Góp Nhặt Lá Bồ Đề

(Tâm tình cùng Đoàn viên GĐPT thâm niên)

 

Phật dạy: “Tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta”

Gia đình Phật tử (GĐPT) là gì? GĐPT là đại gia đình của những người con Phật, gồm những ông bà cha mẹ, những con cái và cháu chắt đều sống hòa thuận và tin yêu dưới ánh mắt hiền hòa của đức Thích-ca từ phụ. GĐPT không phải là nơi tập luyện cho các em tụng Kinh gõ mõ thật giỏi để đi cầu an, cầu siêu hay cầm tràng phan đi rước đám ma. GĐPT vì mục đích giáo dục mà lựa giáo lý Phật-đà làm nền tảng chứ không phải là một sự tô điểm cho giáo hội. Con đường tương lai của GĐPT là xây dựng một thế hệ Phật-giáo-đồ mới khác với lớp “đạo hữu” hiện tại. GĐPT không phải là một tôn giáo. GĐPT không đào tạo Phật tử thuần thành. Trước sau như một, mục đích GĐPT là đào tạo Phật tử chân chính (PTCC) (Lượt trích “Sứ mệnh Gia đinh Phật tử”)

Phật tử chân chính (PTCC) là gì? Phật: giác, Tử: người. Phật tử chân chính là người giác ngộ chân lý. Giác ngộ chân lý để chi? Giác ngộ chân lý để tinh cần sống đúng chân lý sống hợp chân lý nhằm thọ hưởng an vui tự tại giải thoát trên cuộc đời, tạo nhân cho quả lai sinh. Về mặt khách quan, người giác ngộ chân lý không nhất thiết phải là một tín đồ đạo Phật.

Đạo Phật là gì? Đạo: con đường, Phật: giác. Đạo Phật là con đường chỉ hướng cho con người đến bến bờ giác ngộ, giải thoát hay còn gọi là con đường tỉnh thức. Bản chất đạo Phật là một nền tảng luân lý đạo đức, không phải là một tôn giáo vì đạo Phật không có Thần khải và Giáo điều. Hoài bão GĐPT là đạo Phật trở về bản chất uyên nguyên của nó.

Sau đây là một số ý tứ ghi nhận được trong Kinh sách, Tạp chí Phật giáo hiện hành để cùng Văn Tư Tu trên lộ trình tìm cầu giác ngộ, giải thoát. PTCC luôn tỉnh thức trước thực trạng cố hữu lạm danh tôn giáo, lạm dụng tín ngưỡng của những người nhẹ dạ cả tin. Việc này ví như con thiên nga (vịt) rúc mồi trên chân ruộng mênh mông, cho dù đói khát nhưng phải biết chọn lựa trước bao cỏ rác rơm trạ sỏi đá lẫn lộn trong tôm cá ốc cua:

01… “Thời Phật hiện tiền, tại Ấn độ đã thịnh hành nhiều tôn giáo và đều thần thánh hóa nghi thức ngồi thiền. Vậy thiền Phật giáo là gì? Thiền là tư duy suy gẫm vào một đối tượng mà mình muốn tìm hiểu tường tận để nhận thức… Thiền định là nhân của trí tuệ, người có trí tuệ là người đạt được hoa trái của thiền”… (Những chiếc lá trong tay, tập I, trang 36)

02… “Trong Phật giáo (Nguyên thủy) không có cái gọi là Thiền, Tịnh hay Mật riêng biệt nào tách rời tính toàn diện của cuộc sống mà Thiền chính là sống thể nghiệm đời sống một cách trọn vẹn tự nhiên như thị…và Bát chánh đạo là 8 yếu tố thể nghiệm một đời sống toàn diện gồm đủ thân, tâm và trí… Trọng tâm thiền là Tinh tấn, Chánh niệm, Tỉnh thức hay nói cách khác thiền là sống sáng suốt, định tĩnh, trong lành”… (Chân dung & Đối thoại, trang 103)

