Sứ Mệnh Cứu Quốc – Sứ Mệnh Gia Đình Phật Tử

SỨ MỆNH GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

CHƯƠNG THỨ TƯ

SỨ MỆNH CỨU QUỐC, KIẾN QUỐC VÀ

HỘ PHÁP CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Sứ Mệnh Cứu Quốc Của Gia Đình Phật Tử

Sự phân biệt thực chất của chính trị, chính quyền, chính đảng sẽ giúp cho Phật tử thấy rõ thêm: việc cung phụng một cá nhân có quyền chức, việc phục vụ mù quáng cho một chính quyền bất lực, việc dấn thân vào một thành phần thiếu chính nghĩa không những không thể hiện được lòng ái quốc mà đôi khi còn phản lại với tổ quốc nữa. Là công dân của nước, cá nhân Phật tử có bổn phận góp phần vào cuộc đấu tranh chính trị, ủng hộ chính quyền của dân và tham gia chính đảng hợp chính nghĩa. Cho tới bây giờ, các tiêu chuẩn tối thiểu để xây dựng một lập trường chính trị, một chính phủ của dân, một chính đảng của thực lực vẫn còn ở trong khoảnh khắc chờ đợi. Phương chi, tình cảnh đất nước trong hiện tại đòi hỏi một công dân phải gạt bỏ tâm lý tiêu cực, thở dài, để góp phần tích cực, phụng sự tổ quốc. Công nghiệp ấy không thể chần chờ khi mà nhân dân đang khắc khoải trong cảnh "phi ngư hỏa điểu". Giải thoát cho tổ quốc, đồng bào ra khỏi lầm than là con đường thực hiện gần nhất của Phật tử. Vậy dù muốn, dù không, Phật tử phải nhất tâm tranh đấu cho: Độc lập, Thống nhất, Hòa bình và Nhân đạo.

 

Đấu Tranh Dành Độc Lập

Hai tiếng độc lập vang vọng tới tâm hồn dân Việt từ ngày lập quốc. Suốt hàng nghìn năm chịu cảnh đô hộ của Trung Hoa, ngót một thế kỷ quằn quại dưới ách thống trị của thực dân, dân tộc Việt Nam đã vùng dậy hét to hai tiếng độc lập vào mùa thu năm 1945. Một số người đã khoan khoái bồng bột. Nhưng thử hỏi từ đó tới nay, ta đã có một ngày nào độc lập thực sự chưa? Sau cuộc cách mệnh của toàn dân vào mùa thu năm ấy, lực lượng lãnh đạo quần chúng đã vì quyền lợi, vì chủ nghĩa mà phân tán; khuynh loát lẫn nhau khiến cho thực dân trở lại chiếm nước. Có người bảo: Sự kiện đó phát xuất từ thế nhược tiểu của Việt Nam trong tham vọng của đế quốc quốc tế. Mười năm kháng chiến hăng say đã đưa tới kết quả là thực dân phải buông tha miếng mồi cũ. Lần thứ hai, dân Việt lại hy vọng để rồi thất vọng. Hội nghị Genève phân chia đất nước làm hai mảnh. Và dù với danh nghĩa độc lập, ta vẫn lệ thuộc vào ngoại bang. Sự lệ thuộc này còn đau đớn hơn xưa bởi lẽ rằng những người đang ở trên mạng sống của ta lại được coi như thầy chứ không phải là bạn! Với danh nghĩa đồng minh, chính thể của mỗi miền tùy thuộc vào sự an bày của ngoại bang. Cuộc tranh đấu thuận theo biến chuyển của thế giới đã mang không biết bao nhiêu nhãn hiệu, và trình bày dưới nhiều bộ mặt.

