Nhiệm Vụ Của Gia Trưởng – Sứ Mệnh Gia Đình Phật Tử

G

SỨ MỆNH GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

CHƯƠNG THỨ BA
KHÁI LƯỢC VỀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC
LÃNH ĐẠO CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

IV. Nhiệm Vụ Của Gia Trưởng Trong Giai Đoạn Hiện Tại:

Đơn vị của Gia Đình Phật Tử là Gia Đình. Trên hết là Gia trưởng thay mặt cho sáu đoàn: Nam Phật Tử, Nữ Phật Tử (cho thanh niên nam nữ trên 18 tuổi). Thiếu Nam, Thiếu Nữ (cho các thiếu niên nam nữ từ 13 Đến 17 tuổi). Nam Oanh Vũ, Nữ Oanh Vũ (từ 6 Đến 12 tuổi) trong việc đối ngoại. Mỗi đoàn có một đoàn trưởng và một đoàn phó phụ trách cả 4 Đội (mỗi Đội từ 8 Đến 12 em). Cả sáu đoàn đặt dưới sự điều khiển của Liên Đoàn trưởng. Sự phân công trong công tác điều khiển Gia đình đã được Nội quy phân định như sau:

Cấp Gia Đình

 

Gia Trưởng

– Vị này là một cư sĩ có uy tín trong Ban Đại Diện Giáo Hội cấp Xã, Phường hay Chi, Khuôn và hiểu biết về Gia Đình Phật Tử.

– Nếu Liên Đoàn trưởng, từ 25 tuổi trở lên có đủ tư cách và uy tín với Ban Đại Diện Giáo Hội cấp Xã, Phường hay Chi, Khuôn thì nên kiêm chức vụ Gia trưởng.

– Nếu Gia Đình Phật Tử có thành lập Ban bảo trợ thì Gia trưởng sẽ là một ban viên trong ban này.

– Thâu nhận đoàn sinh mới vào Gia đình.

– Thay mặt Ban Huynh trưởng về các công việc đối ngoại liên quan đến Gia Đình Phật Tử và không trái với Nội quy.

 

Liên đoàn Trưởng

– Điều động Ban Huynh trưởng.

– Thi hành chỉ thị của Ban Hướng Dẫn Tỉnh.

– Tổ chức các lớp huấn luyện Đội hay Chúng trưởng trong Gia Đình để chuẩn bị dự các lớp huấn luyện của Ban Hướng Dẫn Tỉnh.

– Tổ chức các trại, triển lãm văn nghệ và các công tác xã hội thuộc phạm vi Gia đình.

– Báo cáo sinh hoạt hàng tháng cho Ban Hướng Dẫn Tỉnh.

 

Đoàn Trưởng

– Thi hành quyết định của Ban Huynh trưởng, điều động và điều khiển Đoàn của mình với sự trợ tá của Đoàn phó.

– Hoạch định chương trình tu học và hoạt động hàng tháng và hàng tuần cho Đoàn.

– Tổ chức trại và du ngoạn của Đoàn (có sự chấp thuận của Liên đoàn trưởng).

– Chịu trách nhiệm với Liên Đoàn trưởng.

 

 

Đội Trưởng, Chúng Trưởng

– Thi hành quyết định của Đoàn trưởng, điều khiển Đội hay Chúng của mình với sự trợ tá của Đội phó hay Chúng phó.

– Soạn chương trình sinh hoạt hàng tuần của Đội, Chúng (dựa theo chương trình của Đoàn).

– Chịu trách nhiệm với đoàn trưởng.

 

 

1. Vai Trò Gia Trưởng Trong Dĩ Vãng

Trước năm 1950, quý Bác Gia trưởng đã là nhân vật quan trọng nhất trong việc điều hành Gia Đình Phật Hóa Phổ và Gia Đình Phật Tử. Các tiếng xưng hô "bác cháu" thân mật nhưng không kém phần cung kính của đoàn sinh với các vị Gia trưởng đã biểu thị được lòng tôn kính của Gia Đình Phật Tử đối với các vị Gia trưởng tiên khởi: Bác Đốc Thám (Lê Đình Thám), Bác Nghè Tuân, Bác Hương Tú, Bác Phán Phiên v.v… Nghĩa là việc gì cũng hỏi Bác, việc gì cũng nhờ Bác. Ba chữ "Bác Gia Trưởng" đã nói lên sự hiện diện của lớp già trong lớp trẻ.

