Thư Gởi Các Bậc Phụ Huynh (3)

Kỳ 3 :  Vì Sao Đạo Phật Có Mặt Trên 2.600 Năm Mà Nhân Loại Vẫn Chưa Hết Khổ Đau ?

          Kính thưa Quý vị, Trong lá thư trước chúng tôi có giới thiệu Đạo Phật chính là giải pháp cho vấn đề đạo đức của con em chúng ta. Chúng tôi đã chứng minh qua thực tế lịch sử nước nhà vào thời Lý – Trần, khi mà đạo đức Phật Giáo được thấm nhuần từ vua cho đến dân thì triều chính ổn định, xã hội thái bình, lòng dân đoàn kết, thế nước vững vàng… Từ đó, chúng tôi muốn kêu gọi xã hội ta hôm nay hãy trở về với cội nguồn đạo đức dân tộc trên nền tảng giáo lý Phật Đà để ngăn chặn sự suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên.
           Trong khi đề cao Phật Giáo có khả năng đem lại an lạc cho xã hội thì chúng tôi chợt nhớ lại một câu hỏi đã có lần xuất hiện trên văn đàn khá lâu. Câu hỏi ấy là : Nếu nói Đạo Phật đem lại an vui giải thoát cho đời thì tại sao Đạo Phật đã có mặt trên 2.600 năm mà nhân loại vẫn chưa hết khổ đau ?
Vì vậy, lá thư này, chúng tôi muốn trao đổi cùng Quý vị về vấn đề nêu trên.
•••
            Để trả lời thỏa đáng cho câu hỏi vừa nêu, chúng ta cần lần lượt tìm hiểu về bản chất của Phật Giáo :
            1)Đạo Phật là một lối sống; là phương thuốc trị bệnh : Đức Phật phủ nhận mình là một vị thần ban ơn giáng họa cho con người. Đức Phật chỉ nhận mình là một vị lương y cho thuốc để chữa bệnh cho trần thế. Vì vậy, người trần gian có hết bệnh hay không còn tùy thuộc người đó có chịu uống thuốc do Đức Phật chỉ cho hay không. Nói cụ thể hơn, giáo lý Đạo Phật không phải để cho con người cầu xin đề được an lạc; trái lại, muốn được giải thoát an vui thì con người phải tự thân tu tập rất nhiều để thằng được những cái xấu cố hữu đeo bám chúng ta nhiều đời nhiều kiếp. Khi nào cái thiện đã thắng được cái xấu thì mới đem lại kết quả an vui hạnh phúc trong cuộc sống mỗi người.
            2)Đạo Phật không phải để cầu xin: Tất cả tôn giáo ngoài Đạo Phật trên hành tinh này đều cho rằng có một thượng đế toàn năng tạo ra con người và mọi vật trên thế gian này. Thượng đế là đấng toàn năng có thể ban phúc cho những ai tin ngài và giáng họa cho những ai không thần phục ngài.
            Phật Giáo bác bỏ thuyết thượng đế đó. Vì vậy Phật Giáo không chủ trương người Phật tử phải cầu xin điều gì nơi Đức Phật. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới xuất hiện ngày càng nhiều tín ngưỡng phi Phật Giáo nhưng mượn danh Phật Giáo. Những người theo các thứ tín ngưỡng mạo danh Phật Giáo này lễ lạy, cầu xin quá nhiều, trong khi đó họ không tự thân tu tập theo lời Phật dạy. Những giáo lý căn bản mà Đức Phật đã giảng dạy suốt 45 năm như : Tứ Đế, Bát Chánh Đạo, Giới-Định-Tuệ, Từ bi-Vô ngã, Thập Nhị Nhân Duyên, Duyên khởi, Vô thường v.v… không được họ học và thực hành hằng ngày. Có lẽ vì nhận thấy tu theo đường lối chân chánh của Phật quá khó khăn nên họ bắt chước các tôn giáo nhất thần và đa thần tu theo kiểu cầu xin cho dễ !
            3)Đạo Phật luôn là đạo của thiểu số : Ngày nay càng có nhiều người trí thức Châu Âu phát hiện nền giáo lý vi diệu của Đạo Phật và bỏ đạo cũ để theo Phật Giáo, nhưng nhìn chung Phật Giáo vẫn là một tôn giáo của thiểu số vì những lý do sau đây:
            -Đạo Phật không có bất cứ một thủ đoạn nào để lôi kéo tín đồ, ai muốn đến thì đến. Có đông tín đồ thì Phật Giáo cũng chẳng nhờ đó mà được lợi danh gì.
            -Các tôn giáo ngoài Phật Giáo luôn có những chủ trương, đường lối, thủ đoạn tinh vi khéo léo nhằm lôi kéo càng đông càng tốt người theo đạo mình.
            -Theo xu hướng tự nhiên, đa số con người chỉ thích cầu xin thần thánh để được điều này điều kia (dù vẫn biết cầu xin chỉ là ảo tưởng); Chỉ có một bộ phẩn thiểu số nhân loại tin rằng : tự mình mới cải tạo cuộc đời mình trở nên tốt đẹp hơn mà thôi.
            4)Con đường tu tập theo Phật Giáo luôn là con đường khó khăn, vất vả: Kinh nghiệm ở đời cho chúng ta biết rằng :
Một vũng nước trong, năm bảy dòng nước đục
Chín mười người tục, không có một người thanh
            Trên đời này, cái xấu ác thì nhiều, còn điều thiện thì rất hiếm. Bởi vì tánh xấu ác luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, còn điều thiện lành phải kiên trì tu tập mới có. Một thí dụ nhỏ: nếu quý vị hỏi đứa con lên sáu tuổi của mình rằng : con thích đi học hay thích ở nhà đi chơi? Câu trả lời lập tức là : Con thích ở nhà chơi! Vì vậy, muốn cho con quý vị đi học thì quý vị phải kiên nhẫn dùng cách này cách nọ, vừa thuyết phục, vừa răn đe, vừa dụ dỗ… nhiều phen thì đứa trẻ mới chịu đến trường. Nếu quý vị quyết tâm và có sự khéo léo thì sau vài ba năm dạy con, quý vị mới gây cho nó được ý thích đi học. Đó là nói trường hợp lạc quan nhất, chứ thực ra đa phần các cháu vẫn thiên về lười học hơn là ham học.Vì vậy mà rất nhiều trẻ lên đến cấp II, cấp III vẫn trốn học đi chơi!
            Cũng như vậy, làm người Phật tử tu học theo giáo lý Phật Đà và áp dụng giáo lý ấy vào đời sống thường ngày luôn là một công việc gian khó, đòi hỏi thật nhiều nỗ lực và sự kiên trì . Thế nhưng sự nỗ lực tu tập của một người chẳng phải lúc nào cũng suôn sẻ đem lại kết quả tốt, bởi vì những tập quán cũ nhiều đời (Đạo Phật gọi là tập khí) vẫn còn đeo bám con người, khiến cho người ấy đễ dàng sa ngã vào cái xấu ác mà bỏ đi công phu tu tập bấy lâu.
            Trong lịch sử Đức Phật Thích Ca có mô tả thời khắc trước khi thành đạo, Ngài đã phải chiến đấu vất vả chống lại Ma vương , thật ra Ma vương chính là những tập khí lâu đời còn sót lại trong con người Ngài, khi Ngài chiến thắng được chúng rồi thì lập tức Ngài sẽ trở thành bậc Chánh đẳng chánh giác .
            Như vậy, chúng ta hiểu rằng, muốn cuộc đời hết đau khổ thì tự thân mỗi người phải tu tập điều thiện từng giờ từng ngày rất vất vả chứ không thể cầu xin Phật cho mình hết đau khổ được. Chính vì sự tu tập khó khăn đòi hỏi nhiều nỗ lực như thế nên số nguồi thực tu theo giáo lý Phật Đà đương nhiên không nhiều.
 
