Góp Phần Tỏa Sáng Thâm Nghĩa: Hiện Cảnh Đản Sanh Của Đức Phật

Trước khi tìm hiểu thâm nghĩa hiện cảnh Đản sanh của Đức Phật, cần suy tư 2 yếu kiện.

1. Phương tiện của Như lai: Theo dòng Phật sử, đức Thích-ca lúc mới hoàn thành tuệ giác vô thượng (thành Phật) thì Ngài không muốn nói gì cả. Vì những gì mà Ngài chứng đắc được là quá thâm sâu huyền diệu không phải tư duy phân tích mà lĩnh hội được. Trước những tập quán lạm danh Thần quyền, mặc khải Thần linh, lạm dụng thành tín của bao người chơn chất thuần lương… Nếu đem truyền đạt cho con người hiểu, thực hành mang lại lợi ích cho muôn loài bằng ngôn ngữ thế gian thì thật vô cùng nan y. Sau nhiều lần van nài cầu xin của những Chánh sĩ Thánh nhân, Đức Phật phải hoạt dụng vô số phương tiện (vận dụng các yếu tố, ví dụ và lời chữ) vừa truyền đạt theo mô phạm Tứ-tất-đàn (1), vừa xả thân vận hành (đạo diễn) để định hình “con đường cứu khổ chúng sanh”.

Phương tiện của Như lai được kiết tập trong Tam tạng Kinh điển, chư Tổ (sau Phật) tạm tóm lược thành 12 thể tài (hay 12 bộ môn):  trùng tụng, cô khởi, phương quảng, thí dụ, bổn sanh, bổn sự, vị tằng hữu, ký biệt, trường hàng, nghị luận, phương tiện, tự thuyết (2). Hiện cảnh đản sanh thuộc bộ môn Vị-tằng-hữu. Vị tằng hữu là việc hiếm có, khó có thật nhưng hàm nghĩa giáo dục rất thâm thúy. Ví dụ như dân tộc Việt có sử ký “Mẹ trăm con”, “Phù đổng thiên vương”…

2. Y nghĩa bất y ngữ: Những gì Phật dạy được chư Tổ kiết tập để lại muôn đời luôn phù hợp chân lý và ngày càng sáng tỏ theo nhịp độ tiến hóa của nhân loại, gọi là Kinh Phật. Do đó, Kinh Phật không nên đồng sàng -khi giải nghĩa- như các Kinh của những nền tín ngưỡng khác. Kinh Phật phải nói cho đủ là Khế Kinh của đạo Phật. Khế Kinh (khế lý và khế cơ), khi muốn tìm hiểu chân nghĩa những gì Phật dạy phải nhớ  “Y nghĩa bất y ngữ” trong Pháp Tứ Y (3) ; ngoại trừ những trường hợp Phật nói “đệ nhất nghĩa tất đàn”.

Như vậy, nếu y cứ ngôn ngữ văn tự (chính văn hay đã phiên dịch) mà giải nghĩa lời Phật ý Kinh sẽ dễ lầm lạc chân nghĩa, không khéo lại là phỉ báng Phật (Y Kinh giải nghĩa tam thế Phật oan). Nhiều người gọi là phụng trì Kinh Phật mà buông lơi chỗ này (thường Y ngữ bất y nghĩa) dễ nảy sinh “sở tri chướng” ; có người có được phần nào kiến thức thế gian thì hay “kiến thủ kiến”. Hành trì Phật đạo “thuần tôn giáo” sẽ dễ bị mê lầm, khó thọ hưởng được những gì đức Phật mong muốn. Cũng cần nói thêm chỗ này, bản chất đạo Phật là một “mô phạm luân lý đạo đức nhân sinh” không phải là một  tôn giáo vì theo định nghĩa “tôn giáo”(4) là có 2 yếu tố Thần khải và Giáo điều ; trong đạo Phật không có 2 yếu tố này. Những hình thức nghi lễ mang màu sắc tôn giáo của đạo Phật là phương tiện của chư liệt Tổ (sau Phật) nhằm “phổ vị thế giới tất đàn”gieo duyên người sơ cơ. Người Phật tử (Tăng và Tín) ngộ nhập sâu sát chỗ này sẽ rất tự tại và tâm đắc trước câu nói bất hủ của Karl Marx “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”.

