Chân Dung Người Huynh Trưởng Trẻ Gia Đình Phật Tử Việt Nam (2)

Chân Dung Người Huynh Trưởng Trẻ
Gia Đình Phật Tử Việt Nam

Phần 2: NHỮNG MẶT HẠN CHẾ CỦA HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Trong phần đầu bài viết này, chúng tôi đã kể ra một số ưu điểm của huynh trưởng trẻ trong sinh hoạt Gia Đình Phật Tử (GĐPT). Nếu ban huynh trưởng đơn vị biết tạo điều kiện thuận lợi cho các huynh trưởng trẻ phát huy tối đa những điểm mạnh của mình trong sinh hoạt thì chắc chắn đơn vị sẽ phát triển mọi mặt. Xem thêm: Chân Dung Người Huynh Trưởng Trẻ Gia Đình Phật Tử Việt Nam kỳ 1

Tiếp tục đề tài Người Huynh Trưởng Trẻ, hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một số hạn chế của huynh trưởng trẻ có liên quan đến sinh hoạt GĐPT.

1) Nóng vội nhưng mau nguội lạnh:

Ông bà ta gọi bệnh này là “Lửa rơm”. Rơm rất dễ bắt lửa, nhưng cháy nhanh và cũng tắt nhanh. Các bạn huynh trưởng trẻ thường làm việc gì cũng nóng vội, muốn làm ngay và muốn có kết quả liền. Đứng về mặt ưu điểm thì xem đây là “Nhiệt tình” của tuổi trẻ. Nhưng nếu nóng vội, hấp tấp, thiếu quán xét và suy nghĩ cho chu đáo trước khi vào việc thì sẽ dễ dàng đi tới thất bại, hoặc tuy có thành công nhưng hậu quả gây bất lợi ở mặt khác còn nhiều hơn kết quả đạt được. Ông bà ta gọi là “Lợi bất cập hại”. Để cho việc làm của các bạn thành công trọn vẹn, các bạn trẻ nên nhờ người lớn tư vấn cho trước khi bắt tay làm bất cứ công trình nào. Đừng cố làm ra vẻ “ta đây không cần ai chỉ dạy”. Đây cũng là cơ hội cho huynh trưởng trẻ học đức tính khiêm tốn. Người trẻ mà biết khiêm tốn thì sự nghiệp tương lai chắc chắn phát triển lâu bền.

Bên cạnh bệnh nóng vội thì tật “mau nguôi lạnh” cũng theo sát như bóng với hình. Trong cuộc sống cho thấy: hễ người nào có bệnh nóng vội thì chắc chắn người ấy có tật mau nguội lạnh. Thế nào là mau nguội lạnh?

Thí dụ: một huynh trưởng trẻ được giao nhiệm vụ thiết kế và thực hiện cổng trại cho một trại liên đoàn. Anh này rất hào hứng, phấn khởi, bắt tay vào công việc một cách hăng say và đầy tự tin. Nhưng khi anh đem bản thiết kế đưa cho ban huynh trưởng thông qua thì có một vài ý kiến bình phẩm “không hợp với lỗ tai” anh. Thế là anh bất mãn một phần. Đến ngày thực hiện cổng trại thì lại xảy ra một vài việc bất như ý :

-Vài em trong số đoàn sinh được phân công phụ giúp anh không có mặt tại đất trại.

-Vật liệu không đủ nhưng anh liên đoàn trưởng không chịu chi tiền mua thêm mà cứ bảo “hãy tận dụng đồ cũ”

-Chị thư ký Gia đình đã hứa đem cờ để treo trên cổng mà đến giờ vẫn chưa thấy. V.v…

Anh huynh trưởng trẻ ấy bất mãn quá nhiều sự việc đến độ lấy điện thoại gọi cho anh liên đoàn trưởng báo rằng anh không thể hoàn thành cổng trại, rồi anh bỏ mặc mọi thứ lại đất trại và ra về một cách không luyến tiếc. Hậu quả là những người khác phải kê vai gánh vác thêm công việc dựng cổng trại. Ai cũng tức anh ách và mệt mỏi vì phải làm thêm việc.

