Muốn Thương Phải Hiểu – 52 Câu Chuyện Rèn Luyện Nhân Cách

Có một chàng trai ở vùng California – Mỹ, rất đẹp trai, học giỏi, tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng, có nhiều bạn gái xinh đẹp. Chàng trai sống với mẹ, người mẹ biết trong các cô gái ngưỡng mộ con mình, có một cô gái không xinh nhất, cô không trắng, không cao lắm nhưng được chàng trai đặc biệt chú ý. Ngạc nhiên, người mẹ hỏi con trai: Vì sao con lại thích cô gái ấy, cô ta đâu có gì nổi bật.

Cô ấy hiểu con. – Chàng trai trả lời đơn giản.

Chàng trai học ngành công nghệ thông tin nhưng rất hay làm thơ. Mỗi lần chàng đọc thơ, cô gái nọ lắng nghe rất chăm chú và có những nhận xét sâu sắc, trong khi những cô gái xinh đẹp kia không để ý gì đến. Chàng trai đã chọn người yêu không vì vẻ đẹp bề ngoài, mà bởi sự lắng nghe và thấu hiểu.

“Đạo Phật cũng dạy như vậy, có hiểu mới có thương, tình yêu phải làm bằng sự hiểu biết”.

Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu.

Mỗi người có những nỗi niềm, những khổ đau, bức xúc riêng, nếu không hiểu, sẽ không thương mà giận hờn, trách móc. Không hiểu, tình thương của mình sẽ làm người khác ngột ngạt, khổ đau. Không hiểu sẽ làm người mình thương đau khổ suốt đời.

Nhân danh tình thương, người ta làm khổ nhau. Chuyện đó vẫn thường xảy ra.

Được hiểu và được thương vốn là một nhu cầu muôn đời của con người. Nhiều người thường cảm thấy không ai hiểu mình. Họ “đói” thương, “đói” hiểu. Họ thơ thẩn, lang thang trong cuộc đời tìm người hiểu mình, thương mình. Gặp được người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn của đời. Tình yêu nảy nở, lớn lên từ đó.

Vậy nên, “có hiểu mới có thương” là nguyên tắc chọn người yêu, chọn chồng/vợ theo quan điểm Phật giáo. Dù người ta có đẹp, có giàu đến đâu nhưng không hiểu mình sẽ làm mình khổ suốt đời. Hôn nhân có thể mở ra những con đường hoa hồng, có thể mở ra cánh cửa tù ngục. Chọn vợ, chọn chồng là một sự mạo hiểm lớn. Hãy cẩn thận, nếu không muốn chọn án tù chung thân cho cuộc đời mình.

Chọn người hiểu và thương mình – hãy nhớ – đó là nguyên tắc tìm người tri kỷ trong cuộc đời.

Phật dạy tình yêu rất sâu sắc. Tình yêu phải hội tụ đủ bốn yếu tố: Từ – Bi – Hỷ – Xã.

“Từ” là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu thương không phải là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là hiến tặng. Tình thương mà không đem đến hạnh phúc cho người yêu không phải là tình thương đích thực. Yêu mà làm khổ nhau không phải tình yêu. Có những người yêu nhau, ngày nào cũng khổ, đó là tình yêu hệ luỵ, chỉ mang tới sự khổ đau. Yêu thương ai đó thực sự nghĩa là làm cho người ta hạnh phúc mỗi ngày.

 

“Bi” là khả năng người ta lấy cái khổ ra khỏi mình. Mình đã khổ, người ta làm cho thêm khổ, đó không thể là tình yêu đích thực. Còn gì cho nhau nếu chỉ có khổ đau tuyệt vọng. Người yêu mình phải là người biết sẻ chia, biết xoa dịu, làm vơi bớt nỗi khổ của mình trong cuộc đời.

Ý NGHĨA CÂU CHUYỆN:

Chúng ta đã nghe được Thiền sư Nhất hạnh nói về tình yêu, qua đây chúng ta nên nhìn thấy được giáo lý Đạo Phật đi vào đời sống con người, tình cảm yêu thương của con người là quý báu phải xuất phát từ lý trí hội tụ đủ 4 yếu : Từ – Bi – Hỷ – Xã để vun trồng và xây dựng được 1 ngôi nhà hạnh phúc đúng nghĩa.  Chúng ta cùng sống trong 1 ngôi nhà Lam thân thương có trên có dưới càng phải lấy tinh thần yêu thương làm nền tảng để xây dựng cho mái nhà Lam đầy ắp tiếng cười trong tình nhân ái, tình thân thương của anh chị em cùng lý tưởng.

 

BIÊN TẬP

Huynh Trưởng cấp Tấn Minh Hạnh Huỳnh Văn Long

Nguyên Chánh Thư Ký Phân Ban GĐPT TP Hồ Chí Minh

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.