Lúc bấy giờ, nhiệm vụ của Gia trưởng rất nặng nề. Nào là lo xin phép cho Gia đình đi đóng trại, nào là chạy tiền cho các em trang bị hoạt động. Nhưng vai trò "tình cảm" của Gia trưởng đã bắt đầu nhường chỗ cho hoạt động từ khi cơ cấu Gia đình cải thiện với chức vụ Liên Đoàn trưởng. Đã một lần, quý vị Gia trưởng với vai trò trọng tài đã không theo kịp bước tiến của Phong trào nên một số đã rút lui hay có sự lủng củng giữa Ban Huynh trưởng và Gia trưởng. Lý do, Gia trưởng là quý vị "đạo hữu" do các Chi, Khuôn hội đề cử ra với nhiệm vụ "coi sóc bọn trẻ con cho nó đỡ quấy phá". Cho nên, một khi tổ chức Gia Đình Phật Tử đã lớn mạnh thì vai trò quý vị lần lần mờ nhạt và có đại biểu đã đòi từ bỏ chức vị Gia trưởng trong cuộc Đại hội Huynh trưởng 1961 tại chùa Xá Lợi Saigon. Tuy nhiên, thái độ duy trì hay bác bỏ đều vội vã nếu ta không xét đủ các điều kiện kết hợp nhiệm vụ của Gia trưởng trong đơn vị Gia đình.

 

2. Phải Chăng Gia Trưởng Là đại diện Của Giáo Hội?

Cho tới nay, dù Gia Đình Phật Tử đã là một tổ chức độc lập trên tinh thần nhưng đa số các Bác Gia trưởng vẫn là các đạo hữu thuộc thành phần Giáo Hội. Như vậy, Gia trưởng phải làm việc cho Giáo Hội hay cho Gia Đình Phật Tử?

Nếu Gia trưởng là Đại diện cho Giáo Hội có bổn phận theo sát sinh hoạt Gia Đình Phật Tử để kiểm soát, hướng dẫn thì điều ấy đã trái với Nội quy. Vì, Gia trưởng là một chức vụ do Gia Đình Phật Tử đề ra chứ không phải là sáng kiến của Giáo Hội. Gia trưởng phải là nhân viên của Ban Huynh trưởng Gia đình. Dù rằng, đã có những trường hợp, Gia trưởng do các Chi hội, Khuôn hội đề cữ ra giúp đỡ cho Gia Đình Phật Tử. Sự kiện ấy cũng không đủ bảo đảm là Gia trưởng phải làm việc cho Giáo Hội. Thật ra, Gia trưởng chỉ là bậc niên trưởng của đơn vị Gia đình. Gia trưởng có thể là đạo hữu giàu lòng thương yêu tuổi trẻ.

Gia trưởng cũng có thể là Liên Đoàn trưởng đã trên 30 tuổi. Dù ở xuất xứ nào, Gia trưởng bắt buộc phải là người thông suốt đường lối giáo dục của Gia Đình Phật Tử. Trong Nội quy đã ghi rõ nhiệm vụ đối ngoại của Gia trưởng và là biểu tượng liên kết tinh thần của Gia Đình Phật Tử với các Ban Đại diện Giáo Hội. Tắt lại, Gia trưởng phải là người của Gia Đình Phật Tử và hoạt động vì Gia Đình Phật Tử. Cương vị của Gia trưởng đã sáng tỏ như vậy.

 

3. Gia Trưởng Trong Giai Đoạn Hiện Tại

Vấn đề sở dĩ được đặt ra là vì "lý do tình thế, một số Huynh trưởng nhất định sẽ phải lên đường vào quân ngũ". Nạn khan hiếm Huynh trưởng đã diễn ra một lần vào khoảng 1952. Hồi đó số Gia đình còn ít và hạn tuổi đi lính cũng hẹp hơn bây giờ. Theo các quyết định mới đây của chính phủ, các thanh niên từ 25 tới 33 đều bắt buộc phải đi quân dịch. Trước nay, số người chưa trình diện quá nhiều nên việc truy tầm có lẽ sẽ chặt chẽ. Trước tình cảnh đó, Gia Đình Phật Tử tiên liệu ít nhất là một nửa số Huynh trưởng sẽ phải nhập ngũ. Cấp lãnh đạo Gia Đình Phật Tử sẽ có một khoảng trống rất lớn. Với 100.000 đoàn sinh đặt dưới sự điều khiển của 8.000 Huynh trưởng sẽ chỉ còn có 4.000 Huynh trưởng. Như vậy, một Huynh trưởng sẽ phải coi tối thiểu là 25 đoàn sinh, nghĩa là thay vì mỗi đoàn có một đoàn trưởng và hai đoàn phó thì nay chỉ còn có một mình. Sau nữa, Huynh trưởng còn lại ở ngoài lứa tuổi đi lính chắc sẽ kém phần hoạt động vì đa số lại bận bịu công vụ, mưu sinh hay thê Tử.