03… “Thiền không hứa hẹn với bạn một điều gì cả. Thiền chỉ đơn thuần hướng dẫn bạn sống và ý thức ngay phút dây hiện tại và ở đây… Thiền là khai mở mắt trí tuệ. Thiền là nhìn sâu thẳm vào trong ta”… (Ma yoga Rabiya, Thích Nữ Minh Tâm dịch)

04… “Có người cho rằng Thiền chỉ có trong Thiền đường hay Thiền viện, trên Bồ đoàn, Tọa cụ..v.v.. song nếu Thiền như thế thì Thiền quá cục bộ chưa phải thiền tròn khắp… Thiền là ở ngay trong lòng người, không phải ở nơi cảnh… Tâm ngộ thiền thì bất cứ chỗ nào cũng có thiền…dù Tăng hay Tục, dù nơi vắng vẻ hay ồn náo đều có phần, nếu mở được con mắt thiền”… (Chân dung & Đối thoại, trang 122)

05… “Người tu Thiền tốt, thọ dụng Niết bàn hiện tại lúc đang tu. Người tu Tịnh độ tốt, an trú Cực lạc ngay cuộc sống thường ngày. Tu Tịnh cũng như tu Thiền hứa hẹn và để dành kết quả sau khi chết mới thọ dụng là đường lối tu học sai lầm của những người ảo tưởng, thường kiến”… (Những chiếc lá trong tay, tập I, trang 64)

 

06… “Khi ngài Xá-lợi-phất đang ngồi Thiền trong rừng cây bị ngài Duy-ma-cật quở trách bởi vì thiền là hành, trụ, tọa, ngọa bất ly thiền định. Nghĩa là đi đứng nằm ngồi không rời thiền định, do vậy ngài Duy-ma-cật nói: tất bất ngồi như vậy mới là thiền định”…(Sen Trắng 33, trang 120)

07… “Thành Phật không do sự lễ lạy, cúng vái, ngồi thiền. Thiền là ăn, là thở, là nấu cơm là gánh nước, là chùi cầu vệ sinh. Thiền là dọi ý thức minh mẫn vào mọi động tác thân khẩu ý, là làm cho rạng rỡ những chiếc lá khô, những viên sỏi nhỏ, những đống phân bón, những cành cũi mục…làm cho rạng rỡ tất cả mọi đường đi nẻo về của tâm, của ý”… (Nẻo về của ý, trang 177)

08… “Mục đích đi Chùa không phải để cúng lạy mà là vì học hỏi Chánh pháp, huân tập đức hạnh”…(Đạo Phật Ngày Nay số 3, trang 55)

09… “Hành giả tin Kinh Pháp-hoa như tin thần thánh, tưởng rằng van xin cầu nguyện Phật sẽ ban cho chúng ta mọi thứ. Kinh Pháp-hoa không bao giờ dạy như vậy”..(Lượt giải Pháp-hoa, HT Trí Quảng, tr 502)

10… “Chùa dùng nghi lễ cầu an, cầu siêu để góp phần an ủi gieo duyên với quần chúng nhằm thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật mà thôi ; không cho phép dùng nghi lễ như một dịch vụ trao đổi… Đạo Phật là đạo giác ngộ, giải thoát được xây dựng trên nền tảng từ bi trí tuệ trong đời sống hàng ngày của chúng ta, thường nôm na là sống phải sáng suốt trong nhân quả và sống có đạo đức để không rơi vào bất hạnh”… (Chân dung & Đối thoại, trang 175 và 189)

