Câu chuyện dòng sông: Cồ Đàm (2)

Chương 3

Cồ Đàm (2)

Khi đức Phật đã lui về nghỉ ban đêm, Thiện Hữu quay lại Tất Đạt và nói với vẻ nồng nhiệt:

– Tất Đạt, tôi không quen chỉ trích anh. Chúng ta đều đã nghe đấng Giác Ngộ. Tôi đã lắng nghe lời dạy và đã chấp thuận những lời ấy, nhưng còn bạn, bạn ơi, bạn lại không đặt chân lên con đường giải thoát hay sao… Bạn còn trì hoãn gì nữa! Còn đợi gì nữa sao…

Khi nghe lời Thiện Hữu, Tất Đạt bừng tỉnh như vừa ngủ dậy. Chàng nhìn vào mặt Thiện Hữu một lúc lâu. Rồi chàng nhẹ nhàng bảo – giọng không còn chế giễu:

– Thiện Hữu, bạn ơi, bạn đã bước chân đi và chọn đường, bạn đã luôn luôn là bạn quí của tôi. Thiện Hữu, bạn đã luôn đi sau tôi một bước. Tôi vẫn thường nghĩ: “Thiện Hữu có bao giờ bước một bước mà không cần đến tôi chăng… Một bước đi từ sự tin tưởng vững vàng của chàng… ”. Giờ đây, bạn đã là một người đàn ông và đã chọn con đường riêng của bạn. Ước mong sao bạn sẽ đi đến cùng. Thiện Hữu, ước mong bạn sẽ tìm được giải thoát.

Câu chuyện dòng sông
Thiện Hữu vẫn chưa hiểu rõ, lặp lại câu hỏi một cách nóng nảy (ảnh minh họa)

Thiện Hữu vẫn chưa hiểu rõ, lặp lại câu hỏi một cách nóng nảy:

– Nói đi, bạn! Hãy nói rằng bạn cũng sẽ không làm gì khác hơn là nguyện theo gót đức Phật…

Tất Đạt đặt tay lên vai bạn:

– Bạn đã nghe tôi chúc lành cho bạn, hỡi Thiện Hữu. Tôi lặp lại: mong sao cho bạn đi cuộc hành trình cho đến cùng; cho bạn tìm ra giải thoát!

Lúc ấy, Thiện Hữu mới nhận ra rằng bạn chàng đang bỏ chàng. Chàng bắt đầu khóc.

– Ồ Tất Đạt! Thiện Hữu nấc lên.

Tất Đạt dịu dàng bảo:

– Thiện Hữu ơi, đừng quên rằng bây giờ bạn ở vào hàng đệ tử của Phật. Bạn đã khước từ dòng dõi và tài sản, khước từ ý chí riêng, khước từ tình bạn hữu. Đấy là những gì giáo điều giảng dạy, đấy là ý muốn của đấng Giác Ngộ. Đấy cũng là những gì chính lòng bạn muốn. Ngày mai, Thiện Hữu ơi, tôi sẽ rời bạn.

Một lúc lâu, đôi bạn lang thang qua các khu rừng. Họ nằm xuống đất rất lâu nhưng không sao ngủ được. Thiện Hữu gạn hỏi bạn nhiều lần tại sao Tất Đạt không muốn theo lời dạy của đức Phật, chàng đã thấy khuyết điểm gì trong lời dạy ấy, nhưng mỗi lần Tất Đạt đều khoát tay:

– Bạn hãy bình tĩnh, Thiện Hữu. Lời dạy của đấng Giác Ngộ thật chí lý. Làm sao tôi có thể tìm ra khuyết điểm trong ấy…

Sáng sớm, một đồ đệ của đức Phật, một trong những vị tỳ kheo già nhất, đi khắp khu rừng và triệu tập tất cả những đồ đệ mới phát nguyện để khoác cho họ chiếc áo vàng và dặn dò những lời chỉ giáo đầu tiên về phận sự của họ. Khi ấy Thiện Hữu chỉ chạy đến hôn người bạn từ thời thơ ấu và khoác chiếc áo tăng lữ đầu tiên.

câu chuyện dòng sông
Tất Đạt đi lang thang trong khu rừng và chàng gặp Cồ Đàm, đấng Giác Ngộ (ảnh minh họa)

Tất Đạt đi lang thang trong khu rừng, để tâm trí trong suy tư. Ở đấy chàng gặp Cồ Đàm, đấng Giác Ngộ, và khi chàng kính cẩn chào Ngài và thấy nét mặt Phật đầy thiện đức và bình an, chàng thu hết can đảm xin phép được nói chuyện cùng Ngài, đấng Giác Ngộ lặng lẽ gật đầu.

Tất Đạt nói:

– Bạch đấng Đại Giác, hôm qua tôi đã hân hạnh được nghe những lời chỉ giáo tuyệt vời của Ngài. Tôi từ xa đến với bạn tôi để nghe Ngài và bây giờ bạn tôi sẽ ở lại với Ngài, bạn đã nguyện theo Ngài. Còn tôi, tôi vẫn lại tiếp tục hành trình.

– Người cứ tự tiện, đấng Giác Ngộ ôn tồn đáp.

Tất Đạt tiếp lời:

– Có lẽ những lời của tôi quá táo bạo nhưng tôi không muốn từ giã đấng Giác Ngộ mà không thành tâm trình bày cùng Ngài những thiển ý của tôi. Ngài có thể nghe tôi hầu chuyện một lúc nữa chăng…

Đức Phật lại lặng lẽ gật đầu.

– Hỡi đấng Giác Ngộ, trước hết tôi rất thán phục những điều Ngài dạy bảo. Mọi sự đều được chứng minh đầy đủ rõ ràng. Ngài trình bày thế giới như một sợi dây xích liên tục không đứt đoạn, một sợi dây bất tuyệt nối liền với nhau bởi nhân và quả. Chưa bao giờ vũ trụ được trình bày rõ ràng như thế, và chứng minh một cách khúc chiết như thế. Chắc hẳn một người Bà La Môn phải giật mình kinh hãi, khi qua những lời giảng dạy của Ngài, họ nhìn thấy một vũ trụ hoàn toàn mật thiết với nhau đến không có một lỗ hổng, trong suốt như pha lê, không phụ thuộc may rủi, không phụ thuộc thần linh. Thế giới tốt hay xấu, sự sống tự nó là đau khổ hay khoái lạc, sự sống bất trắc hay không, điều này không quan trọng nhưng sự nhất thể của thế giới, lẽ tương quan tương liên của mọi sự vật, lớn nhỏ bao gồm nhau, sinh thành bao gồm trong huỷ diệt: những điều Ngài dạy thật sáng lạng và phân minh. Nhưng theo những lời dạy ấy, sự nhất tính và liên tục hợp lý của mọi sự có một chỗ hở. Qua khe hở nhỏ ấy, một cái gì lạ lùng bỗng tuôn trào vào trong thế giới nhất thể này, một cái gì mới mẻ, một cái gì không có ở đấy trước kia và không thể chứng minh hay chứng nghiệm được: ấy là thuyết của Ngài về sự vươn lên trên thế giới, thuyết cứu độ. Với khe hở nhỏ này, chỗ gián đoạn bé bỏng ấy, dù sao, luật vũ trụ duy nhất không tiền khoáng hậu lại bị sụp đổ. Xin Ngài tha thứ nếu tôi đưa ra sự đối chất này.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.