Bồ Đề Đạt Ma

HỎI:

Kính thưa Ban biên tập, khi vào thăm một số chùa em thấy nơi hậu tổ có treo một ảnh tượng vẽ một người đen đúa, hai mắt to và lộ, râu rậm, mặc áo nhà chùa, đi chân không, đang bước đi trên mặt nước, vác một chiếc gậy  trên vai, đầu gậy có treo một chiếc giày. Kính đề nghị Ban biên tập giải thích cho em hiểu nhân vật đó là ai? Vì sao được thờ trong chùa?

dieungh…@yahoo.com

TRẢ LỜI:

Bạn dieungh…@yahoo.com thân mến,

Nhân vật mà em hỏi là Tổ (Thiền tông) Bồ Đề Đạt Ma. Chỉ có chùa theo Thiền tông mới thờ tượng ngài Bồ Đề Đạt Ma.

Sau đây là sơ lược về lịch sử của Ngài.

Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) là người nước Quốc Hương, thuộc Nam Thiên Trúc (Dekhan), tức Ấn Độ, con thứ ba của vua Chí Vương, dòng Sát đế lỵ, tên tục là Bồ Đề Đa La (Bodhitara). Một hôm vua nước Quốc Hương cung thỉnh chư Tăng vào cung để cúng dường. Lúc bấy giờ Thiền tông Ấn Độ đã truyền đến vị Tổ thứ 27 (Tổ thứ I là ngài Ma Ha Ca Diếp) Tổ thứ 27 là ngài Bát Nhã Đa La (Prajnâtara) dẫn đầu chư tăng vào cung dự buổi cúng dường trai tăng. Trong dịp này Tổ gặp hoàng tử Bồ Đề Đa La. Tổ nhận thấy ở vị hoàng tử này nhiều nét đặc biệt, nên gợi ý với nhà vua cho hoàng tử xuất gia. Nhà vua đồng ý. Kể từ đó hoàng tử Bồ Đề Đa La theo Tổ xuất gia, được đặt pháp danh là Bồ Đề Đạt Ma.

bo de dat ma
Tranh vẽ Tổ Bồ Đề Đạt Ma

Về sau, Tổ Bát Nhã Đa La trước khi viên tịch đã truyền y bát lại cho Bồ Đề Đạt Ma làm Tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ.

Nhớ lời Tổ dặn phải xuất dương mới thành đạo nghiệp vĩ đại, Bồ Đề Đạt Ma vào độ gần tám mươi tuổi xuống thuyền ra khơi đi về hướng Đông đến Trung Hoa. Thời bấy giờ thuộc triều đại nhà Lương bên Trung Hoa, năm Phổ thông thứ 8, nhằm mồng một tháng mười năm Đinh Mùi (520) sau T.C.), thuyền đến Quảng Châu, thứ sử tỉnh nầy lấy lễ nghinh tiếp và dâng biểu về triều báo tin. Lương Võ Đế sai sứ đi thỉnh về thành đô là Kim Lăng.

Là một người phụng sự đạo Phật, Lương Vũ Đế đã cho xây trong nước mình nhiều chùa chiền, bảo tháp. Vũ Đế hỏi nhà sư Ấn Độ: "Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?"

Đạt Ma đáp: "Không có công đức."

– Tại sao không công đức?

– Bởi vì những việc vua làm là nhân "hữu lậu", chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.

– Vậy công đức chân thật là gì?

Tổ đáp: "Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được."

Sau câu chuyện đối đáp này, Bồ Đề Đạt Ma biết tâm vua không khế hợp được với pháp mình, vì vậy Tổ lên Tung Sơn vào chùa Thiếu Lâm, ngồi ngó vào vách, trọn ngày làm thinh. Người đời không hiểu gì cả, gọi Sư là “Bích quán Bà la môn”, nghĩa là ông Bà la môn ngó vách.

Trong chín năm ở tại chùa Thiếu Lâm, Tổ có nhận một đệ từ tên Thần Quang và đặt cho pháp danh là Huệ Khả.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma (Tranh thư pháp Minh Chiếu)

Vào ngày mồng 9 tháng 10 năm Bính Thìn (529 dl), tức năm Đại Thông thứ 2 triều nhà Lương, Tổ kêu Huệ Khả đến bên giường truyền y bát làm tổ thứ II Thiền tông Trung Hoa. Truyền xong, Tổ ngồi ngay ngắn đi vào thiền định và viên tịch. Đến ngày 18 tháng chạp cùng năm, nhục thể của Tổ được nhập tháp tại chùa Định Lâm, núi Hùng Nhĩ.

Ba năm sau có viên quan sứ Trung Hoa tên Tống Vân đi sứ qua Ấn Độ. Trên đường về , khi thuyền đi trên một con sống lớn dưới chân núi Thống Lĩnh, bỗng Tống Vân trông thấy Tổ Bồ Đề Đạt Ma đang lướt đi trên mặt nước, tay quảy một chiếc gậy, đầu gậy treo một chiếc dép.

Tống Vân ngạc nhiên hỏi:

-Sư đi đâu vậy?

Tổ đáp:

-Ta về Thiên Trúc (Ấn Độ) đây. Chủ của ngươi chán đời rồi đấy, ngươi nên về mau đi.

Ngẩn ngơ, Tống Vân từ giả Sư và hấp tấp về phục mạng, thì ra vua Minh Đế đã thăng hà. Tống Vân tâu việc gặp Sư lên vua Hiếu Trang mới tức vị. Vua ra lệnh quật mồ. Trong quan tài không có gì cả, ngoài một chiếc dép da. Các quan lãnh lịnh khám nghiệm hết sức kinh ngạc và thán phục. Vua sắc đưa chiếc dép của Sư lưu lại về chùa Thiếu Lâm thờ. Đến đời Khai Nguyên năm thứ 15 nhà Đường, nhằm năm Đinh Mão hàng thiện tín lại dời báu vật về chùa Hoa Nghiêm, đến nay không biết còn mất

Tổ Bồ Đề Đạt Ma được nhà vua phong là Viên Giác Thiền Sư, còn ngọn tháp của Tổ gọi là Không Quán. Thiền tông Trung Hoa tôn Tổ làm Sơ Tổ.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.