Chuyện Tiền Thân Kỳ 30 – Tiền Thân Losaka (tt)

KỲ 30: TIỀN THÂN LOSAKA (tiếp theo)
Quả báo cho kẻ hẹp hòi, đố kỵ

 
           Sáng hôm sau, trưởng lão trụ trì đánh nhẹ vào cái chuông và dùng móng tay gõ nhẹ lên cửa phòng của vị khách rồi đi thẳng đến nhà vị điền chủ, nói : tôi đã đánh chuông và gõ cửa nhiều lần mà vị khách của ông vẫn chưa thức dậy. Chắc hôm qua ăn uống no say nên tới giờ vẫn còn mê ngủ!
            Vị trưởng lão khách sau khi xả thiền vào buổi sáng, chuẩn bị y bát, bay lên hư không và đi khất thực ở một nơi khác. Trong khi đó, người điền chủ cúng dường thức ăn đầy đủ cho vị trưởng lão trụ trì. Trước khi vị ấy trở về tinh xá, người điền chủ để thức ăn đầy bát và nói : Thưa tôn giả, trưởng lão ấy đi đường xa còn mệt, hãy đem đồ ăn này về cho vị ấy.
            Tỷ kheo trụ trì nhận bát và suy nghĩ : Nếu ta đem thức ăn ngon này về cho nó thì có nắm cổ đuổi nó cũng không đi. Vậy ta nên bỏ thức ăn này chỗ nào không ai biết được. Lúc ấy có một đám ruộng đang bị đốt, vị ấy trút hết thức ăn vào đám lửa rồi đi về tinh xá. Về đến nơi không thấy vị khách, ông ta suy nghĩ : Chắc vị tỷ kheo ấy đã đoạn tận các lậu hoặc, biết được ý định của ta nên bỏ đi rồi.Ôi, ta đã làm một việc không thích đáng. Do sầu ưu về việc làm không tốt của mình, tỷ kheo trụ trì phát bệnh một thời gian rồi mệnh vong, sanh vào địa ngục. Trong nhiều trăm ngàn kiếp, nó bị nấu ở địa ngục, sau đó sanh làm Dạ Xoa trong 500 năm chịu đói liên tục; Tiếp đó bị sanh làm chó hoang trong 500 năm thường bị đánh đuổi và bỏ đói. Từ thai tạng chó mạng chung, nó sanh vào một gia đình nghèo đói trong một làng ở nước Kasi với tên Mittavindaka. Từ khi sanh nó ra, gia đình ấy trở nên nghèo khổ cùng cực. Cha mẹ nó không thể chịu khổ, đánh đuổi nó đi. Nó đi lang thang đến Ba La Nại.
            Lúc bấy giờ, Bồ tát được sanh làm vị giáo sư nổi tiếng khắp các phương và đang dạy nghề cho 500 thanh niên. Lúc ấy, dân ở Ba la nại thường cho tiền những người nghèo đói và cho chúng học nghề. Mittavindaka học nghề miễn phí với Bồ tát. Nhưng tánh nó độc ác khó dạy, hay đánh bậy, hay đi lang thang. Được Bồ tát khuyên dạy nó vẫn không nghe theo, Vì có nó, tiền dạy của Bồ tát trở nên ít ỏi. Nó gây lộn với các thanh niên, không nghe lời khuyên, trốn đi lang thang đây đó, đến một làng biên địa làm thuê sinh sống.. Tại đấy nó sống với một người đàn bà nghèo khổ và sinh được hai đứa con. Người trong làng thuê nó dạy cho họ biết thế nào là thiện, thế nào là ác và cho nó một cái chòi để sống ở cửa làng. Do Mittavindaka, dân chúng ở làng  biên địa ấy bị vua xử phạt bảy lần, nhà của họ bị cháy bảy lần, hồ chứa nước bị cạn bảy lần. Họ suy nghĩ : trước khi Mittavindaka đến đây, chúng ta không có như vậy. Từ khi nó đến, chúng ta bị tổn hại.
            Thế là họ đánh đuổi nó đi. Nó đem con ra đi đến một chỗ khác, vào một khu rừng do phi nhân ngự trị. Tại đấy, các phi nhân giết và ăn vợ con nó. Nó chạy trốn khỏi chỗ ấy, đi lang thang chỗ này chỗ kia, đến một bến tàu tên là Gambhira, đúng vào ngày một chiếc tàu mới được hạ thủy, nó trở thành người làm thuê trên tàu. Khi chiếc tàu đi trên biển được bảy ngày, đến ngày thứ bảy chiếc tàu đứng lại như bị mắc cạn. Chúng rút thăm xem ai là con số đen bất hạnh. Bảy lần thẻ rơi vào Mittavindaka. Chúng cho nó một cái bè tre, bắt tay nó quăng xuống biển, rồi tàu bỏ đi. Mittavindaka leo lên bè tre trôi trên mặt biển.
           Do quả báo giữ giới trong thời đức Phật Ca Diếp, khiến bè tre tấp vào một lâu đài bằng pha lê , nó gặp được bốn tiên nữ. Với chúng, nó sống hạnh phúc trong bảy ngày. Sau bảy ngày, chúng ra đi, dặn nó ở lại chờ đến khi chúng về. Chúng đi rồi, Mittavindaka lại xuống bè tre  đi đến chỗ khác, và gặp tám tiên nữ trong một lâu đài bằng ngọc . Từ đấy, nó đi nữa và gặp ba mươi hai tiên nữ trong mười sáu lâu đài bằng vàng. Không nói gì với chúng, nó lại bỏ đi và thấy một thành Dạ Xoa ở giữa hòn đảo. Tại đây, có một nữ Dạ Xoa sống dưới hình thức con dê. Mittavindaka không biết nó là nữ Dạ Xoa, nắm lấy chân con dê ấy để ăn thịt. Con Dạ Xoa nữ ấy, với uy lực của mình, nhấc bổng nó lên và quăng nó. Nó bị quăng ngang qua biển, rơi xuống một bụi gai tại một cái hào khô nước..
           Lúc bấy giờ, tại cái hào ấy, bọn trộm thường đến giết dê của vua. Các người chăn dê đang núp để rình bắt bọn trộm. Mittavindaka , sau khi bị lăn tròn trên đất, đứng dậy trông thấy đàn dê liền nghĩ : Ta bắt chân một con dê trên hòn đảo bị nó quăng rơi tại đây. Nếu nay ta lại bắt chân một con dê thời nó sẽ quăng ta đến chỗ các tiên nữ ở trong lâu đài.
            Khi tác ý bất chánh như vậy, nó liền nắm chân một con dê. Con dê bị bắt liền kêu lên. Các người chăn dê từ nhiều chỗ núp chạy đến bắt nó và nói: Đây là đứa ăn trộm đã bắt dê của nhà vua từ trước đến nay. Chúng đánh nó, trói nó và dẫn nó đến trước mặt vua. Lúc bấy giờ, Bồ tát, với 500 thanh niên đoanh vây, ra khỏi thành để đi tắm. Thấy Mittavindaka, nhận ra nó, Bồ tát nói với các người chăn dê: Này các bạn, đây là đệ tử của tôi, sao lại bắt nó? Các người ấy nói : Thưa Tôn giả, đây là tên ăn trộm dê, nó bắt một con dê nên chúng tôi bắt nó
            -Hãy giao nó cho tôi để làm nô lệ. Nó sẽ dựa vào tôi để sống
            Các người chăn dê giao Mittavindaka cho Bồ tát. Bồ tát hỏi nó: Này Mittavindaka, từ trước tới nay ngươi sống ở đâu? Nó kể lại tất cả sự việc đã xảy ra với nó. Bồ tát nói :Vì không nghe lời những người muốn nó hạnh phúc nên phải chịu khổ như vậy.
            Nói xong, Bồ tát nói lên bài kệ này :

