhạy bén và có khả năng tiếp thu cái mới :

Trong thời đại “bốn chấm không” hiện nay, khoa học và công nghệ tiến như vũ bão, đòi hỏi con người cũng phải nhanh nhạy thích ứng và tiếp thu khoa học kỹ thuật. Việc này hoàn toàn trông nhờ vào huynh trưởng trẻ, bởi vì thuộc tính của tuổi trẻ là luôn nhạy bén trong việc thích ứng và tiếp thu cái mới.

Tôi xin kể một câu chuyện có thật trong sinh hoạt GĐPT ở Kiên Giang do Anh Minh Kim Quách Văn Thành kể lại để chứng minh cho điều này. Anh Minh Kim kể rằng:

“… Một lần đó, chúng tôi đến khảo sát Đơn vị Vững mạnh tại một đơn vị GĐPT trong tỉnh. Trong số câu hỏi khảo sát kiến thức đoàn sinh có một câu mà không một đoàn sinh nào trong 12 đơn vị GĐPT trong tỉnh trả lời được. Câu hỏi đó là : Em hãy vẽ chòm sao Đại Hùng Tinh và nói cách tìm hướng Bắc.

Hôm đó, tại đơn vị nói trên, một em đoàn sinh thiếu nữ đã trả lời được câu hỏi đó. Quá bất ngờ và thích thú, tôi hỏi em đoàn sinh đó : ai dạy mà em trả lời đúng câu này vậy? Em trả lời :Thưa anh, em lên trang web gdptkiengiang học chứ không ai dạy em cả.

Ngay lúc đó, tôi đã biểu dương tinh thần học tập của em trước đơn vị và động viên toàn thể huynh trưởng cũng như đoàn sinh đơn vị nói trên hãy học tập và làm theo tinh thần tự học của em đoàn sinh ấy…”

Qua câu chuyện trên, người viết bài này nghĩ rằng: chính tinh thần tự học và tính nhanh nhạy tiếp thu khoa học kỹ thuật của tuổi trẻ đã giúp em đoàn sinh ấy vượt lên trên 500 đoàn sinh khác trong tỉnh Kiên Giang để trả lời được câu hỏi khó đấy.

Trên đây là những điểm mạnh của huynh trưởng trẻ trong sinh hoạt GĐPT. Người viết chỉ nêu những điểm tốt cơ bản của người huynh trưởng trẻ, các đức tính tốt khác thì còn rất nhiều, nhưng do phạm vi bài viết có hạn nên chúng tôi chỉ chọn những tính tốt phù hợp với sinh hoạt GĐPT để nêu ra đây mà thôi.

III. Cấp lãnh đạo Gia Đình cần làm gì để huynh trưởng trẻ phát huy tối đa những mặt mạnh của mình?

Cấp lãnh đạo một đơn vị Gia Đình chính là :

-Gia trưởng

-Liên đoàn trưởng, phó

-và những huynh trưởng trên 30 tuổi, mang cấp Tín hoặc chưa mang cấp Tín, đi sinh hoạt lâu năm, có nhiều kinh nghiệm v.v…

Đây là những người “đứng mũi chịu sào”, chịu trách nhiệm thịnh suy của con thuyền đơn vị. Các anh chị nên nhớ rằng  huynh trưởng trẻ đa số là học sinh cấp 3, thời gian các bạn cống hiến cho đơn vị chỉ từ 2 đến 3 năm, sau đó các bạn phải vào đại học hoặc đi học nghề chuẩn bị cho cuộc sống tương lai, khó có thể tiếp tục đi sinh hoạt GĐPT. Vì vậy, chúng ta cần tận dụng sức trẻ của các bạn trong thời gian vài năm đó để xây dựng Gia Đình.

1) Hãy tin tưởng giao việc và trách nhiệm cụ thể cho huynh trưởng trẻ. Hãy mạnh dạn giao cho các bạn nhiệm vụ dẫn dắt đoàn để các bạn có đối tượng và mục tiêu cụ thể mà dồn tất cả nhiệt tình và sức lực của tuổi trẻ cho mục tiêu phát triển đoàn của mình.

2) Trong các sinh hoạt mà Gia Đình tổ chức như : cắm trại liên đoàn, chu niên, v.v…, hãy mạnh dạn giao cho huynh trưởng trẻ phụ trách và chịu trách nhiện hẳn một công việc (thí dụ: trật tự, trang trí, sắp xếp hội trường, làm MC, v.v…). Đừng sợ các bạn làm không tốt. Có thất bại mới có thành công. Điều cốt yếu là gây cho các bạn lòng tự tin, tình yêu và trách nhiệm với công việc.

3) Mỗi lần giao việc cho huynh trưởng trẻ, các anh chị lớn cấn triển khai rõ ràng cụ thể từng chi tiết cho các bạn nắm thật vững. Sau đấy, cứ để các bạn tự làm, đừng lúc nào cũng kè kè một bên nhắc nhở, chỉ dạy, phê bình… vừa gây ức chế vừa làm cho các bạn mất đi tự tin vào bản thân.

Hãy lấy kết quả sau cùng việc làm của huynh trưởng trẻ mà đánh giá họ.

4) Gia Đình phải thường xuyên giữ mối liên lạc tốt với huynh trưởng trẻ trong suốt thời gian các bạn tạm rời xa Gia Đình đi học tập. Mối liên hệ tốt này có tác dụng giữ chân huynh trưởng trẻ trở lại sinh hoạt khi có điều kiện.

Tóm lại, hàng ngũ huynh trưởng trẻ cũng giống như những mầm non trên một cái cây. Cây mà không có mầm non là báo hiệu cái cây đó già cỗi, sắp chết. (Kỳ sau: Những mặt hạn chế của người huynh trưởng trẻ)

TÂM HÒA
( GĐPT BÌNH PHƯỚC )

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.