Nhưng dù sao chăng nữa, người Việt Nam phải nhận thức rõ rằng: Dù đang đi với ai, dù đang đứng với ai, mục đích cuối cùng phải là tranh đấu cho một nước Việt Nam độc lập trên bản đồ thế giới tại miền Nam Á Châu này, hai chữ Việt Nam phải được ghi khắc chói lọi với vẻ oai hùng chứ không thể có chữ Việt màu xanh hay chữ Nam màu đỏ. Những cảnh xấu xa ô nhục, những cảnh ức chế bất công phải vắng mặt nhường chỗ cho dân tộc Việt Nam tự lo lấy thân phận của chính mình. Trong khi chờ đợi một nền độc lập thực sự, người Việt, nhất là Phật tử Việt Nam phải nuôi dưỡng tinh thần độc lập cho sung mãn.

 

Đấu Tranh Cho Thống Nhất

Đất nước Việt Nam là một lãnh thổ thuần nhất. Là nơi giao tiếp của hai nền văn minh Trung, Ấn ngày xưa và Âu, Á ngày nay, lãnh thổ Việt Nam là giao điểm của các nền văn minh nhân loại. Về thủy vận, cũng như biên giới kế cận, nước ta dễ bị ngoại nhân xâm nhập chia cắt. Tuy nhiên, người Việt nhất là Phật tử không có quyền mù quáng bằng lòng thừa nhận cảnh cắt chia hiện tại. Trên đất nưóc này chỉ có một dân tộc Việt Nam, dân tộc ấy có quyền sinh trưởng trên mảnh đất này. Không thể nào có cái cảnh "người Nam ở Nam, người Bắc ở Bắc" như có người đã nói. Là một dân tộc nhỏ bé, từ thời Bắc thuộc, ta đã từng bị phân chia thành quận, huyện của Trung Hoa. Dưới thời Nam Bắc phân tranh Trịnh Nguyễn tranh hùng cũng đã lấy sông Gianh làm giới hạn. Và có sự chia cắt nào vĩnh viễn không? Lịch sử đã trả lời câu hỏi đó. Cho nên dù cố chấp đến đâu. Người Việt hôm nay cũng phải gạt bỏ tâm lý phân ly mà hướng tới thống nhất. Sự phân chia hiện tại chẳng qua là một giai đoạn chịu ảnh hưởng về sự phân hóa của các ý thức hệ, các cuộc tranh đua vũ trang, các cuộc tranh đoạt thị trường của các khối lớn trên thế giới. Mọi biến chuyển gần đây cho ta thấy sự phân hóa của thế giới đã chuyển qua nhiều hình thức khác và như thế, rồi đây ta sẽ còn bị xoay chuyển nhiều nữa vì áp lực xoay chuyển của các luồng gió mạnh đó.

Nhìn xa đã thế, nhìn gần ta phải hiểu rõ hơn là cuộc nội chiến hiện tại không phải là do nhân dân Việt Nam tự ý sát hại nhau mà chỉ tại ở xu hướng vọng ngoại của một số người lãnh đạo. Các nước Ấn Độ, Tunisie, Á Rập, Algérie khi nhìn về Việt Nam đều đã tỏ lời than trách cho cảnh chiến tranh, chia cắt. Và cả thế giới đều hiểu rằng các cuộc xô xát, tàn hại hiện nay trên mảnh đất này đều không phải do dân Việt khởi xướng. Như vậy, những ai tán thành việc chia cắt vĩnh viễn, những ai không hướng tới thống nhất đều có thể bị nhân dân và lịch sử kết án, nếu chưa có trong hiện tại thì cũng bị phỉ nhổ trong tương lai. Như thế, Phật tử phải luôn luôn đấu tranh cho đất nước sớm được trở lại thống nhất thực sự.