Với người muốn mình tốt
Với người thương tưởng mình
Cứng đầu không theo lời
Sẽ gặp điều sầu muộn
Chẳng khác Mittaka
Nắm chặt chân con dê
★★★

           Bậc Đạo sư nói : Này các rỷ kheo, chính Losaka này tự làm mình được ít đồ cúng dường và được thánh pháp.Sau khi nói pháp thoại này xong, bậc Đạo sư kết hợp hai câu chuyện và nhận diện tiền thân như sau :
            -Lúc bấy giờ Mittavindaka là trưởng lão Losakatissa
            -Vị giáo sư nổi tiếng chính là Ta vậy.
 
CHÚ THÍCH :
            –Thức ăn phi thời : Theo giới luật, các tỷ kheo chỉ được ăn mỗi ngày một bữa vào lúc trước khi mặt trời đứng bóng. Sau giờ đó, ai ăn sẽ bị phạm giới. Tuy nhiên, đức Phật cũng cho phép tỷ kheo ăn phi thời (tức ăn sau lúc mặt trời đứng bóng) vì một lý do chánh đáng nào đó. Thức ăn phi thời là những loại bánh ngọt, hay cháo sữa… (tức thức ăn nhẹ)
            –Vô dư y niết bàn : cũng gọi là Vô Dư Niết Bàn, tức niết bàn rốt ráo, không còn nghiệp báo , khổ quả chi nữa. Khi đức Phật hay các bậc A La Hán đắc quả rồi nhưng còn trụ lại thế gian thì gọi là nhập Hữu Dư Niết bàn, nghĩa là tuy đã có niết bàn nhưng vẫn còn phải trả quả báo từ các đời trước còn sót lại. Đến khi trút bỏ xác thân đi vào Niết bàn vĩnh viễn thì gọi là nhập Vô dư Niết bàn. Thí dụ, trong Kinh thường nói : Đức Phật Thích Ca nhập Vô dư niết bàn tại rừng Sa-la song thọ.
            –Phật Ca Diếp : vị Phật ra đời trong thời quá khứ trước đức Phật Thích Ca
 
Ý NGHĨA CÂU CHUYỆN :
            Qua câu chuyện này, đức Phật chỉ cho chúng ta thấy quả báo khủng khiếp của lòng ganh ghét đố kỵ.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.