Đổi Mới Cải Tiến Phương thức sinh hoạt Gia Đình Phật Tử với tập khảo luận "ĐẠI CƯƠNG GIÁO DỤC GĐPT – Lý thuyết và Thực hành"

ĐỔI MỚI CẢI TIẾN
Phương thức sinh hoạt Gia Đình Phật Tử với tập khảo luận
"ĐẠI CƯƠNG GIÁO DỤC GĐPT – Lý thuyết và Thực hành"

Qua nhiều lần Hội nghị, Hội thảo, chúng ta đã nhìn nhận vấn đề đổi mới cải tiến là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay ngõ hầu duy trì và phát triển tổ chức GĐPT. Nhưng đổi mới thế nào cho hợp lý, vừa bảo đảm nền tảng giáo dục GĐPT, vừa đáp ứng yêu cầu tuổi trẻ thời đại.

Để có giải pháp khả thi cho việc đổi mới, trước hết chúng ta phải tìm hiểu thực trạng bên trong cũng như bên ngoài, nhất là những nguyên nhân liên quan đến thịnh suy của tổ chức chúng ta.

Quý anh chị đã tiếp thu bài tham luận của anh Nguyên Trừng và đọc tập khảo luận của tôi, quý vị cũng nhận ra chúng tôi có nhiều tương đồng quan điểm về đổi mới phương thức sinh hoạt GĐPT. Cũng như nhận định của anh Nguyên Trừng, một tổ chức giáo dục bao gồm đối tượng giáo dục và các thành tố phục vụ giáo dục.

ĐỐI TƯỢNG GIÁO DỤC

Giáo dục ai với mục đích gì? Nội quy đã nêu rõ:

– Giáo dục đoàn sinh trở thành những Phật tử chân chánh.

– Phụng sự đạo pháp, góp phần xây dựng xã hội.

Như vậy đoàn sinh là đối tượng giáo dục, thành phần chủ yếu, trung tâm điểm của giáo dục GĐPT. Mọi hoạt động giáo dục phải nhằm vào đoàn sinh và các đơn vị GĐPT, cơ sở trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Các thành phần này quyết định sự thịnh suy của tổ chức chúng ta. Do đó, chúng ta cần phải tìm hiểu thực trạng đối tượng này trong xã hội ngày nay.

Về phía xã hội: Trong hoàn cảnh xã hội đầy rẫy những tệ nạn như đang xảy ra hiện nay, những tiêu cực trong cuộc sống của thế hệ người lớn ảnh hưởng đến niềm tin và tâm tình các thế hệ trẻ. Mặt khác sự bùng nổ của công nghệ thông tin với những hình ảnh, trò chơi … làm kích động những bản năng xấu của con người trên internet. Và cũng từ đó ngoài đời có nhiều sinh hoạt, trò giải trí mới, hiện đại, hấp dẫn (mặc dù không ít những thú vui thiếu lành mạnh) lôi cuốn lớp trẻ. Thực trạng này gây khó khăn trong sứ mạng GĐPT.

Về phía gia đình: Trong nền kinh tế thị trường, đời sống khó khăn khiến mọi người bận rộn, tất bật trong cuộc mưu sinh, chạy theo lợi nhuận vật chất, không có thời gian chăm lo con cái, không kiểm soát nổi việc học, các sinh hoạt liên quan đến đời sống tinh thần đạo đức của con em.

Về phía nhà trường: Tác động học đường là nặng nề nhất trong 3 tác động (theo anh Nguyên Trừng). Các anh chị có con em là học sinh, chắc cũng nhận thấy con em mình đang chịu một áp lực nặng nề trong việc học để đáp ứng yêu cầu về thành tích phong trào nhà trường và áp lực theo mục tiêu của cha mẹ. Ngoài học tại lớp, học sinh còn học thêm, học ngày, học đêm, học cả ngày chủ nhật. Nhiều em không đáp ứng được yêu cầu, mất căn bản sinh lười, chán học rất dễ bị lôi cuốn vào đường hư hỏng. Các em hội đủ điều kiện thì phải chăm chăm chúi chúi vào việc học, còn đâu thì giờ tham gia sinh hoạt GĐPT. Điều này cũng ảnh hưởng đến đoàn sinh GĐPT đang sinh hoạt cảm thấy mất thời gian học thêm. Lại nữa, với lối sinh hoạt như hiện nay các em thêm áp lực của một nhà trường thứ hai mà lo sợ chán nản rồi nghỉ sinh hoạt.

