Cố Hòa Thượng Thích Giác Phước – Người Cha Hiền Của Đại Gia Đình Áo Lam Kiên Giang

CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC PHƯỚC
NGƯỜI CHA HIỀN CỦA ĐẠI GIA ĐÌNH
ÁO LAM KIÊN GIANG

Sinh hoạt Gia Đình Phật Tử là lý tưởng và sự nghiệp của giới cư sĩ Phật Giáo Việt Nam. Tuy nhiên, sự nghiệp này sẽ không thành tựu viên mãn nếu không được sự giúp đỡ, cưu mang, thương yêu, đùm bọc của chư Tăng, Ni nói chung, chư Tôn Đức lãnh đạo Giáo hội các cấp nói riêng.

Gia Đình Phật Tử tại Kiên Giang từ ngày tái lập sinh hoạt đến nay, sở dĩ được suôn sẻ, hanh thông , ngoài sự giúp đỡ của Chánh quyền sở tại và sự nỗ lực của anh chị em Áo Lam, cái chính là nhờ công đức bao dung che chở của Chư Tôn Thiền Đức khắp nơi trong tỉnh. Một trong những Người Cha Hiền của Gia Đình Phật Tử Kiên Giang, đó là Cố Hòa Thượng thượng Giác hạ Phước.

Ngài thế danh Trần Văn Thương, sinh năm 1945 tại làng Vĩnh Thanh Vân, tỉnh Rạch Giá (nay là thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang) trong một gia đình mộ đạo. Thân phụ là Cụ Ông Trần Văn Hộ, thân mẫu là Cụ Bà Lâm Thị Thiên.

Năm 1963, Ngài xuất gia với bổn sư Thích Giác Nguyên tại tịnh xá Ngọc Bửu, phường Vĩnh Thanh, thị xã Rạch Giá, Kiên Giang. Năm 1968, Sư Giác Nguyên vân du nơi khác, giao tịnh xá Ngọc Bửu lại cho Ngài trụ trì. Năm 1970, Ngài vận động Phật tử đóng góp xây dựng lại tịnh xá Ngọc Bửu theo hình thức một ngôi chùa Bắc tông và đặt tên là chùa Phật Quang. Công việc xây dựng hoàn tất nội trong năm. Vào ngày lễ Vu Lan năm ấy, nhân dịp lễ khánh thành ngôi Phật Quang tự, Ngài kêu gọi Phật tử thành lập một đơn vị Gia Đình Phật Tử lấy tên Chánh Thiện.

Vào thời điểm bấy giờ, tại thị xã Rạch Giá, đa số các ngôi chùa thường chỉ có số ít Phật tử nữ lớn tuổi lui tới mỗi khi chiều xuống để tụng kinh dưới sự hướng dẫn của chư tăng, ngoài ra ít có hoạt động Phật sự nào nổi bật, nhất là sinh hoạt tu học của thanh thiếu nhi càng không có. Tại chùa Phật Quang, dưới sự hướng dẫn của Thầy Giác Phước, các Phật tử đủ mọi lứa tuổi quy tụ về đây gia nhập GĐPT Chánh Thiện, vừa tu học vừa làm công tác Phật sự , tạo nên hình ảnh một ngôi chùa trẻ trung, một Đạo Phật năng động nhập thế qua hình ảnh sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử Chánh Thiện.

Đầu năm 1982, Phật Giáo Kiên Giang họp đại hội toàn tỉnh lần đầu, thành lập Tỉnh Hội Phật Giáo Kiên Giang, một trong những Tỉnh hội đầu tiên trong cả nước sau khi Giáo hội Phật Giáo Việt Nam ra đời vào tháng 11/1981 tại Hà Nội . Thượng tọa Thích Giác Phước được cử vào chức vụ Chánh Đại diện Phật Giáo Thị xã Rạch Giá suốt hai nhiệm kỳ (1982-1988). Vào nhiệm kỳ thứ III (1990), Ngài được suy cử vào chức vụ Phó trưởng ban Ban Trị Sự Tỉnh Hội kiêm Trưởng Ban Hướng Dẫn Nam Nữ Cư Sĩ Phật Tử.

Đầu năm 1995, Ngài được Giáo hội đề cử vào chức vụ Phó trưởng ban Thường trực Ban Trị Sự Tỉnh Hội PG Kiên Giang, thay thế Hòa Thượng Thích Bổn Châu lâm trọng bệnh. Ngài ở chức vụ này cho đến năm 2006, tức năm Ngài viên tịch.

Trải qua 24 năm trong hàng lãnh đạo Phật Giáo Kiên Giang, dù ở cương vị nào, Cố HT Thích Giác Phước luôn là cây cao bóng cả cho đoàn viên Gia Đình Phật Tử Kiên Giang nương tựa. Nhất là trong những năm Ngài kiêm giữ chức Trưởng Ban Hướng Dẫn Nam Nữ Cư Sĩ Phật Tử (1990-1993), Ngài đã góp phần đặt nền móng vững chắc cho ngôi nhà Lam Kiên Giang để có được như ngày hôm nay.

