Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ Kỳ 10: Tùy Duyên & Bất Biến (4)

TÙY DUYÊN & BẤT BIẾN (tiếp theo)

Phần II : Truyền thống

 
            Bạn thân mến,
            Trong là thư này, chúng ta cùng trao đổi với nhau quanh hai từ “truyền thống”.
            Thế nào là truyền thống ?
            Theo nghĩa thông thường thì truyền thống là những gì tốt đẹp nhất của một dân tộc, một địa phương, một đoàn thể, một gia tộc … được truyền từ đời này sang đời nọ
Lá thư trước, chúng tôi có nói : “truyền thống của tổ chức GĐPT từ khi thành lập đến nay là : GĐPT luôn luôn sinh hoạt tu học trong lòng một Giáo Hội hợp pháp được chế độ chính trị hiện hành công nhận
            Trước khi chứng minh cho câu nói này, tôi muốn mời bạn điểm lại lịch sử nước nhà :
            Bắt đầu từ Nhà Đinh rồi tiếp nối qua các triều đại Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn Gia Long, thời kỳ Pháp thuộc… Từ những trang sử trên cho chúng ta rút ra được những bài học gì ? Đó là :
            1)Vận mệnh một dân tộc luôn cần sự thay da đổi thịt . Khi một triều đại đã suy tàn thì rất cần một triều đại khác lên thay.
            2)Khi một triều đại mới lên làm chủ đất nước thì luôn có những người nuối tiếc quá khứ nổi lên chống đối hòng phục hồi chế độ cũ (đơn cử như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống). Nếu chế độ mới hợp lòng dân,vững tay lèo lái vượt qua thử thách thì sẽ bền vững lâu dài , tạo nên một thời kỳ thịnh vượng cho dân tộc (thí dụ như các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê); Nếu triều đại mới không hội đủ 3 yếu tố thiên thời-địa lợi-nhân hòa thì thời gian cai trị đất nước không lâu và do đó không có đủ thời gian để tạo nên một đất nước hùng cường trong triều đại của mình (thí dụ như nhà Hồ, Nguyễn Tây Sơn)
            3)Bất cứ một triều đại nào lên cai trị đất nước thì bộ máy nhà nước của chế độ ấy cũng đều đổi mới mọi việc theo quan điểm chính trị của mình. Những cơ chế hay tổ chức của chế độ cũ, nếu thấy có lợi thì giữ lại; nếu thấy không có lợi cho nền chính trị mới thì xóa bỏ và thay thế bằng cơ chế, tổ chức mới phù hợp hơn. Nhà nước nào cũng đều làm như thế, ai không chấp nhận tức là chống đối, là vi phạm luật pháp của triều đại đó.
            4)Phật Giáo Việt Nam từ khi du nhập cho đến trải qua các triều đại trong suốt quá trình lịch sử biến thiên từ triều đại này sang triều đại khác… Dù có lúc được tôn sùng hay có khi bị ngược đãi thì PGVN vẫn luôn tùy duyên, khế cơ , khế thời để hoạt động  trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết với mọi giai tầng xã hội và phù hợp với luật pháp hiện hành..
            Nếu cần một bằng chứng vững chắc để chứng minh cho tính cách nhu nhuyến của Phật Giáo trước mọi chế độ chính trị khác nhau , bạn có thể lần giở lại những trang sử Phật Giáo từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế cho đến lịch sử truyền bá Phật Giáo ra toàn thế giới thì sẽ thấy.
 
            Bạn thân mến,
            Chúng ta trở về cội nguồn của tổ chức Gia Đình Phật Tử. Năm 1932, An Nam Phật Học Hội được thành lập tại Huế. Đây là tổ chức giáo hội đầu tiên đã khai sinh ra GĐPT.  Lúc bấy giờ toàn thể nước Việt Nam chúng ta đã nằm trong tay đô hộ của thực dân Pháp. Bản Điều Lệ và Quy Tắc của Hội được Quan Khâm Sứ Trung Kỳ (người Pháp) tên là Graffeuil phê chuẩn ngày 15 Juillet 1938.
            Hội hoạt động từ năm 1932 đến năm 1945 dưới tên An Nam Phật Học Hội . Năm 1945, hội đổi tên thành  Việt Nam Phật Học Hội. Đến năm 1951, hội lại đổi danh hiệu là Hội Phật Giáo Việt Nam tại Trung Phần.  
            Qua một phần lịch sử của riêng An Nam Phật Học Hội (ANPHH), chúng ta rút ra những kết luận như sau :
            1) ANPHH ra đời trong bối cảnh thực dân Pháp cai trị nước ta, vì vậy các bậc tôn túc thời ấy phải khế thời, tùy duyên và tuân thù theo những quy định pháp luật của nhà nước thuộc địa lúc bấy giờ. Điều ấy chẳng phải ANPHH đã tiếp nối truyền thống của Phật Giáo Việt Nam qua nhiều triều đại trước đây hay sao ?
            2) Tại mục f, điều 2, chương II bản Điều Lệ Hội có ghi “…Đầu đề các bài diễn giảng và chương trình học tập các Phật học đường của Hội phải đệ trình quan sở tại trước”. Đây cũng là một điểm nhấn mạnh thêm tính tùy duyên trong hoạt động của ANPHH
            3) Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục (tiền thân của GĐPT) ra đời dưới sự bảo trợ của ANPHH, một tổ chức Giáo Hội được nhà nước thuộc địa Pháp công nhận. Đây chẳng phải là hướng đi khế lý, khế thời mà các bậc tiền nhân trong tổ chức Áo Lam đã tùy duyên vạch ra để rồi hôm nay trở thành truyền thống của GĐPT  hay sao?
            4) ANPHH liên tục thay đổi danh hiệu ( mỗi lần thay đổi danh hiệu, chắc chắn cũng thay đổi một số điểm trong Điều Hệ Hội) trong vòng chưa đầy 20 năm ( 1932 – 1951) cũng là do khế lý, khế thời mà tùy duyên vậy thôi.
            Tóm lại, chỉ nói riêng về lịch sử của An Nam Phật Học Hội, chúng ta đã thấy nổi bật tính tùy duyên theo từng thời thế . Theo định nghĩa thông thường của từ truyền thống, phải chăng tính tùy duyên, khế lý, khế thời chính là truyền thống của Phật Giáo nói chung, của Gia Đình Phật Tử nói riêng?
            Vậy, những ai tự xưng là truyền thống hãy nên nhìn lại lịch sử cội nguồn của tổ chức Áo Lam. Coi chừng mình đang đi sai với truyền thống của tổ chức đấy !
            Trong lá thư kỳ tới, chúng ta sẽ tiếp tục bàn thêm về hai chữ truyền thống.
          
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.