Những chuyển biến khác: Hiện nay nhiều tổ chức sinh hoạt thanh thiếu nhi như các câu lạc bộ Thanh niên PG, Tiểu ban Thanh thiếu nhi PG, Hướng đạo sinh đang bắt đầu thu hút mạnh lớp trẻ. Điều đó là tất nhiên. Xã hội mang tính quy luật lịch sử, mỗi thế hệ có những nhận xét riêng biệt về các vấn đề xã hội và giáo dục. Căn cứ vào kinh nghiệm, thực trạng, họ phê phán giá trị của nền giáo dục mà họ nhận thấy hay đang thu nhận. Nếu nền giáo dục đó có lợi đối với sự mong ước của họ thì họ sẽ bảo tồn, cổ vũ. Trái lại nếu thấy bất lợi, không còn thích hợp thì vì tương lai của họ, nếu họ ở trong tổ chức thì họ muốn tìm cách sửa chữa, hoặc phải ra đi, nếu họ ở ngoài tổ chức thì họ chọn nơi khác mà họ thấy thích hợp.

Về phía GĐPT: Nói như anh Nguyên Trừng, chúng ta phải nhìn lại chính mình. Ngoài những nguyên nhân tác động bên ngoài, sự sinh hoạt tại các đơn vị cơ sở chất lượng yếu kém. Điều này liên quan đến các thành tố sau đây:

Chủ thể giáo dục: Huynh Trưởng hiện nay, số đông lớn lên trong thời gian 25 năm GĐPT không có pháp lý. Trong giai đoạn đó, tuy có trải qua huấn luyện nhưng không được tổ chức quy mô, chính thức nên chỉ tiếp thu một số lý thuyết khô khan, kỹ năng chuyên môn không được rèn luyện, vắng tính năng động vốn có, thiếu linh hoạt. Do đó một bộ phận không nhỏ trong thế hệ này khó thực hiện tốt vai trò của chủ thể giáo dục. Thực tế này đã kéo theo một thế hệ trẻ trong công tác huấn luyện, kể từ khi GĐPT có pháp lý.

Chương trình giáo dục: Chương trình giáo dục căn bản không thay đổi nhưng một số đề tài có thêm bớt cho phù hợp với định hướng giáo dục (Giới Định Huệ), với chuyển biến của xã hội, tâm lý tuổi trẻ. Do đó, chương trình đã được đưa vào phương pháp tu tập chánh niệm (Thiền) vào các bậc học từ Oanh vũ đến Huynh trưởng; các đề tài xuyên suốt cho từng bậc học vừa hợp với tuổi, tâm lý trình độ giúp đoàn sinh nắm bắt được các vấn đề cốt yếu của chương trình tu học. Nhưng 9 năm qua Huynh trưởng chúng ta có thực hiện được việc hướng dẫn đoàn sinh tu tập theo đó chưa. Tài liệu tu học mới phát hành gần đây. Việc biên soạn tài liệu cho hai đề tài trên cũng chưa đạt yêu cầu mong muốn để hướng dẫn đoàn sinh học tập.

Phương pháp giáo dục: Từ lâu chúng ta đã có 4 phương pháp: huân tập, hoạt động, lý giải và quán niệm. Đây là những phương pháp đặc thù,dựa trên tinh thần giáo lý, vận dụng pháp môn tu học Phật giáo, đồng thời kết hợp với phương pháp giáo dục thế gian thích ứng (phương pháp hoạt động). Tuy nhiên hiệu quả giáo dục của phương pháp còn tùy thuộc vào người sử dụng. Khi khả năng chuyên môn yếu kém, thiếu tính tích cực, họ không phát huy được tinh hoa, tinh thần khế lý khế cơ của giáo pháp để nâng cao chất lượng và hợp thời hợp cảnh; sự kết hợp với phương pháp giáo dục thế gian không cập nhật với sự tiến bộ mới để vận dụng, sáng tạo làm mới thứ của mình, ngõ hầu tăng hiệu quả giáo dục và phù hợp với tâm sinh lý tuổi trẻ thời đại. Về cách giảng dạy trong nhiều đơn vị chưa có gì thay đổi ngoài cách thức người nói, người nghe, thiếu năng động, thiếu linh hoạt.

Tổ chức giáo dục: Sau 25 năm rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đến Đại hội IV GH.PGVN chúng ta mới được công khai sinh hoạt. Hơn một thập niên qua, chúng ta lo việc ổn định, củng cố tổ chức từ trung ương đến địa phương, nhưng ở các đơn vị cơ sở GĐPT vẫn chưa phục hồi lại nề nếp sinh hoạt, việc giáo dục đào luyện kém chất lượng dẫn đến suy giảm số lượng.

Trước hiện tình xã hội, những tác động ảnh hưởng đến cuộc sống của các thế hệ trẻ, trong đó có con em Phật tử. Sinh hoạt GĐPT chúng ta chưa tạo được môi trường sống đối lại, hấp dẫn lớp trẻ đến với Nhà Lam. Với cách sinh hoạt hiện nay, GĐPT cũng chỉ là một trường học thứ hai, chưa phải là nơi các em đến để giải tỏa những "khổ đau", để sống an lạc và được đào luyện theo mong ước của trẻ. Do đó, như nhận xét của anh Nguyên Trừng, sinh hoạt tu học tại các đơn vị trở thành đơn điệu, nhàm chán không đủ sức thu hút giới trẻ.