Bạn thấy đó, hậu quả của việc“nhanh chóng tắt lửa” mang lại là không hay ho gì. Đối với tập thể, hành vi đó làm chậm trễ công việc của đơn vị và lưu lại một vết buồn cho kỳ trại của Gia đình;

Còn đối với bản thân huynh trưởng trẻ nói trên, anh phải ân hận về việc làm của mình rất lâu mới có thể bôi xóa đi được, và một sự rạn nứt có thể diễn ra giữa anh và tập thể huynh trưởng đơn vị. Đó là nói trường hợp nếu anh không giận quá mà rời bỏ luôn Gia đình, chứ một vụ việc như thế rất có thể khiến anh vừa tự ái, vừa hỗ thẹn mà nghĩ sinh hoạt luôn, vậy là tổ chức Áo Lam mất đi một huynh trưởng vừa trẻ vừa có năng lực. Tiếc lắm !

Người xưa đã dạy: “Trước khi nói hãy uốn lưỡi bảy lẫn” hoặc “Trước khi nuốt hãy nhai thật kỹ” Những lời dạy ấy xuất phát từ kinh nghiệm và sự khôn ngoan của người từng trải. Tôi khuyên các bạn huynh trưởng trẻ tư duy nhiều về điềm hạn chế thứ nhất này.

2) Nông nổi. vô tâm, không lường trước hậu quả việc mình làm:

Người ta thường nói “Tuổi trẻ hướng về phía trước, người già nhìn lại phía sau” . Vâng, đúng vậy, tuổi trẻ luôn hướng về tương lai, còn người già lại thích nhìn về quá khứ. Tuổi trẻ thường thích cái gì nổi bật , mới lạ, thu hút sự chú ý của đám đông. Điều này, đứng về mặt tích cực thì gọi là “năng động”, “sáng tạo”, nhưng đôi khi năng động, sáng tạo mà thiếu trí tuệ, thiếu kinh nghiệm thì dễ sa vào sự “Vô tâm” gây nhiều hậu quả khó lường.

Để minh họa về điều này, người viết xin đơn cử một việc có thật  xảy ra trong sinh hoạt GĐPT :

Ban Hướng dẫn GĐPT tỉnh nọ tổ chức trại họp bạn quy tụ tất cả đơn vị GĐPT trong tỉnh về dự. Trại diễn ra suôn sẻ từ đầu chí cuối. Dĩ nhiên các trại sinh đua nhau chụp rất nhiều ảnh ghi lại cảnh sinh hoạt trong trại để làm kỷ niệm. Trong khi trại còn đang diễn ra thì hình ảnh sinh hoạt trại đã “vô tâm” tràn lan trên face book của huynh trưởng và đoàn sinh, rồi được đám đông vô tâm khác comment, like, share… đi khắp nơi. Không ai ngờ rằng một trong số hình ảnh đó đã khiến cho một huynh trưởng nữ bị chồng ghen và cấm không cho đi sinh hoạt GĐPT nữa. Đó là một bức ảnh chụp cảnh thân mật giữa chị và một huynh trưởng nam trong lúc đang sinh hoạt. Trong sinh hoạt GĐPT, huynh trưởng (hay đoàn sinh) nam, nữ có những cử chỉ thân mật với nhau là điều trong sáng và bình thường. Người chụp ảnh cũng không có ý xấu gì khi đưa ảnh lên facebook của mình. Tuy nhiên, đối với người ngoại cuộc lại là chuyện khac, vì vậy đã có người bất bình với bức ảnh và đem nó cho chồng chị huynh trưởng kia xem. Thế là một kết cục đáng buồn đã đến với gia đình chị, với bản thân chị và với đơn vị mà chị đang sinh hoạt. Chỉ vì một phút vô tâm, nông nổi, thiếu trí tuệ của người chụp ảnh và đưa ảnh lên facebook mà một huynh trưởng phải đau khổ rời xa màu áo Lam.

3) Ngã mạn:

Ngã mạn nghĩa là tự xem mình có tài hơn, quan trọng hơn những  người khác cùng tập thể với mình. Bệnh ngã mạn có nhiều cấp độ từ nhẹ đến nặng. Khi bệnh đã nặng rồi thì người bệnh trở thành một kẻ tự mãn, kiêu căng, phách lối, khinh người, độc đoán, một kẻ không biết kính trên nhường dưới… Tóm lại, đó là một con người không đạo đức, bị đồng đội ghét bỏ, xa lánh .

Người ngã mạn là người có tài nhưng không có đức. Nhưng tài năng của họ dần dần rồi cũng thui chột đi vì họ mắc chứng tự mãn cho mình là nhất nên không tìm tòi học hỏi gì thêm nơi người khác, từ đó tài năng không phát triển thêm mà dần dần còn trở nên lạc hậu so với đà tiến bộ của xã hội.

Bệnh này thường rơi vào trường hợp một số huynh trưởng trẻ có năng lực, đã chứng tỏ được năng lực và tự hào về năng lực của mình (có khi còn cho mình quan trọng đến mức không có mình thì đơn vị sẽ không biết làm gì).

