Sứ Mệnh Hộ Pháp – Sứ Mệnh Gia Đình Phật Tử

SỨ MỆNH GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

CHƯƠNG THỨ TƯ
SỨ MỆNH CỨU QUỐC, KIẾN QUỐC VÀ
HỘ PHÁP CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Sứ Mệnh Kiến Quốc Của Gia Đình Phật Tử

Sứ Mệnh Hộ Pháp Của Gia Đình Phật Tử

Sau những khái niệm căn bản đặt nền tảng cho sứ mệnh cứu quốc, kiến quốc, tập biên khảo này sẽ chấm dứt với thiện nguyện phụng sự Đạo pháp.

Một sự thật hiển nhiên ai cũng phải công nhận là các đoàn thể thanh niên Phật giáo như Sinh viên Phật Tử, Thanh niên Phật Tử, Học sinh Phật Tử, Hướng Đạo Phật giáo chưa đầy ba tuổi Đạo. Ngoài đoàn Sinh viên Phật Tử do anh Trần Quang Thuận thành lập biến cố 11-1963 một năm, còn các đoàn thể kia đều được hình thành trong cuộc đấu tranh bảo vệ Chánh pháp. Bởi do tranh đấu mà có, nên hai đoàn Thanh niên Phật tử và Học sinh Phật tử quá nặng về tranh đấu mà non yếu về công phu tu học. Hai năm qua, việc điều hành và hoạt động của Thanh niên và Học sinh tại thủ đô như thế nào ai cũng đã rõ. Riêng đoàn Hướng đạo Phật giáo thì rút êm về cương lĩnh "chỉ đường" của mình. Trong cuộc cứu trợ đồng bào miền Trung vừa qua, khi lực lượng đấu tranh chính trị chuyển sang xã hội, các đoàn trẻ kia gặp trở ngại nhiều do ở nguyên nhân thiếu tổ chức và cơ sở vững bền. Cho tới nay, Tổng vụ Thanh niên vẫn chưa có một quy chế chung cho toàn thể Tổng vụ. Trên thực tế, vai trò của các Ủy viên phụ trách các Vụ cũng không rõ rệt mấy, và theo Hiến chương của GHPGVNTN, mọi hoạt động của nhiều Gia Đình Phật Tử phải trực thuộc Tổng vụ Thanh niên của Viện Hóa Đạo. Trực thuộc như thế rất hợp ý chí thống nhất nhưng đôi khi nhiều Gia Đình Phật Tử lại phải cáng đáng cả công việc của Tổng vụ, tất nhiên là việc lặt vặt mà thôi!!! Dù sao chăng nữa, là một tổ chức đã có hơn 20 tuổi Đạo! Gia Đình Phật Tử với quá khứ huy hoàng và lâu dài sẽ cố gắng bảo tồn truyền thống trầm tĩnh nhưng hùng lực, âm thầm mà cương quyết của mình. Trong khi những phần tử bèo bọt lần lần xa lìa tổ chức, vì không thấy lợi lộc gì chúng ta, những đoàn viên Gia Đình Phật Tử, những người mang nặng đạo tâm và chung thủy phải làm gì để hoàn thành ý nguyện?

Tích Cực Cũng Cố Và Phát Triển Gia Đình Phật Tử

Xin chớ vội nghĩ đến chuyện đem Gia Đình Phật Tử đi tìm hoạt động to lớn. Hoàn thành cho được mục đích "Giáo dục thanh thiếu nhi, đào tạo Phật tử thuần thành, góp phần phụng sự xã hội" là đã quá trọng đại rồi. Muốn thành công thì phải tính chuyện củng cố hàng ngũ sẵn có. Từ anh chị cựu Huynh trưởng nay đã thành Đạo hữu mặc áo tràng cho tới cậu Đồng niên nay đã trở thành Huynh trưởng. Đội chúng trưởng đều phải lưu tâm nuôi dưỡng cho Gia Đình Phật Tử tồn tại vững mạnh. Có vững mạnh mới nên nghĩ tới việc phát triển. Muốn được thế vấn đề chỉ đạo phải tin ở Ban Hướng dẫn Trung ương duy nhất trên đất nước này. Không thể có một Ban Hướng Dẫn nào khác có thể thành lập ngoài nội quy. Về thực hiện, phải nhắm vào vấn đề đào luyện huynh trưởng. Tương lai Gia Đình Phật Tử còn hay mất, mạnh hay yếu là do ở tác phong và khả năng của Huynh trưởng. Việc phát triển phải tuần tự chú trọng vào phẩm hơn vào lượng, vào tu học hơn là tham gia công tác ngoài Gia Đình Phật Tử. Hiện thời với ngót 100.000 đoàn viên, với bàn tay trắng Gia Đình Phật Tử GĐPT chịu một gánh nặng hơn cả bốn Viện Đại Học ở Việt Nam họp lại. Muốn cho tổ chức tồn tại trong sự nghèo khó, mà lại thiếu đức tin, thiếu quả cảm, nhẫn nại, sáng suốt, cương trực, bất vụ lợi, tất Gia Đình Phật Tử còn phải hy sinh nhiều lắm. Làm sống Gia Đình Phật Tử là thật sự phụng sự đạo pháp.

