Chuyện Tiền Thân Kỳ 17 – Tiền Thân Nandivisāla

            Nói xong, bậc Đạo Sư kể lại câu chuyện quá khứ :
•••
            Trong thời quá khứ, tại nước Gandhara, vua Gandhara trị vì ở Takkasila và Bồ tát sinh ra làm con bò, được đặt tên là Nandivisala. Một bà la môn đi đến những người thường hay cúng dường bố thí bò, xin được con Nandivisala khi còn là con nghé. Người bà la môn đối xử với nó như con ruột, thương mến cho nó ăn ròng cơm cháo và nuôi dưỡng nó rất chu đáo. Bồ tát, khi lớn lên, suy nghĩ: Ta được người bà la môn này nuôi dưỡng khó nhọc. Trong toàn cõi Diêm Phù Đề, không có một con bò nào khác có thể mang nặng như ta. Vậy, ta hãy biểu lộ sức mạnh của ta và cho người bà la môn tiền nuôi dưỡng.
            Một hôm, Bồ tát nói với bà la môn: Này bà la môn, hãy đi đến một triệu phú giàu về đàn bò và nói rằng: con bò của tôi, cột chặt vào một trăm cỗ xe có thể kéo được và đánh cá với người ấy một ngàn đồng tiền vàng. Bà la môn đi đến triệu phú và gợi lên câu chuyện : Trong thành này, con bò của ai có được sức mạnh?Người triệu phú trả lời: chính nhà này, nhà của ta! Và còn nói tiếp: trong toàn thành này, không một ai có con bò giống như bò của chúng tôi.
            Người bà la môn nói : một con bò của tôi có thể kéo một trăm cỗ xe cột chặt lại . Người gia chủ triệu phú hỏi: con bò như vậy ở đâu?Người bà la môn trả lời: ở nhà tôi! – Vậy chúng ta hãy đánh cá đi! – Tôi bằng lòng. Và người bà la môn đánh cá một ngàn đồng tiền vàng. Rồi bà la môn chất đầy một trăm cỗ xe với cát, sạn và đá, đặt chúng nối tiếp nhau, cột tất cả làm một.
            Rồi người ấy tắm cho Nandivisala, cho nó ăn năm đấu gạo thơm, trang sức vòng hoa vào cổ, cột nó vào cỗ xe đầu. Người bà la môn tự mình ngồi lên xe, đưa cao gậy thúc bò và nói: Hi hi, đi, đồ ranh con! Hãy kéo, đồ ranh con! Bồ tát nghĩ: ta không phải ranh con, nhưng người này gọi ta với danh từ ranh con! Và Bồ tát đứng thẳng bốn chân như bốn cột trụ, không hề di động. Ngay lúc ấy, người triệu phú bắt người bà la môn đem lại một ngàn đồng tiền vàng.
            Bà la môn bị thua một ngàn đồng, mở con bò ra, trở về nhà nằm với tâm tư sầu muộn. Bồ tát thấy vậy, hỏi : này bà la môn, phải chăng ông đang ngủ? – Làm sao ta có thể ngủ khi ta vừa thua mất một ngàn đồng!
– Này bà la môn, trong suốt thời gian ta sống ở nhà ngươi, có bao giờ ta làm bể chén bát gì, hay chà đạp một ai, hay đi đại tiểu tiện không phải chỗ?
            -Này bò thân, không bao giờ có
            -Vậy sao ngươi gọi ta là đồ ranh con? Đây là lỗi của ngươi, không phải lỗi của ta. Hãy đi và cá với người kia hai ngàn đồng. Nhưng ta không phải ranh con, không được gọi ta là đồ ranh con!
            Bà la môn nghe lời Bồ tát, đi đến nhà người triệu phú cá cược hai ngàn đồng. Rồi bà la môn cũng tắm cho bò và cho bò ăn như lần trước. Xong, người ấy cột một trăm cỗ xe chất đầy cát, đá, sạn, rồi thắng bò Nandivisala vào cỗ xe đầu với kỹ thuật điêu luyện. Rồi, người bà la môn ngồi lên càng xe, vừa xoa lưng con Nandivisala, vừa nói: Hi hi, chú vật hiền thiện! hãy kéo, con vật hiền thiện! Bồ tát, với sức mạnh vô địch, bắt đầu ra sức kéo, làm cho cỗ xe đi đầu di chuyển, rồi cỗ xe thứ hai…cho tới cỗ xe cuối cùng từ từ chuyển bánh.
            Người triệu phú thua cuộc, trả hai ngàn đồng cho bà la môn. Những người khác đứng xem đều hứng khởi trước sức mạnh của Bồ tát nên thưởng nhiều tiền cho bò Nandivisala, tất cả số tiền ấy đều thuộc về bà la môn chủ bò.
•••
            Bậc Đạo Sư, sau khi kể xong câu chuyện, khiển trách nhóm Sáu Tỷ kheo: Này các tỷ kheo, lời nói độc ác không làm ai vừa ý!
            Rồi bậc Đạo Sư nói lên bài kệ :
Chỉ nói lời từ hòa
Không từ hòa không nói
Ai nói lời từ hòa
Kéo đi được gánh nặng
Khiến nó được tài sản
Do vậy nó ưa thích
            Bậc Đạo Sư nhận diện tiền thân như sau :
            -Lúc ấy, người bà la môn là A Nan
            -Còn bò Nandivisala chính là Ta.
 
CHÚ THÍCH :
            –Lục Quần Tỳ Kheo : hồi Đức Phật còn tại thế, có một nhóm sáu tỳ kheo hay tranh cãi với mọi người gọi là Lục Quần Tỳ Kheo, sau này có thể số lượng có thể gia tăng, nhưng tăng chúng vẫn gọi họ là lục quần tỳ kheo
 
Ý NGHĨA CÂU CHUYỆN :
            Thế Tôn dạy ta cần nên nói lời hòa ái và tránh lời nhục mạ, châm biếm người khác
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.