Đó là tất cả thực trạng bên ngoài và bên trong GĐPT, nguyên nhân tác động làm suy yếu GĐPT.

HƯỚNG GIẢI QUYẾT

Từ những nhận định trên, chúng ta cần phải có giải pháp thế nào để nâng hiệu quả về chất lượng thì số lượng mới tăng lên. Không có giải pháp nào ngoài việc cải tiến phương thức sinh hoạt GĐPT.

Căn cứ vào các nguyên nhân ảnh hưởng đến giáo dục GĐPT, việc đổi mới hay cải tiến chúng ta phải giải quyết các vấn đề trước mắt.

Về đối tượng giáo dục: Trên quan điểm nguyên lý duyên khởi, giáo dục là tạo thiện duyên cho con người phát triển theo mục đích đào luyện. Đối lại với những tác động lên thế hệ trẻ trong môi trường xã hội gia đình và học đường, GĐPT phải tạo một khung cảnh môi trường sống thuận lợi cho trẻ sinh hoạt học tập khác với bên ngoài. Trước hết trong không khí của một tổ chức "gia đình", trẻ đến đây để được giải tỏa những nỗi niềm "khổ đau" do xã hội, gia đình, nhà trường gây nên. Trẻ đến GĐPT không chủ yếu học mà để "sống" trong an lạc, tự đào luyện, phát triển chơn tánh dưới sự giáo dưỡng của chư vị Tăng Ni, sự hướng dẫn thân thương của anh chị trưởng và sự thân tình dìu dắt giúp đỡ nhau của bạn đoàn.

Chương trình tu học huấn luyện: thực hiện chương trình sát với định hướng giáo dục (Giới Định Tuệ).

– Tăng cường tu tập Thiền Chánh niệm cho Huynh trưởng và đoàn sinh. Tổ chức cho Huynh trưởng học tập nắm bắt được những phương pháp cương yếu và hành trì thường xuyên để làm gương và hướng dẫn đoàn sinh tu tập. Cần nghiên cứu các phương cách thiết thực, sáng tạo cho những bài học và thực hành Chánh niệm phù hợp tâm lý độ tuổi và trình độ của đoàn sinh.

– Soạn và giảng dạy các đề tài xuyên suốt đủ và đúng theo mục đích yêu cầu bài học, như: tuần tự tiệm tiến, từ đơn giản đến nâng cao dần theo bậc học cho hợp với độ tuổi và tâm lý đoàn sinh.

– Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về chuyên môn càng cao; nên tăng cường mở rộng và hiện đại các môn học, văn nghệ, hoạt động thanh niên và xã hội.Các môn này giúp Thanh thiếu đồng niên phát triển tính tháo vác, tinh thần trách nhiệm, vừa tạo không khí sinh động hấp dẫn trong sinh hoạt GĐPT.

Phương pháp giáo dục: Cần phải cải tiến. Vận dụng các nguyên lý, nguyên tắc của các pháp môn tu học, phương pháp luận rút từ giáo lý đạo Phật, kết hợp với các phương pháp giáo dục tiên tiến thế gian thích hợp tạo thành phương pháp đặc trưng của GĐPT. Phương pháp giáo dục GĐPT không chỉ có tác dụng truyền đạt cho người học hưởng thụ "học thức" mà là cách thu hoạch, nhận thức và ứng dụng kiến thức theo những điều chơn chánh của Bát Chánh Đạo.

Việc hướng dẫn giảng dạy cho Huynh trưởng và đoàn sinh cần sửa đổi.

GĐPT cần có đội ngũ Huynh trưởng có năng lực để bảo đảm chất lượng sinh hoạt tu học cho đoàn sinh trong GĐPT, nên cần phải có nhiều hình thức, biện pháp thông qua chương trình tu học huấn luyện để đào luyện Huynh Trưởng theo mục đích yêu cầu. Chương trình tu học huấn luyện vẫn theo chương trình hiện hành, nhưng cần sửa đổi cải tiến về hình thức tổ chức, phương pháp giảng huấn của giảng viên và học tập của học viên thế nào để mở rộng tầm hiểu biết kinh nghiệm sống và nhiệm vụ đang làm.

Cải tiến phương cách giảng dạy, hướng dẫn đoàn sinh tu học. Người dạy biết cách áp dụng các phương sách thích ứng với môn học với đề tài, tiến trình giáo dục và tâm lý trẻ. Hạn chế phương sách thuyết giảng nói và nghe một chiều, áp dụng phép giảng dạy tích cực, phát huy tinh thần chủ động học tập của đoàn sinh.