11… “Thật ra tại giác ngộ ta đặt Phật trong Chùa để mà thờ chứ Phật đâu có muốn ngồi trong đó để hưởng xôi, chuối và hương hoa quả của thiên hạ. Những ông Phật như Phật Dược-sư, Phật Quan-âm, làm sao mà ngồi nhà được. Phật Dược-sư ngồi hoài trong Chùa thì ai đi chữa bịnh cho thiên hạ thân bịnh và tâm bịnh? Phật Quan-âm tức là quán-thế-âm thì chắc là phải đi hoài bởi vì quán-thế-âm là lắng nghe tiếng kêu đau thương của cuộc đời mà tìm tới… Vậy thì người học trò của mấy ông Phật không lý cứ ở lỳ trong Chùa khi các bậc thầy của mình có mặt trong những nơi có khổ đau của cuộc đời sao? Như thế không phải là học trò của mấy ông Phật mà chỉ làm nô lệ của những pho tượng”…(Nẻo về của ý, tr 250)

12… “Trước đây Phật giáo độ người sống, PG ngày nay lại độ cho người chết. Đó là lý do Phật giáo được nhìn nhận dưới góc độ mê tín dị đoan…trong khi Phật giáo đích thực không phải để siêu độ người chết”…(Đạo Phật ngày Nay, số 2, trang 20)

13… “Khi nhắm mắt lìa đời, phần sắc chất của thân ngũ uẩn mất đi ; phần thọ, tưởng, hành đương nhiên mất theo, chỉ còn lại phần thức là hồn ma bóng quế. Nhưng sau 49 ngày, thức cũng tan biến vì thiếu sức nuôi dưỡng. Thức không phải là chơn tánh”…(Lượt giải Kinh Pháp-hoa của HT T. Trí Quảng, tr 189)

14… “Trong nghi thức lễ tang của Phật giáo (Học đòi Bà-la-môn giáo, Khổng giáo và Thần giáo?*) thường cầu mong hương linh sớm được siêu sanh… Những phong tục tập quán đó không giúp ích gì cho người quá cố, trái lại còn làm cho họ nặng lòng khó siêu sanh. Thực tế có người bảo thấy người thân về báo mộng, dặn dò phải cúng giấy tiền vàng mã cho họ bớt lạnh lẽo, để họ có tiền mãi lộ các quan dưới âm cung, bằng không đời sống của họ rất khốn khổ. Điều này hoàn toàn do tưởng tượng, người còn sống có thói quen mê tín dị đoan thì khi chết nếu chưa siêu, họ bị tình trạng mê tín dị đoan y hệt như thế”…(Đạo Phật Ngày Nay, số 5, trang 29)

15,,, “Người nhận thức sự thật, đúng sự thật, đúng chân lý rồi tự mình sửa đổi, tự mình buông bỏ, tự mình cắt đứt những gì ràng buộc về thân xác. Làm được việc đó đạo Phật gọi là người giải thoát. Người nhận thức sự thật đúng sự thật rồi tự mình cắt đứt, tự mình buông bỏ, tự mình gột rửa những gì tà kiến sai lầm ở hiểu biết, ở trí não, ở tâm thức…Làm được việc đó đạo Phật gọi là người giải thoát tri kiến”…( Những chiếc lá trong tay, tâp I, trang 57)

16… “Khi nào bạn vượt ra khỏi những ràng buộc của các phiền não như tham lam, sân hận, si mê, chấp thủ…trong đời sống của chính mình thì khi đó bạn được giải thoát…Bạn không cần đi đâu hết, mà trái lại bạn cần phải tu tập (Thực nghiệm tâm linh) ngay bây giờ và ở đây, ngay nơi con người này và tại thế gian này”…(Cẩm nang của người Phật tử, Khải Thiên, tập I, trang 19)

 

17… “Người đệ tử Phật muốn học đạo, hành đạo, đạt đạo và chứng đạo phải nương Khế Kinh mà tu học ; không nên lấy Kinh làm nghi thức tụng niệm để cầu phước hay giải trừ tai ách”…(Những chiếc lá trong tay, tâp I, trang 132)