 

Sau đây, dựa vào Khế Kinh và cuộc đời đức Phật (Cảm nhận được qua những bộ Kinh Đại thừa do thầy Thích từ Thông giảng giải), tạm lý giải hiện cảnh Đản sanh của đức Phật hàm chứa ý nghĩa như sau.

* 7 bước: Vạn vật trong vũ trụ hình thành có 2 chủng loại: Vô tình chúng sanh (trời mây, sông núi, khoáng vật, thực vật…) và hữu tình chúng sanh (muôn thú và con người). Quan niệm xưa cho rằng các pháp hữu vi là hợp thể của 4 đại : đất, nước, lửa, gió . Nhãn quan Phật học thì thân tâm con người gồm 5 uẩn : sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Bình diện vũ trụ quan  thì bản thể duyên khởi ra hiện tượng đươc phân tích như sau :

– Con người (hữu tình chúng sanh cao cấp)  duyên sinh bởi 7 đại: địa-thủy-hỏa-phong-không-kiến-thức. “Đại” có nghĩa là chất tố, nguyên tố, chủng tử… khắp cùng -châu biến pháp giới- không gì làm mất được. (7 chất tố : chất cứng, chất nước, nhiệt độ, không khí, thấy biết, nhận thức, Hán ngữ gọi là địa-thủy-hỏa-phong-không-kiến-thức).

– Động vật (hữu tình chúng sanh hạ cấp: muôn thú) duyên sinh bởi 6 chất tố : Chất cứng-chất nước-nhiệt độ-chuyển động-không khí-thấy biết.

– Khoáng vật, thực vật (vô tình chúng sanh) duyên sinh bởi 5 chất tố : Chất cứng-chất nước-nhiệt độ-chuyển động- không khí.

Vô tình chúng sanh khi hội đủ 4 chất tố : chất cứng-chất nước-nhiệt độ-chuyển động mà thiếu không khí thì không hình thành (kể cả khoáng, thực vật dưới nước). Hữu tình chúng sanh khi duyên hợp giữa tinh cha huyết mẹ mà vì duyên do nào đó khiếm khuyết 1 chất tố thì sẽ không hình thành hoặc hình thành quái thai . Muôn thú chỉ đủ 6 chất tố, con người thì phải đủ 7 chất tố. Phân tích chỗ này để nhận thực rằng thân người thuộc tối linh ư vạn vật là hoàn toàn khách quan, không áp đặt tự tôn gì cả.

Tuy nhiên, lý giải trên cũng chỉ mang tính tương đối (lý lịch trích ngang). Theo vũ trụ quan Phật giáo thì vạn vật trong vũ trụ đều tương quan tương duyên nhau. Trong một pháp có tất cả các pháp. Vạn vật kể cả con người là do duyên sinh theo quy luật đồng-dị:  đồng chủng tương hợp, dị chủng tương xích của hiện lượng Thập Như Thị (5) ; chứ không do một đấng siêu nhân siêu nhiên nào tạo tác ra. (Quy luật đồng-dị, sau này –thế kỷ 19-  triết học Karl Marx gọi là quy luật thống nhất và đấu tranh). Duyên sinh theo quy luật đồng-dị là một chân lý, do đó,  đức Phật tuyên thuyết vạn pháp vô ngã.

* Một tay chỉ trên một tay chỉ dưới (không nên dịch nghĩa một tay chỉ trời một tay chỉ đất) là lấy  đầu và chân làm chuẩn tức chỉ cho thân người, hàm nghĩa –về mặt tục đế- thân người là khó được, rất quý hiếm, là tối linh ư vạn vật, là một tiểu vũ trụ.  Kinh Phật thường đề cập đến cụm từ  “mười phương quốc độ” hay 10 phương pháp giới : phương đông, phương nam, phương tây, phương bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, phương trên, phương dưới. Với chánh biến tri giác, đức Phật đã nhận chân rằng vạn vật trong vũ trụ trong đó có con người đang hiển bày giữa không gian vô tận nên không có chuyện “trời tròn đất vuông” “trên cao có ông trời dưới đất có vạn vật” như  nhận thức của nhân loại thời đó. Đành rằng trong Kinh Phật có nói đến trời Đâu suất, trời Đao lợi, trời Đế thích, địa ngục vô gián v.v. Những giảng dạy này là phương tiện “vị nhơn tất đàn” của Như Lai chiều ý tập quán  ngoại đạo. Pháp giới nhất chân, nếu nói một tay chỉ trời một tay chỉ đất sẽ dễ sai lệch  vũ trụ quan Phật giáo, tiền phương của vũ trụ quan khoa học hiện đại.