Các giải pháp đề nghị trên tôi đã triển khai trình bày trong tập khảo luận: Đại cương giáo dục GĐPT.

Hưởng ứng chủ trương “Đổi mới phương thức sinh hoạt GĐPT” của Ban hướng dẫn Trung ương, trong Hội nghị Ban hướng dẫn Trung ương năm 2009, tôi đã có ý kiến tham luận về việc đổi mới phương thức sinh hoạt GĐPT và kế hoạch nghiên cứu để có phương án áp dụng khả thi.

Sau đó tôi đã soạn tập khảo luận triển khai rộng về phần lý thuyết và hướng thực hành của bảng tham luận trên. Phần sơ thảo của tập khảo luận đã thuyết trình vào dịp Hội nghị đại biểu GĐPT năm 2011 tại Từ Đàm Huế.

Sau nữa, tôi đã tham khảo các bài tham luận trong hội nghị, các bài viết của chư Tăng, Huynh trưởng GĐPT đăng trong tập “kỷ yếu 60 năm GĐPT”, đã thỉnh thị chỉ giáo, xin ý kiến của các vị Tôn Túc, Huynh trưởng cao niên, cư sĩ (hòa thượng Thích Hải Ấn, thầy Thích Kiên Định, anh Tống Hồ Cầm, anh Nhu, anh Nguyên Trừng, anh Thảo, …) để bổ sung điều chỉnh hoàn bị tập khảo luận này.

Đại hội Huynh trưởng GĐPT năm 2011 tại Chùa Từ Đàm Huế có thảo luận về vấn đề này, nhưng chỉ đi đến thống nhất, ý kiến: "Mỗi Huynh trưởng tự làm mới mình, làm mới đơn vị thông qua các hình thức sinh hoạt tu học phù hợp tâm sinh lý đoàn sinh trong thời đại mới, nhưng cần phải đúng nội quy…" nhưng đã bốn năm qua chúng ta chưa có một kế hoạch nghiên cứu vấn đề để có phương án khả thi phổ cập, hướng dẫn, tập huấn cho Huynh trưởng các đơn vị GĐPT thực hiện các hình thức sinh hoạt tu học theo hướng cải tiến, phù hợp với mục đích giáo dục GĐPT, phù hợp với thời đại, với hoàn cảnh xã hội.

Tôi nghĩ rằng việc khuyến khích Huynh trưởng tự nguyện tự phát làm mới mình, làm mới sinh hoạt GĐPT không có kế hoạch, phương án chỉ đạo, hướng dẫn, không khỏi xảy ra những vấn đề như:

– Không có cơ sở cho Huynh Trưởng dựa vào mà thực hiện, họ sẽ lúng túng, ngần ngại.

– Không khỏi có những việc làm tùy tiện, sáng tạo, đưa những hình thức bắt chước từ bên ngoài vào sinh hoạt GĐPT, gọi là đổi mới nhưng không phù hợp với tinh thần giáo dục GĐPT.

– Không có hướng dẫn, họ sẽ làm theo cảm tính, tạo nên những thay đổi không hợp lý làm xáo trộn nề nếp sinh hoạt, làm tác dụng giáo dục ngược lại, giảm chất lượng giáo dục GĐPT.

Vì lẽ đó, tôi đề nghị phổ biến tập khảo luận này làm cơ sở ban đầu cho việc cải tiến phương thức sinh hoạt GĐPT, làm điểm tựa trong việc điều hành các hoạt động và hướng dẫn sinh hoạt tu học cho Huynh trưởng, đoàn sinh trong các đơn vị GĐPT theo hướng cải tiến, ngõ hầu chỉnh đốn nề nếp, tạo sự sinh động hấp dẫn trong sinh hoạt, nâng cao chất lượng đào luyện trong GĐPT.

Nếu tập khảo luận này được thông qua và phổ biến rộng rãi cho Huynh trưởng nghiên cứu thực nghiệm, chúng ta phải có kế hoạch tổ chức tập huấn cho Huynh Trưởng, chọn đơn vị GĐPT làm thí điểm để rút kinh nghiệm, mà điều chỉnh bổ sung. Sau đó nhân ra diện dần dần đến toàn thể. Đồng thời Ban tu thư sẽ có kế hoạch soạn tiếp phần thực hành chi tiết hơn vào các môn học, bài dạy, hướng dẫn cụ thể các sinh hoạt, cung cấp phương tiện như: Biên soạn chuyện kể, chuyện kể bằng tranh, bài đọc thêm, cung cấp giới thiệu các tư liệu như phim ảnh, … giúp sinh hoạt tu tập sinh động hấp dẫn theo hướng cải tiến như đã trình bày trong tập khảo luận này.

Xem thêm "ĐẠI CƯƠNG GIÁO DỤC GIA ĐÌNH PHẬT TỬ"

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.