Cần Triển Khai Thực Hiện Nội Quy Huynh Trưởng Một Cách Nghiêm Túc Và Cương Quyết

Qua theo dõi hai bài báo trên mục Diển Đàn trên trang website gdptkiengiang.vn nói về hình ảnh tiêu cực của một số ít huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, tôi tán thành ý kiến của hai tác giả Ong Mật và Tịnh Ngân. Để cho vấn đề thêm sáng tỏ và được giải quyết một cách hiệu quả, tôi xin đóng góp một vài ý kiến như sau:

Vậy, ngoài việc phê phán, chúng ta còn làm được gì?

Xin thưa, tổ chức chúng ta còn có một công cụ rất “thù thắng” mà chúng ta quên không sử dụng đó thôi. Tôi muốn nói đến Nội Quy Huynh Trưởng GĐPT đã được ban hành từ ngày 17/7/2013, một lượt với Nội Quy Gia Đình Phật Tử.

Nội Quy Huynh Trưởng là một văn bản pháp quy nhằm mục đích liên kết huynh trưởng GĐPT thành một khối đoàn kết, thống nhất tư tưởng, thống nhất ý chí, quyết tâm tu học, khép mình vào kỷ cương, trau dồi thân giáo để hoàn thành sứ mệnh của người Huynh trưởng. (trích Lời nói đầu).

Bản Nội Quy Huynh Trưởng GĐPT ban hành lần này là kết tinh trí tuệ và kinh nghiệm của tổ chức Áo Lam qua 4 lần tu chỉnh vào các năm: 1964, 1967, 1973 và 2011, gồm có: Lời nói đầu, 5 chương và 18 điều. Cụ thể:

* Chương I: Tu học và huấn luyện

– Điều 1: Tu học

– Điều 2: Tổ chức các lớp học

– Điều 3: Huấn luyện

– Điều 4: Tổ chức các trại huấn luyện

* Chương II: Xét, xếp cấp Huynh trưởng

– Điều 5: Điều kiện xếp cấp

– Điều 6: Thể thức xếp cấp

– Điều 7: Hội đồng xét, xếp cấp

– Điều 8: Hồ sơ xét, xếp cấp

– Điều 9: Tổ chức lễ thọ cấp

– Điều 10: Truy tặng và truy thăng cấp

* Chương III: Bổn phận, nhiệm vụ, quyền hạn

– Điều 11: Huynh trưởng cấp Tập

– Điều 12: Huynh trưởng cấp Tín

– Điều 13: Huynh trưởng cấp Tấn

– Điều 14: Huynh trưởng cấp Dũng

* Chương IV: Hội đồng quản trị huynh trưởng

– Điều 15: Thành phần Hội đồng

– Điều 16: Nhiệm vụ Hội đồng

– Điều 17: Vấn đề kỷ luật

* Chương V: Tổng quát, sửa đổi, hiệu lực

– Điều 18: Tổng quát – Sửa đổi – Hiệu lực

Thông qua bản Nội quy Huynh trưởng lần này, ngoài vấn đề khen thưởng không được Nội quy đề cập đến (?), còn tất cả những điều khác có liên quan đến huynh trưởng đều được Nội quy nói rất rõ.

Tuy nhiên, muốn thực hiện Nội Quy một cách hiệu quả thì chúng ta phải cụ thể hóa những điều quy định trong Nội quy thành Quy chế phù hợp với hoàn cảnh riêng của từng địa phương.

Thí dụ: trong Lời nói đầu có đề cập đến các cụm từ: đoàn kết, thống nhất tư tưởng, thống nhất ý chí, quyết tâm tu học, khép mình vào kỷ cương, trau dồi thân giáo … Vậy, thế nào là đoàn kết hay không đoàn kết? thế nào là quyết tâm hay không quyết tâm tu học? thế nào là khép mình hay không khép mình vào kỷ cương? v.v… Tất cả đều phải được nêu lên cụ thể, rõ ràng để làm cái “Ni” đánh giá huynh trưởng.

Rất tiếc trong thời gian từ ngày ban hành Nội quy Huynh trưởng đến nay, không biết có bao nhiêu địa phương đã soạn thành Quy chế để thực hiện Nội quy một cách có hiệu quả? Tôi e rằng chẳng có nơi nào làm công việc này. Vì vậy mà tình trạng huynh trưởng “hiệp sĩ bóng đêm” vẫn chưa được khắc phục, gây không ít nản lòng cho những huynh trưởng đang toàn tâm toàn ý cống hiến, hy sinh từng ngày cho tổ chức.

Cũng vì chưa có Quy chế cụ thể để triển khai trong lực lượng huynh trưởng nên nhiều địa phương vẫn tồn tại các tệ nạn huynh trưởng có cấp, thậm chí cấp lớn, vẫn đi sinh hoạt vật vờ như cái bóng, lánh nặng tìm nhẹ, không chấp hành kỷ luật của hàng huynh trưởng, thiếu trau dồi thân giáo, nêu gương xấu cho đoàn sinh, khiến cho đơn vị ngày càng xuống dốc, báo hiệu cho một ngày tan rả không còn xa.

Gia Đình Phật Tử vốn đã gặp biết bao nhiêu khó khăn trong sinh hoạt rồi, nay lại bị cái nạn huynh trưởng vô kỷ luật trở thành gánh nặng cho tổ chức Áo Lam, thử hỏi Gia Đình Phật Tử Việt Nam bao giờ mới tiến lên được đây?

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.