18… “Truy nguyên những nguồn gốc ngữ ngôn văn tự gọi là Thần chú của Phật giáo hay Mật tông là những thứ ngôn ngữ văn tự con người không nghe được, không hiểu được, không ứng dụng thực hành được gì mà còn biểu hiện ra hành động có tính cách siêu hình: miệng tụng Chú lâm râm như hiệu triệu thần linh…tay thì múa may ấn quyết như sai khiến quỷ ma, kêu gọi âm binh gì gì đó, đạo Phật chánh thống không chấp nhận những lối gọi là tu hành như vậy. (Đạo Phật chính thống không có Mật giáo)”…(những chiếc lá trong tay, tập I, trang 136)

19… “Chúng ta chí thành lạy sám hối có trừ được nghiệp chướng không? Tôi ở bên cạnh thấy rất rõ ràng chẳng những không tiêu trừ mà bạn càng lạy nghiệp chướng càng nhiều, nghiệp chướng đang tăng thêm, không có tiêu trừ. Nghiệp là gì? Nghiệp là tạo tác, khởi tâm động niệm chính là nghiệp”…(HT Tịnh Không- Kinh Phật thuyết Đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác huyền nghĩa, tập II, trang 231)

20… “A-di-đà-Phật dịch ra tiếng Hán thì: A là , di-đà là lượng, Phật là giác, ý nghĩa là vô lượng giác. Vô lượng là khắp hư không cùng pháp giới cả 3 thời quá khứ hiện tại vị lai. Nói theo thuật ngữ ngày nay là thời gian và không gian… Tất cả vạn vật vô lượng vô biên đều ở trong không gian và thời gian, dùng một tên gọi làm đại biểu cho vô lượng giác thể, không giống như các nơi khác lý giải chưa có chính xác đầy đủ…thế nên danh hiệu này (A-di-đà Phật) là bản thể của vạn vật trong vũ trụ”…(Kinh Phật thuyết Đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm Thanh Tịnh bình đẳng giác huyền nghĩa, tập I, trang 110)

21… “Đức Thích ca nói có Phật Nhiên-đăng, Phật A-di-đà, Phật Dược-sư v.v…tất cả giảng dạy này chỉ là phương tiện giáo hóa chúng sanh”…(Lượt giải Kinh Pháp-hoa, HT Thích Trí Quảng, trang 477)

22… “Vì thời đó hàng ngoại đạo tu pháp sanh về cõi trời, nên đức Phật tùy theo phương tiện chỉ cho cảnh Tây phương trang nghiêm hơn. Đây là phần thông giáo quyền thừa”…(Lượt giải Kinh Pháp-hoa, HT Thích Trí Quảng, trang 285)

23… “Sinh Cực-lạc là thế nào? Cực-lạc, Ta-bà toàn là tâm. Tâm tịnh thì hiện ra Cực-lạc ở phương tây, hoặc hiện ra Cực-lạc nơi Ta-bà, cả hai trường hợp đều gọi là sinh Cực-lạc và do nguyện lực mà khác nhau”…(Lượt giải Kinh Pháp-hoa của Trí Quang, trang 814)

24… “Và đến hội Pháp-hoa, đức Phật mới nói Tịnh độ và Ta-bà chỉ là một…bỏ thân người ở thế giới Ta-bà để tìm giác ngộ giải thoát chỉ luống công vô ích”…(Lượt giải Kinh Pháp-hoa, HT T.T.Quảng, tr 220)

25… “Đạo Phật là một phản đề của đạo Hindu (Ấn độ giáo). Nó phủ nhận chế độ đẳng cấp, đả phá độc quyền Bà-la-môn và thói lệ nghi lễ trong tôn giáo, giảng dạy tình yêu thương từ bi rộng mở. “Không có khuynh hướng thần học và ác cảm với suy luận siêu hình”, đức Phật nhiệt tình xây dựng một nền luân lý nhân sinh trên nền tảng của thực nghiệm tâm lý”…(Lịch sử triết học phương đông III, trang 191)

