BẢN NĂNG và ĐẠO ĐỨC

LỜI BBT: Gia Đình Phật Tử (GĐPT) là tổ chức giáo dục Thanh Thiếu Đồng niên Phật tử theo đạo đức Phật giáo. Huynh trưởng GĐPT vừa là người tu học, vừa là người hướng dẫn đạo đức Phật giáo cho đoàn sinh. Chúng tôi xét thấy bài viết “Bản năng và Đạo đức” của tác giả Thích Nguyên Bảo rất hữu ích cho người Huynh trưởng GĐPT nên đăng vào mục Chánh kiến để anh chị em chúng ta cùng đọc và suy ngẫm.

Xin trân trọng giới thiệu và thân mi anh chị em vào đọc.

* * *

A-BẢN NĂNG

Bất cứ một hình thức sống nào trên thế gian, từ sự sống cao cấp như con người cho đến hình thức sống sơ đẳng như con vi khuẩn, thậm chí kể cả các loài thực vật, đều được thiên nhiên ban cho những bản năng gốc để duy trì sự sống và truyền giống ra khắp hành tinh. Những bản năng gốc ấy là :

1-Bản năng sinh tồn, là bản năng ăn để sống, chống kẻ mạnh và ăn hiếp kẻ yếu

2-Bản năng hưởng thụ, là bản năng luôn đi tìm sự khoái lạc cho mình

3-Bản năng truyền giống, là bản năng làm cho nòi giống của mình được lan tràn ra khắp trái đất.

4-Bản năng thich nghi với môi trường và hoàn cảnh sống để tồn tại

Từ 4 bản năng gốc nêu trên mà sinh ra nhiều hành vi khác nhau tùy theo mức độ thông minh của từng loài, nhưng cũng không ngoài mục đích bảo tồn và phát triển sự sống của mỗi loài.

Tất cả các loài động vật bay trên không hay sống trên mặt đất hoặc bơi dưới nước, kể cả các loài thực vật trong hàng triệu năm qua từ khi có mặt trên hành tinh này, chỉ quanh quẩn sống với 4 bản năng gốc nói trên : ăn để sống, chiến đấu để bảo tồn sinh mạng , truyền giống và thích nghi với hoàn cảnh để sinh tồn.

Riêng con người, vì là động vật thông minh nhất nên từ 4 bản năng gốc trên đây đã đẻ ra muôn hình vạn trạng hành vi khác nhau, không ai có thể kể ra hết tất cả những hành vi của con người xoay quanh 4 bản năng gốc nêu trên. Loài người đã phát triển các bản năng gốc thành nhu cầu hưởng thụ, từ đó đã biến cuộc sống nhân loại trở nên phong phú nhưng cũng cực kỳ vô tâm, phi đạo đức.

Thí dụ:

-Thay vì ăn vừa đủ để duy trì sự sống, con người đã ăn gấp 100 lần nhu cầu cần thiết. Họ ăn tới hết thú trong rừng, hết cá tôm dưới biển, hết chim trên trời. Họ chế biến ra các thứ rượu để say sưa và sản xuất ra các loại ma túy để tìm vui trong ảo giác. Người ta làm mọi cách để thức ăn ngon hơn, nhưng hậu quả là người ta tự đầu độc chính mình bằng các thực phẩm ấy.

-Thay vì tạo ra hạnh phúc cho mình và dân tộc mình, con người đã đi xâm chiếm đất nước khác, bắt các chủng tộc khác làm nô lệ. Họ tìm hạnh phúc cho mình qua nỗi khổ đau bất hạnh của người khác.

-Thay vì xây dựng gia đình hạnh phúc để duy trì nòi giống, loài người đã biến bản năng truyền giống thành sự hưởng thụ trụy lạc, gây nên đại dịch thế kỷ là bệnh SIDA đến nay vẫn chưa có thuốc chữa

-Thay vì bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của nhân loại, con người đã tàn phá nó không thương tiếc; thay vì bớt làm giàu một chút để giữ môi trường trong sạch, thì con người đã khai thác tài nguyên đến mức kiệt quệ để làm giàu và dùng tiền kiếm được đó đầu tư vào công cuộc khám phá những hành tinh ngoài trái đất. Thật đúng là cái vòng lẩn quẩn ngớ ngẩn!

BẢN NĂNG và ĐẠO ĐỨC
Bốn bản năng gốc mà thiên nhiên đã cài đặt cho con người đã được con người không ngừng phát triển thành những nhu cầu bất tận (ảnh minh họa)

Bốn bản năng gốc mà thiên nhiên đã cài đặt cho con người đã được con người không ngừng phát triển thành những nhu cầu bất tận. Chỉ để phục vụ cho 4 bản năng gốc của con người thôi mà núi đã lở, sông đã cạn, băng đã tan và trái đất đang nóng lên từng ngày. Để thỏa mãn cho bản năng, con người đã trở thành loài động vật tham lam ích kỷ và gây nhiều tội lỗi nhất trong cộng đồng cư dân trên hành tinh xanh này. Chính con người đã và đang tàn phá trái đất, hủy diệt sự sống muôn loài từng ngày từng giờ. Ngày tận thế chắc chắn sẽ đến, nhưng không phải do thần linh nào trừng phạt, mà do chính con người tạo ra ngày tận thế.