 

Đấu Tranh Cho Hòa Bình

Hai tiếng hòa bình, theo quan điểm của Phật tử không phải để chỉ cho một phong trào, một chiến thuật, một chiêu bài, một kế hoạch, mà là một tâm niệm. Phát xuất từ trí tuệ và từ bi, Phật tử không chấp nhận cảnh giết chóc, tàn hại. Đi vào thực trạng đất nước. "Hòa bình là tôn giáo thứ hai của Phật tử" không có gì mâu thuẫn bằng tín đồ của tôn giáo trọng tình thương, tôn trọng sự sống của muôn vật mà lại không yêu chuộng hòa bình. Mặc dù thế chiến thứ hai đã chấm dứt từ 1945, suốt hai mươi năm nay Việt Nam chưa hề có một ngày ngưng tiếng súng. Hầu hết các chính quyền đều tuyên bố tranh đấu cho hòa bình. Và họ đã tranh đấu cho hòa bình bằng vũ khí. Cái mâu thuẩn giữa mục đích và hành động đó ngày nay đã trở trành nan giải.

Đã bao năm nay, sự hy sinh của chiến sĩ, sự nhẫn nhục chịu đựng của đồng bào đã thấy rõ. Nhưng về phía các nhà lãnh đạo tinh thần, các đảng phái, các chính khách đã tìm được một giải pháp nào chưa? Đã lập xong mặt trận chính trị nào chưa? hay trái lại, tình hình chính trị mỗi ngày mỗi thêm đen tối: mỗi tuân nghe rục rịch một cuộc đảo chánh, mỗi tháng một cuộc biểu dương lực lượng?

Người ta mượn danh nghĩa này, danh nghĩa khác để đòi hỏi quyền lợi, chiếm đoạt địa vị, mặc cho máu cứ chảy, máu cứ chảy mỗi ngày một nhiều. Tại sao không có một chút tình thương? Tại sao tàn nhẫn đến thế được?

Tình hình thế giới đã đen tối mà Việt Nam lại càng đen tối hơn. Điều ấy ai ai cũng đều biết. Nhưng chúng ta đã hoàn toàn tuyệt vọng chưa? Căn cứ trên các báo chí hàng ngày, nhất là báo chí Việt ngữ và các lời tuyên bố giật gân, vô trách nhiệm của những chính khách đầu cơ tình thế, thì hình như nhân loại sắp rơi vào vự thẳm, chiến tranh nguyên tử không thể tránh được rồi.

Nhưng bình tĩnh mà xét, mà nhân loại không đến nỗi mê mờ đến thế. ít ra bên cạnh những người điên cũng còn có rất nhiều người tỉnh, bên cạnh những người cuồng tín ở bạo lực, thì cũng vẫn còn có những người tin tưởng ở lý trí và nhân nghĩa. Dù sao chúng ta vẫn giữ vững niềm tin ở sự tiến bộ, tiến bộ của giá trị tinh thần, chứ không phải tiến bộ của vũ lực. Bom đạn, dù là bom đạn hạch tâm đi nữa cũng không phải là tiếng nói cuối cùng để giải quyết mọi sự bất hòa trên thế giới.

Để thể hiện tinh thần độc lập, thống nhất, hòa bình và nhân đạo ấy, Phật tử lại cần phải có những nhận định rõ ràng hơn về con đường hoạt động của mình.

Lòng ái quốc của người Phật tử là trường cửu và phổ quát.