Thực trạng này khiến Ban Hướng Dẫn Trung Ương phải nghĩ ngay tới kế hoạch huy động sự hợp tác giữa Gia trưởng với cấp Đội, Chúng trưởng. Về phương diện tâm lý, giữa Gia trưởng (trên 30 tuổi) và Đội, Chúng trưởng (dưới 18 tuổi) có một ít ngăn cách về tâm tưởng. Một đằng, người lớn trầm tĩnh, mang ít nhiều tính chất "đạo hữu" và thích gọi bằng "Bác" hơn bằng "Anh" (!). Đằng kia, là tuổi trẻ sôi động, bồng bột thích mạo hiểm. Vấn đề khó ở đây là Gia trưởng phải hiểu rõ trẻ để hướng dẫn trẻ, chứ không phải để theo trẻ hay chống trẻ. Và, để hoàn thành nhiệm vụ đó Gia trưởng phải có các điều kiện tối thiểu nào?

 

Phải Hiểu Rõ Mục Đích Tổ Chức Giáo Dục Của Gia Đình Phật Tử

Để giúp cho Gia trưởng hiểu rõ mục đích và tổ chức của Gia Đình Phật Tử, các Ban Hướng Dẫn Tỉnh, các Đại Diện Miền nên cấp tốc mở các lớp hội thảo dành riêng cho Gia trưởng. Làm sao tạo được một hình thức tạm thời. "Gia trưởng là óc, Đội Chúng trưởng là tay" để giữ cho bước tiến của tổ chức được điều hòa. Trong những chương trước của tập biên khảo này, chúng tôi đã giới thiệu khá đủ về mục đích và tổ chức của Gia Đình Phật Tử. Quý anh chị em phụ trách các lớp hội thảo chỉ cần đi sâu vào chi tiết và dự liệu cho việc ứng dụng hữu hiệu vào địa phương.

 

Xúc tiến kế hoạch sinh hoạt "Hàng đội Tự Trị"'

Đối với Đồng niên, kế hoạch này không thể thực hiện được. Các nữ huynh trưởng có thể tạm đảm nhiệm các việc điều khiển. Đối với Nam, Nữ Phật tử và Thiếu niên nam nữ thì phải ứng dụng hàng đội tự trị (như một giải pháp cấp bách tạm thời). Nên biết thêm, tự trị không có nghĩa là Đội, Chúng trưởng có toàn quyền muốn đem Đội, Chúng đi họp đâu thì họp, làm việc gì thì làm mà chỉ thay thế anh trưởng để hợp tác với Bác Gia trưởng để củng cố Gia đình. Không nên luyện cho Đội, Chúng trưởng các hành động vượt ra ngoài k› luật.

 

Sau hết, Gia trưởng phải là một "đoàn trưởng toàn diện"

Mỗi đoàn trưởng có mỗi nếp sinh hoạt riêng. Nếp sinh hoạt đó tùy thuộc nhiều đặc thái tâm lý, sinh lý. Gia trưởng là người hiểu được cơ cấu của mỗi Đoàn, từ Nam Phật tử, Thiếu nam, Nam oanh vũ cho tới Nữ Phật tử, Thiếu nữ, Nữ oanh vũ, sáu lớp người ấy đều phải thông suốt mới có thể nắm được. Đã đến lúc các Bác Gia trưởng phải trẻ lại, phải sống lại bằng cách đi vào hoạt động. Xin cứ tin rằng sau lưng các vị còn có nhiều người ủng hộ, nhiều Người hưởng Ứng.

Và giải pháp cấp thời này phải bắt đầu ngay giữa cơn lửa cháy dầu sôi này. 

 

Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 12 năm 2024
12
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 5
Ngày Canh Tuất
Tháng Bính Tý
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
12
Tháng 11
Kiên Giang