-Bản năng là do thiên nhiên phú cho mỗi sinh thể từ khi ra đời cho tời khi chết đi. Bản năng không cần học mà vẫn biết, không cần tập mà vẫn thành thạo. Bản năng không bao giờ mất, chỉ có tăng thêm mà không có giảm bớt. Bản năng giống như con ngựa hoang đầy sức mạnh, lúc nào cũng muốn lồng lên để thỏa mãn cơn thèm khát của nó. Sống theo bản năng tức là sống buông thả không kiềm chế, chỉ biết đến lợi ích cho mình mà không nghĩ gì đến thiệt hại cho người khác hay cho xã hội.

Bản năng luôn được hiến pháp các quốc gia công nhận như “Quyền sống” của con người. Nhà nước chỉ bắt tội người vi phạm luật pháp chớ không bắt ai vì tội sống theo bản năng. Vì vậy, trong đời sống xã hội, có những hành vi trái đạo đức nhưng vẫn không bị luật pháp trừng trị. Thí dụ : một người  ăn chơi trác táng trụy lạc, bất hiếu với cha mẹ, ngược đãi vợ con, ác độc với người làm, bủn xỉn keo kiệt với mọi người, lừa thầy phản bạn v.v… nhưng nếu người ấy không vi phạm một điều gì cụ thể do luật pháp quy định thì pháp luật không bao giờ bắt tội y.

Con người là động vật thông minh, cho nên không thể không nhìn thấy thảm họa đang chực chờ trước mắt. Thực tế cho thấy trong lịch sử nhân loại đã từng xuất hiện không ít những bậc hiền triết vĩ đại với trí tuệ bao la khẩn thiết kêu gọi con người hãy sống đạo đức bằng cách tiết chế tham muốn, diệt trừ ngã mạn ích kỷ, tăng trưởng lòng thương người và vật, sống cuộc đời vô ngã vị tha, v.v… Nổi bật nhất trong những con người vĩ đại đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người sáng lập đạo Phật với nền giáo lý minh triết, nhân bản, thực tiễn có khả năng soi rọi và giải quyêt mọi bất hạnh của kiếp người ngay trong cuộc sống này. Hơn 2500 năm qua, Phật giáo đã mang đến cho con người một nền đạo đức toàn diện nhất nhằm hướng con người đến một đời sống Trung đạo, Vô ngã vị tha, Từ bi hỷ xả… Đó chính là nền tảng của một đời sống hạnh phúc mà nhân loại đang mong cầu.

Xã hội ngày nay đã hình thành nên ba hạng người :

1-Hạng người sống theo bản năng, việc gì cũng dám làm để tìm “hạnh phúc” trong sự thỏa mãn các nhu cầu do bản năng đòi hỏi. Hạng người này thường là nguốn gốc của mọi tội ác trong xã hội

2-Hạng người sống có đạo đức biết kiềm chế dục vọng, sống hướng thượng để tìm hạnh phúc thật sự của kiếp người. Hạng người này là cứu tinh của xã hội.

3-Hạng người vừa sống theo bản năng, nhưng có lúc cũng quay về với đạo đức. Đây là hạng người đông đảo nhất trong xã hội.

B-ĐẠO ĐỨC

-Đạo đức là những điều tốt đẹp trong cuộc sống do tinh hoa trí tuệ con người hình thành sau nhiều kinh nghiệm đau đớn của đời sống bản năng mang lại. Đạo đức có mặt trong đời sống từ khi loài người thấy được tác hại của lối sống theo bản năng. Đạo đức xuất hiện theo từng thời đại, từng dân tộc và được bổ sung dần theo bước chân tiến hóa của trí tuệ loài người. Những người rao giảng đạo đức, dù là dân tộc nào, dù trong thời đại nào, cũng đều là những bậc hiền triết cao quý, những vĩ nhân của từng thời đại mà điển hình nhất là những nhà sáng lập tôn giáo.

-Trong khi bản năng là cái gì tự nhiên có sẵn trong từng người và chỉ có tăng chớ không có giảm, thì đạo đức lại là cái gì rất quý giá phải tu tập cực khổ lắm mới có được. Bản năng như dòng nước lũ cuốn con người về nơi vực thẳm đau khổ, đạo đức lại như chiếc phao giúp con người bơi ngược dòng trở về cội nguồn hạnh phúc của nhân loại. Vì vậy, sống theo bản năng thì dễ, nhưng sống có đạo đức là một việc khó làm, phải là người có ý chí, có sẵn nghiệp lành từ nhiều đời trước mới có thể thành tựu đạo đức và trở thành bậc Thánh trong đời này.

-Trong lịch sử nhân loại tính cho đến thế kỷ 21 này, tuy dân tộc nào cũng có một nền đạo đức riêng; tuy tôn giáo nào cũng có kinh điển ghi chép các điều đạo đức do vị giáo chủ dạy, nhưng các thứ đạo đức vừa nêu luôn tồn tại những sự bất cập, mâu thuẩn nhau khiến chúng không thể trở thành một nền đạo đức mẫu mực chung cho nhân loại cùng áp dụng.

Duy chỉ có đạo đức Phật giáo do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phát hiện, thực hành và truyền bá, được các bậc trí giả trên thế giới công nhận là nền đạo đức toàn diện, nhân bản, thực tiễn và phũ hợp với các chân lý về vũ trụ và nhân sinh. Do vậy, đạo đức Phật giáo có thể được xem là đạo đức mẫu mực cho toàn nhân loại và đạo Phật chính là tôn giáo của toàn cầu trong tương lai (theo nhà bác học Albert Einstein)

Ở đây, chúng ta thử tìm hiểu vì sao đạo đức Phật giáo lại có những tính chất ưu việt như vậy.

(Xin xem tiếp kỳ sau)

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.