Trong thời gian này, đơn vị GĐPT Phật Quang, dưới sự chỉ đạo của Ngài, đã sinh hoạt vố cùng sinh động, phong phú, thổi lên một làn gió tươi mát trong phong trào tu học của thanh thiếu đồng niên tỉnh nhà mới được nhen nhóm trở lại sau nhiều năm lắng đọng. Lúc bấy giờ, GĐPT Phật Quang nổi bật với hoạt động biểu diễn văn nghệ khắp các chùa trong tỉnh. Vào mùa hè năm 1991, các anh chị em Phật Quang đã có một đêm văn nghệ tưng bừng tại hội trường chùa Minh Đức (chùa Người Hoa) tại thị xã Rạch Giá, thu hút hàng ngàn khán giả với mục đích quyên tiền cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt miền Trung. Đêm văn nghệ từ thiện đã thành công ngoài mong đợi.

Có một điều đáng nói lên để tán thán công hạnh của HT Thích Giác Phước, đó là việc Ngài can đảm nhận chức Trưởng ban Hướng dẫn Nam Nữ Cư sĩ Phật tử vào thời điểm năm 1990. Vì ai cũng biết vào thời điểm đấy, đất nước mới bước vào giai đoạn đổi mới, mọi Phật sự đều rất hạn chế, nhất là sinh hoạt tu học của giới Phật tử tại gia, trong đó có thanh thiếu đồng niên ít được Giáo hội cho phép. Ngành Hướng dẫn Phật tử trong giai đoạn đấy hết sức khó khăn, không mấy Thầy chịu đứng ra nhận lãnh. Vì vậy, việc Ngài kiêm nhiệm chức vụ đầu ngành HDPT là cả một sự dũng cảm hiếm có. Nhờ đức độ và hồng phúc của Ngài mà Gia Đình Phật Tử Kiên Giang lần lượt vượt qua biết bao ghềnh thác hiểm nguy để dần dần đưa sinh hoạt tu học của giới trẻ đi vào nề nếp.

Cố Hòa Thượng Thích Giác Phước là vị cao tăng tiêu biểu cho hạnh Từ Bi. Trong trách vụ đứng đầu hệ phái Bắc tông Tỉnh hội Phật Giáo Kiên Giang, Ngài thường phải giải quyết nhiều vụ việc gai góc khó khăn, nhưng Ngài luôn giữ được tính cách điềm đạm từ tốn của người lãnh đạo. Nhờ đó mà việc đang khó bỗng hóa ra dễ. Việc nào, Ngài cũng giải quyết có tình có lý khiến ai nấy đều cảm phục tuân theo. Đối với kẻ có lỗi, Ngài ít khi dùng hình thức trừng phạt, mà thường khuyên giải và bao dung khiến cho người có lỗi tự tâm quy sám. Vì vậy, suốt những năm Ngài ngồi ghế Phó trưởng ban Thường trực , tình hình Phật sự ở Kiên Giang luôn được thông suốt, lòng người an ổn , ít kẻ vi phạm và chống đối.

Đối với anh chị em Áo Lam, Hòa Thượng luôn xem như là em cháu trong nhà. Anh chị em mỗi khi có việc cần gặp, thường được Ngài tiếp đón vui vẻ nồng hậu như người cha người anh thân thương. Không bao giờ Ngài tỏ vẻ uy quyền, quan liêu. Thật khó kiếm ai như Ngài! Hòa Thượng còn có tác phong bình dị, dễ gần. Người ta thường bắt gặp hình ảnh các em Oanh Vũ Gia đình xúm xít ngồi quanh Ngài nghe Ngài kể chuyện đạo, thỉnh thoảng Ngài cũng hát theo các cháu những bài hát vui GĐPT.

Tuy từ bi, bình dị, nhưng trong Ngài hàm chứa một tinh thần dũng mãnh không ai bằng. Trong nhiều nhiệm kỳ Ngài làm Phó ban Thường trực phụ trách Phật Giáo Bắc tông Kiên Giang, Ngài đã dấn thân ra sức phục hồi nhiều ngôi danh lam cổ sát trong tỉnh, điển hình như chùa Phổ Quang (thị trấn Kiên Lương), chùa Tam Bảo Kỳ Viên (Hòn Quéo-Hòn Đất). Nếu không có một nghị lực phi thường, chắc gì việc phục hồi những ngôi chùa điêu tàn sau chiến tranh được thành tựu ? Phật tử thị trấn Kiên Lương và Hòn Đất mãi mãi ghi nhớ công đức của Ngài .

Đầu năm 2005, Ngài lâm bệnh nặng. Tuy thân mang trọng bệnh nhưng Ngài vẫn kiên gan chống chọi với bệnh tật và tiếp tục lèo lái con thuyền Giáo Hội cho đến tận giờ phút cuối đời. Ngày 01 tháng 9 năm 2006 (nhằm ngày mùng 9 tháng bảy năm Bính Tuất), Hòa Thượng thu thần thị tịch, để lại bao niềm kính tiếc cho tăng ni và Phật tử, trong đó có anh chị em Gia Đình Phật Tử Kiên Giang.

Hôm nay, tuy Ngài đã theo định luật bô thường mà ra đi, nhưng hính bóng và tình cảm Ngài vẫn còn mãi trong tim của bao đoàn viên Gia Đình Phật Tử Kiên Giang.

MINH KIM

Cẩn bút

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.