 

Sáng Suốt Trong Vai Trò Phụng Sự

Dù một tế bào của Giáo hội, Gia Đình Phật Tử lúc nào cũng phải can đảm, sáng suốt chấp nhận thái độ phê bình, kiểm thảo. Kiểm thảo công việc n¶i b¶ để sửa chữa. Phê bình tổ chức chung để khỏi bị lũng đoạn oan uổng. Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử không nên vọng ngoại, gánh vác quá nhiều việc ngoài mà xao lãng việc Gia đình. Khi nào được anh em trách móc: "Sao anh chỉ lo cho Gia Đình Phật Tử mà thôi?". Ấy là ta đã thành công một phần rồi đó. Bất cứ hoạt động trên địa bàn nào ta cũng phải nghĩ tới danh dự và tồn vong của Gia Đình Phật Tử trước đã. Ta lo cho tổ chức được mạnh không phải là ích kỷ. Bỏ cương vị của mình là phá hoại đại sự. Đối với Giáo Hội cũng như quần chúng sự đóng góp của Gia Đình Phật Tử luôn luôn nên vừa phải và hợp lý. Gia Đình Phật Tử là tổ chức giáo dục trẻ nhưng không phải là nơi qui tụ một bọn trẻ con. Gia Đình Phật Tử có những Huynh trưởng thừa tuổi để làm việc đời, việc đạo. Hãy bỏ cái mặc cảm "cây tằm gửi". Trong một tổ chức lớn như Phật giáo làm được công việc giáo dục cũng đã quá vĩ đại rồi. Về sự tương quan giữa Gia Đình Phật Tử với Giáo hội, với Tổ quốc như thế nào, các chương ở trước đã nói tới, chỉ cần thực hiện cho được là đủ.

 

Gia Đình Phật Tử đóa Hoa Đạo Ngát Hương

Đoàn viên Gia Đình Phật Tử phải phụng sự một nhiệm vụ kép: Tín ngưỡng và Tổ quốc. Tu cho mình và Hành cho người. Hiện thời các cấp lãnh đạo Phật giáo đang phát động tư trào cách mệnh Giáo lý, giáo chế, giáo sản. Một số lý thuyết gia đang phát động công cuộc hiện đại hóa và phụng sự xã hội. Công cuộc ấy Gia Đình Phật Tử đã nêu lên từ năm 1950. Nào là tinh thần Bi, Trí, Dũng, Đạo vào Đời, Đời vào Đạo, những từ ngữ ấy xuất hiện trước tiên trong tổ chức Gia Đình Phật Tử chứ không phải trong các tập đoàn tăng già hay đạo hữu. Bây giờ việc lớn đạ có ảnh hưởng. Gia Đình Phật Tử đã đi sâu vào lòng đạo, vào lòng đời. Huy hiệu Hoa Sen không còn là dấu hiệu riêng tư của ta. Châm ngôn Bi, Trí Dũng được nêu cao ở các đoàn thể Giáo hội, ở các trường Bồ Đề. Có ai ngờ đến những hoa quả hôm nay đã được gieo mầm từ cuộc Đại hội toàn quốc Gia Đình Phật Tử tại Từ Đàm mười lăm năm về trước? Bài "Phật giáo Việt Nam" trở thành nhạc hiệu lễ của các buổi lễ nhạc Phật giáo? Sự đóng góp xương máu của Quách Thị Trang, Đoàn Thị Yến Phi và bao nhiêu anh chị em đã khuất hay đang sống âm thầm tại các nơi giam cầm, tù hãm chưa đủ cho ta tin vào đường lối hoạt động của Gia Đình Phật Tử hay sao? Gia Đình Phật Tử chỉ có một lý tưởng là phục vụ cho một nước Việt Nam đậm màu Phật giáo.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.