26… “Phật pháp là giáo dục Phật pháp. Phật giáo trở thành tôn giáo từ khoảng giữa đời nhà Thanh trở về sau. Sau khi trở thành tôn giáo thì thật là tai họa, mục đích dạy học chân chính bị đánh mất. Tôn giáo không đạt được mục đích  Phật pháp chân thật, điều này chúng ta phải biết. Đặc biệt ngày nay ở Trung quốc cũng như nước ngoài phần nhiều Phật pháp trở thành tôn giáo lại còn trở thành học thuật, tà giáo chuyên đem Phật pháp để lừa gạt chúng sanh”…( HT Tịnh Không-Kinh Phật thuyết Đại thừa Vô lượng thọ Trang nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Huyền Nghĩa, tập II, tr 194)

27…  “Bất cứ ai có suy nghĩ thỉnh chư Tăng làm lễ cầu an, cúng dường trai Tăng là mọi tội ác được tiêu trừ, mọi nghiệp chướng được xóa sạch thì thật sai lầm… Khi Phật còn tại thế Ngài đã bác thuyết Tế đàn vạn năng của Bà-la-môn(Thế giới Phật giáo, số 3, trang 127)

28… “Phật giáo nguyên thủy, về cơ bản là một triết học đạo đức. Thời đức Phật, Ngài không cho phép tạc tượng cũng như vẽ tranh Ngài. Sau này, Phật giáo Đại thừa đã phát triển phần siêu hình học và nhân tố sùng tín trong Phật giáo. Nhu cầu thờ phụng đức Phật như một biểu tượng thần linh đã mở đường cho tiếu tượng học phát triển”…(Đại cương về Văn hóa phương đông, trang 173)

 

29… “Những ai cúng kiến, tin tưởng thờ lạy đức Phật theo tinh thần van xin, cầu khẩn một cách tiêu cực, dù ở Chùa hay ở nhà, đều không đạt được những ước muốn như ý…Trái lại, những ai sống đúng theo tinh thần những gì Phật dạy, dù tại gia hay xuất gia, dù có thờ lạy đức Phật hay không cũng đều được an lạc, giác ngộ và giải thoát”…(Đặc san Phật đản 2556 của Ban Văn hóa Phật giáo Quảng Ngãi, tr 17)

30… “Người có trách nhiệm hướng dẫn Phật tử mà một bề cổ xúy cho sự cầu cúng, là đưa họ vào rừng sâu của mê tín, gây thêm lòng tham lam ích kỷ cho họ. Quả là kẻ tạo thêm tội lỗi cho họ chứ không phải là người tu hành”…(HT Thích Thanh Từ- Văn hóa PGVN đương đại, trang 49)

31… “Con đường của đạo giác ngộ, tỉnh thức do đức Phật tìm ra, nó không ru ngủ mọi người nơi một thế giới Cực-lạc nào đó ở mai sau, không núp bóng quyền uy của thánh thần nào đó để mong được các Ngài chở che, ban thưởng…. Mọi hình thức lễ nghi, tế tự, cầu nguyện, bùa phép, mật chú…chỉ là những liều thuốc an thần không bao giờ chữa trị tận gốc mọi đau khổ và phiền não”…(Một cuộc đời, một vầng Nhật nguyệt, tập 2, trang 109)

32… “Con đường giải thoát của Phật giáo, mặt khác, chủ yếu là tu dưỡng bản thân, không lệ thuộc vào tín ngưỡng, cầu nguyện, sùng kính hay nghi lễ… Đức Phật thường khuyên nhủ: “hãy tự mình cố gắng để tự giải thoát cho mình… Hãy quay về với chính mình, các người đều là Phật cả đấy”…(Đại cương về Văn hóa phương đông, tr 154)