            Kinh thưa Quý vị,
            Qua những điều chúng tôi vừa trình bày trên đây, chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi Vì sao Đạo Phật có mặt trên 2.600 năm qua mà nhân loại vẫn chưa hết khổ đau?
Chúng tôi xin tóm tắt các ý trả lời như sau :
            1)Vì loài người vốn có bệnh tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… Phật Giáo có nhiều phương thuốc chữa được bệnh nhưng con người ngại thuốc đắng không chịu dùng.
            2)Vì con người thích cầu xin hơn là nỗ lực tu thiện mà Đức Phật thì không thể ban phước giáng họa cho bất cứ ai ( thật ra trên đời này chẳng có thượng đế nào có thể ban phước giáng họa cho con người. Tất cả khổ đau đều xuất phát từ  suy nghĩ ác, lời nói ác và việc làm ác của chính con người mà ra)
            3)Vì nhiều thế lực tôn giáo khác đem thuyết Thượng đế ra chiêu dụ tín đồ bằng nhiều thủ đoạn bất chính. Vì vậy, loài người mãi mãi chìm trong đau khổ khi đánh mất cơ hội tu thiện hành thiện theo lời Phật dạy.
            4)Vì nhiều loại tín ngưỡng nhất thần và đa thần (mà Đức Phật đã từng phê phán, bác bỏ) đang lợi dụng sự mê tín của một bộ phận không nhỏ người đi chùa mà đội lốt và làm biến thái Đạo Phật tức làm suy giảm giá trị của Phật Giáo, như cây cổ thụ bị dây chùm gởi đeo bám hút lấy chất bổ của cây.
            5)Vì cái xấu ác thì vốn có sẵn trong mỗi con người, trong khi điều thiện lành phải nỗ lực tu tập kiên trì cả đời mới có được ít nhiều. Do đó, đau khổ (hậu quả của điều xấu ác) vẫn tồn tại như là một bản chất thâm căn của cuộc đời.
(Đón xem kỳ sau: Những tín hiệu vui hôm nay từ Phật Giáo qua các hoạt động tu thiện dành cho tuổi trẻ )
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.