Sống giữa thời loạn, ta đau khổ vì cảnh huống bị đè nén và xót xa cho thân phận của đồng loại. Đã nhìn những cảnh tang thương, đã nghe những lời thang khóc, đã nghĩ tới những tai họa, những bất công, thì con người dù vô tâm tới đâu cũng phải xúc động. Nhưng vì xúc động quá đáng về một vài tai nạn, một vài biến cố có thể làm cho người ta đầu hàng nghịch cảnh một cách quá mau chóng. Vẫn biết dân tộc ta đã đau khổ và hiện đang đau khổ quá độ. Nhưng người Phật tử, hiểu được nhân duyên nghiệp quả phải có cái nhìn xa, nhìn rộng hơn. Thấy một kẻ chịu tai ương ta không thể nào không giải cứu nhưng điều cần thiết là phải tiên liệu các hậu quả. Sự xúc động về một vài trường hợp đặc thù lại có thể tạo ra tâm lý thỏa mãn giả tạo. Ví như, khi đang đau khổ vì chiến tranh, ta có gặp được một giải pháp hòa bình nhất thời có thể đưa tới cảnh bình an. Nếu chấp nhận giải pháp nhất thời đó làm vĩnh viễn là tự mình dọn đường cho sự đau khổ lớn lao hơn. Cho nên trong khi đấu tranh, Phật tử phải nhận định, phân biệt thế nhất thời với thế vĩnh cửu. Vì sợ trả thù hay vì cảm động trước thủ đoạn mua chuộc của tên phú hộ, người thiếu nữ nông nỗi sẽ bằng lòng đem thân trong trắng đi làm lẽ cường hào để suốt đời ân hận. Nếu cố chấp vào sự đắng cay hay điều thỏa mãn trước mắt mà quên con đường dài, quy lụy vào phương tiện mà quên cứu cánh, thì không thể nào tránh được thất bại. Phương tiện không có thì cứu cảnh cũng khó đạt. Muốn sang sông thì phải có thuyền. Nhưng khi tới bờ thì phải rời thuyền chứ không ai vác thuyền theo mình khi đã tới bến… Hãy nhìn lại cuộc vận động của Phật giáo. Suốt 10 năm bị áp bức, Phật tử đã biết "quên các nhục nhỏ để trả mối nhục lớn". Người can đảm là người biết sợ cái đáng sợ chứ không phải là không sợ gì, không sợ ai. Kẻ không biết sợ là kẻ hèn nhát nhất. Người anh hùng nếu không sợ tổ quốc lâm nguy, nhà tu hành không sợ đạo pháp tiêu diệt thì đâu còn phải tranh đấu. Kẻ tiểu nhân vì không sợ, vì khinh thường cái tệ hại của lợi danh, khinh thị kẻ địch mà phải chịu ô nhục, thảm bại. Phải gạt bỏ những cái nhìn giai đoạn, đặc thù mà hướng về vĩnh cửu, bất diệt.

Tình thế ngày nay là của nhân loại chứ không riêng cho một quốc gia, một dân tộc nào. Mọi biến cố, mọi tư trào đều nằm trong thế giới. Sự tiến hóa của tư tưởng và khoa học đã nới rộng thời gian và rút gọn không gian. Người Việt Nam nếu không nhìn tình thế trên cuộc diện chung, không thấy yêu cầu thế giới nhân loại sẽ đi về đâu thì nhất định còn phải chịu đàn áp, nô lệ. Vận mệnh thế giới có khi chỉ cần một cái gạch bút chì đỏ của kẻ mạnh là đảo lộn. Duyệt lại các biến cố chính trị từ sau đệ nhị thế chiến tới nay ta sẽ thấy các vấn đề cục bộ, quốc gia không thoát ly nổi áp lực của các khối. Việc ngoài đã vậy việc nhà phải là minh mẫn hơn. Sự thay đổi của một triều đại, một chính phủ không phải là một sự tình vĩnh cửu. Phật tử không thể bồng bột dấn thân vào các cuộc đấu tranh giai đoạn. Phật tử chỉ chấp nhận những gì phù hợp với thế trường cửu. Mục đích sau cùng là Tổ quốc độc lập và Đạo pháp trường tồn. Trên con đường đi tới có khi ta phải nhắm mắt trước hoa thơm cỏ lạ, phải nhìn thẳng, phải câm nín trước một vài trạng huống bất bình. Hạnh vô úy không dạy cho ta ngang bướng liều lĩnh. Nếu chỉ nhìn vào chi tiết của tình thế ta sẽ dễ bị hoang mang mua chuộc. Hãy bình tĩnh như đã bình tĩnh. Chính thái độ nhẫn nhục và trầm lặng của người Anh-Cát-Lợi đã đưa họ tới chiến thắng và đứng yên trên tự chủ dù họ chưa bao giờ trở thành lảnh tụ mạnh nhất thế giới.

 

Lòng ái quốc của Phật tử phải vươn cao hơn thực tế!