Huynh trưởng trẻ có tài là vốn quý của tổ chức, thường được cấp trên và đồng đội quý trọng. Nhưng tài năng của anh (chị) chỉ là sự khởi đầu mà thôi, còn phải phấn đấu, nỗ lực trong thời gian khá dài (từ 5 năm trở lên) thì tài năng ấy mới khẳng định được chỗ đứng của mình. Thực tế cho thấy, nhưng nhân tài vĩ đại của nhân loại không chỉ nỗ lực phấn đầu trong 5 – 10 năm mà còn phải nỗ lực phấn đấu suốt đời thì mới được xã hội công nhận là nhân tài.Vì vậy, huynh trưởng trẻ với chút năng lực có được cũng chẳng đáng tự mãn gì đâu các bạn ơi.

Người huynh trưởng tự mãn rất dễ trở thành kẻ vong ân bội nghĩa. Người viết đã từng chứng kiến điều này, khi một huynh trưởng trẻ tỏ ra vô lễ với một huynh trưởng đàn anh cao tuổi mà trước đây đã từng là thầy của mình trong các khóa huấn luyện.

4)Háo danh :

Háo danh nghĩa là thích được người khác ca tụng mình, thích được đứng nhất trong bất cứ cuộc thi nào, thích là nhân vật nổi bật trong bất cứ trường hợp nào.

Người háo danh thường là người có chút đỉnh tài năng, nhưng tài năng nổi bật nhất chính là tài lòn lách, cơ hội, ranh mảnh. Người háo danh ít khi nào là người trung thực. Vì háo danh nên anh (chị) ta sẵn sàng gian dối, làm đủ mọi cách có thể để được vượt lên trên người khác.

Thực ra, háo danh không phải là bệnh riêng của huynh trưởng trẻ. Ngoài xã hội, bệnh này lây lan đến cả những người không còn trẻ nữa. Thí dụ : trường hợp được báo chí phanh phui cách đây không lâu, tại một trường học nọ, nhiều em học sinh học đến lớp 7 mà vẫn chưa biết đọc. Hóa ra vì sợ mất điểm thi đua của trường mà một số thầy cô giáo cứ đẩy bừa học sinh lên lớp. Nhiều trường hợp, chính phụ huynh đến trường xin cho con em mình được ở lại lớp mà vẫn không được nhà trường chấp nhận.

Một chuyện khác mới được các phương tiện truyền thông đăng tải vào đầu năm năm 2018 này cũng xuất phát từ bệnh háo danh: Tại một trường học nọ, một cô giáo “có thai vượt kế hoạch”. Hiệu trưởng bảo cô giáo phải đi phá thai để bảo toàn điểm thi đua cho nhà trường (!)

Bệnh háo danh khiến con người ta sẵn sàng làm mọi việc dù việc làm đó có trái với luân lý và đạo đức cũng không màng, miễn sao việc làm đó có thể mang lại “thắng lợi” cho mình trong các cuộc thi đua.

Các anh chị huynh trưởng trẻ thân mến,

Trong mỗi con người đều có hai mặt : bản năng và đạo đức.

Bản năng là những tánh xấu vốn có do thiên nhiên “cài đặt” trong mỗi sinh vật nhằm duy trì sự sống của động-thực vật trên hành tinh này. Nó giống như hạt cỏ lẫn trong đất, cứ gặp thuận duyên là mọc tràn lan, không cần chăm sóc,

Đạo đức là những điều cao đẹp do con người tu tập nhiều đời mà có được. Người tu nhiều thì đạo đức nhiều, người tu ít thì đạo đức ít, kẻ sống theo bản năng không biết đến tu là gì thì suốt đời sống như cầm thú. Đạo đức là tài sản quý báu của loài người, các loài cầm thú chỉ biết sống theo bản năng mà không biết đạo đức là gì.

Đạo đức Phật giáo là đạo đức dựa trên những chân lý trong cuộc sống mà hình thành, chứ không phải là một thứ giáo điều hoang tưởng bắt người Phật tử phải mù quáng tin theo.

Mục đích của bài viết này nhằm gợi ý cho huynh trưởng trẻ có ý niệm về những điều đạo đức và những điều phi đạo đức để các anh chị thực tập trong sinh hoạt GĐPT. Đó chính là cách tu của người huynh trưởng GĐPT Việt Nam vậy.

TÂM HÒA
( GĐPT BÌNH PHƯỚC )

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.