33 “Phải hướng vào trong tự tánh mà tìm Phật, chớ không nên hướng ngoại tìm cầu. Tự tánh ngu mê tức là chúng sanh, tự tánh giác ngộ tức là Phật” (Lục Tổ Huệ Năng)

34… “Chúng sanh tạo nghiệp cũng do từ tâm mà ra. Tâm chưa sáng phải tu phải tạo. Tạo Phật hay chúng sanh tất cả đều do tâm chủ động. Mười pháp giới tức là 6 Phàm + 4 Thánh đều không ngoài tâm”… (Ngữ Lục Thiền Sư Hư Vân, tr 404)

35… “Việc dâng cúng tiền bạc, của cải vật chất sau này đã bị lạm dụng và đi sai lạc tinh thần Phật giáo. Đấy là do một số thí chủ giàu sang như vua chúa, quan lại, quý tộc, trưởng giả muốn biến Phật giáo thành một phương tiện quảng cáo, kinh doanh, chữa bịnh tinh thần hay chuộc lỗi…bằng cách cống hiến nhiều tài vật để xây dựng Chùa to tượng lớn …sinh ra mặt xấu là đạo Phật có khả năng bị thế tục hóa và thương mại hóa”…(Văn hóa Phật giáo xuân Giáp Ngọ 2014, tr 42)

36… “Có thể nói thẳng với quý vị rằng: Đại tạng Kinh của Phật giáo Trung hoa có những Kinh điển phù hợp với lời Phật ý Kinh, và có những thứ cũng gọi là Kinh điển Phật giáo mà hoàn toàn trái ngược với ý Kinh lời Phật, thậm chí có những thứ gọi là Kinh, là Chú mà đạo Phật chính thống hoàn toàn không thể chấp nhận”…(Những chiếc lá trong tay, tâp I, tr 144)

37… “Nhờ đọc trực tiếp, nghe Kinh trực tiếp từ lời Phật dạy, chúng ta sẽ không ngộ nhận đạo Phật nữa. Chúng tôi tin chắc rằng bằng con đường tiếp cận trực tiếp đó, chúng ta sẽ mạnh dạng rũ bỏ lăng kính Phật giáo từ Trung quốc vốn rất cực đoan, nhiều mê tín dị đoan và sai lầm”…(Đạo Phật Ngày Nay, số 49, trang 65)

Cần suy tư: Đến nay (2015) tại Việt Nam có 12 tôn giáo được nhà nước công nhận hoạt động hợp pháp. Con số này so với các nước Mỹ, Úc, Ấn độ…thì chẳng đáng là bao, nghĩa là trên hành tinh này có rất nhiều tôn giáo. Tôn giáo nào cũng chủ trương làm lành lánh dữ, tu nhân tích đức, chế tác nghi lễ, ăn chay, đọc Kinh cầu nguyện… Vậy, Phật giáo với các tôn giáo khác nhau chỗ nào?? Đọc, suy nghĩ, hành hoạt (Văn-Tư-Tu) những ý tứ cô đọng nêu trên chắc hẳn sẽ giải tỏa  phần nào niềm ưu tư của người muốn tìm về đạo Phật thật. Người PTCC không y cứ bảo tồn mà khư khư bảo thủ những tập quán dân gian xưa bày nay bắt chước ; không nên luyến tiếc quá khứ để oan phí thực tại nhiệm mầu.

Phật giáo không bi quan cũng không lạc quan, Cả bi quan, cả lạc quan đều cực đoan mà chính đức Phật đến thế gian này “để dạy về Trung đạo”**. GĐPT đã lựa con đường Trung đạo để đi, không biết tỉnh thức cùng đi sẽ dễ sa vào vọng tưởng, là tự làm khổ mình, tự mình phỉ báng mình đấy thôi./.


Dương Đình Chí

 

 

 

——————————————————————-

*Theo thiển kiến của người lượt trích.  

**Đại cương về Văn hóa phương đông, trang 151.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.