Đạo Phật coi các pháp đều mộng ảo. Chỉ có chân tâm là thực hữu. Phát huy tinh thần đạo lý vào lòng yêu nước là nhắm tới một cứu cánh giải thoát tuyệt đối, chứ không phải chỉ hạn định vào nhân sinh. Đành rằng, thực tế là nền tảng kinh nghiệm cho mọi hiện tượng thăng hóa. Nhưng thực tế không phải là mục đích. Có thể ví thực tại là chân núi, cứu cánh giải thoát là đỉnh núi. Đỉnh núi dù cao, chân núi dù thấp nhưng nếu không chân núi thì làm sao đỉnh núi có thể vươn tới trời xanh. Phủ nhận thực tế là thái độ không tưởng nhưng bám vào thực tế là vô tình hạ thấp giá trị nhân tính. Trước cảnh dầu sôi lửa bỏng của quần chúng, Phật tử không thể bỏ quên công việc giải phóng. Nhưng giải phóng con người thoát khỏi sự gò bó của tham vọng nhân sinh là để hướng tới giải thoát. Giải phóng mà không giải thoát thì kết quả chỉ là giai đoạn, giả tạo. Ta có thể chấm dứt một cuộc chiến tranh mà không thể diệt được tham vọng ức chế. Phải mưu sự hòa bình ngay từ trong tâm niệm. Nếu chấm dứt chiến tranh để rảnh tay chuẩn bị cuộc tranh đoạt khác thì hậu quả còn khốc hại hơn. Chủ trương hủy diệt chiến tranh ngay trong tâm hồn cá nhân có thể bị một số Người coi là không tưởng. Nói như thế là nhầm lẫn.

"Vì nhân loại không thể chống chiến tranh, hô hào hòa bình một cách có hiệu quả, nếu trước tiên không diệt trừ những nguyên nhân nội tại. Đạo Phật có thể góp một phần đắc lực trong công cuộc này.

Nhưng công cuộc diệt trừ những nguyên nhân sâu xa của chiến tranh là một công cuộc lâu dài bền bĩ, vĩ đại, cần nhiều thời gian, kiên nhẫn. Vậy ngay từ bây giờ, chúng ta, toàn thể Phật trên thế giới, phải chặt chẽ liên kết lại thành một khối duy nhất sáng suốt, có đường lối, chương trình hoạt động rõ ràng thiết thực. Khối ấy, lấy Từ bi làm động lực chính, lấy trí Tuệ làm phương tiện và lấy hòa bình thế giới làm mục đích trong thế gian này. Những người Phật cũng như những nước mà đại đa số dân chúng là Phật tử phải long trọng tuyên bố và cam kết rằng sẽ không vì một lý do gì mà giết người, hoặc gây chiến tranh hay tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào những khối người hay những tổ chức có thể là những cái ngòi lửa của chiến tranh. Khối Phật tử chỉ hợp tác với những tổ chức, những đoàn thể, những khối người có mục đích phụng sự hòa bình như mình thôi. Đối với Phật tử, hòa bình phải có tính cách thiêng liêng như là một tôn giáo thứ hai của mình.

Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng nếu toàn thể Phật tử thực hiện được những điều nói trên thì Phật giáo sẽ là một nền móng vững chắc cho việc xây dựng tòa nhà hòa bình thế giới.

Nhưng muốn được thế, người Phật tử trước tiên, phải tu, phải học Phật cho chính chắn đã. Nếu không, thì mọi sự hô hào hòa bình chỉ là hô hào suông. Và chính trong ý nghĩa này mà Ngài Tăng Thống, trong huấn từ gởi cho Đại Hội thường niên vừa qua của Giáo hội Phật giáo đã dạy một câu rất thâm thúy: "Chính sự tu học là hòa bình ngay từ trong tâm niệm".

Được như thế thì sứ mệnh cứu quốc của quốc gia mới đáng coi là viên mãn.

 

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.