* Hoa sen là loại nhân quả đồng thời, sinh trưởng trong bùn lầy nước đục nhưng khi lên khỏi mặt nước vẫn tinh anh vô nhiễm bùn nhơ ố hương ; khi nở ra thì sắc màu lộng lẫy, phảng phất hảo hương , nhụy hạt hữu dụng cho muôn loài. Hàm nghĩa ví cho con người sống trong cuộc đời đầy ô trược nhưng con người (không phân biệt màu da chủng tộc, theo tôn giáo hay không theo tôn giáo nào) đều có tuệ giác (đại thứ 7) và có khả năng đạt được tuệ giác tối thượng (Hoa sen nở). Hoa sen (nhân quả đồng thời) dưới bàn chân là biểu trưng cho nền tảng của con đường giác ngộ, gọi là đạo Phật.

* Bước đi trên hoa sen hàm nghĩa con người muốn đạt được khinh an – tự tại – an lạc – giải thoát- bồ đề- niết bàn thì tự thân phải hành trì đúng pháp ; tri hành hợp nhất (bước đi) rồi sẽ theo luật nhân quả mà thọ hưởng. Tri hành tới đâu thì thọ hưởng tới đó. (Quy luật này, đến nay Triết học Duy vật biện chứng gọi là làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu) . Tri hành đúng pháp toàn hảo 100% là đạt được vô thượng chánh đẳng chánh giác, gọi là thành Phật.

 

Kết luận : Có thể tóm lược thâm nghĩa của câu “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” trong hiện cảnh Đản sanh của đức Phật như sau :

– Như Thế Tôn ngôn nhất thiết pháp vô ngã (chân đế)

– Thân người là tối linh ư vạn vật (tục đế)

– Con người vốn có tri kiến Phật và vẫn có khả năng ngộ nhập Phật tri kiến (đệ nhất nghĩa đế).

 

 

 –-–-–-–-–-–-–-–-–-–-–-–-–-–-–-–-–-–-–-––

(1) Tứ tất đàn (bốn cách tuyên thuyết) : Vị nhơn tất đàn, đối trị tất đàn, thế giới tất đàn, và đệ nhất nghĩa tất đàn

(2) Mười hai thể tài: Thầy Trí Quang chuyển ngữ ( cập nhật theo thứ tự trên) là : Chỉnh cú  độc lập, tản văn, cực kỳ cao rộng, ví dụ, đời trước, việc cũ, việc hiếm, thọ ký thành Phật, chỉnh cú thích ứng, thảo luận, nguyên do, tự nói. (trong Pháp Hoa lược giải trang 125)

(3) Pháp Tứ Y (bốn điều nên và không nên y cứ) :  Y Pháp bất y nhơn, Y nghĩa bất y ngữ, Y trí bất y thức, Y liễu nghĩa Kinh bất y bất liễu nghĩa Kinh.

(4)… “Phật giáo trở thành tôn giáo từ khoảng giữa đời nhà Thanh trở về sau. Sau khi trở thành tôn giáo thì thật là tai họa, mục đích dạy học chân chính bị đánh mất. Tôn giáo không đạt được mục đích chân thật, điều này chúng ta phải biết…”(lão HT Tịnh Không trong “Kinh Phật thuyết đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác huyền nghĩa”, tập II, tr. 194)

(5) Thập Như Thị (mười như thật) : Như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bổn mạt cứu cánh.(Biểu hiện như vây, đặc tính như vậy, bản thể như vậy, năng lực như vậy, động lực như vậy, nhân tố như vậy, duyên tố như vậy, hình thành như vậy, toàn bộ như vậy –Thầy Trí Quang trong Pháp hoa lược giải tr.166).

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.