Chương 5: Các Phương Pháp Giáo Dục Gia Đình Phật Tử

CHƯƠNG 5
CÁC PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

5.1. KHÁI QUÁT

GĐPT áp dụng các pháp môn tu học của Phật giáo vào giáo dục là chính. Đồng thời kết hợp với giáo dục hiện nay trong thế gian để xây dựng nội dung phương pháp giáo dục. Sự kết hợp đó làm cho phương pháp giáo dục GĐPT thêm phong phú, nâng cao hiệu quả học tập, thích ứng với mục đích đào luyện thế hệ tuổi trẻ trong hiện cảnh xã hội ngày nay. Phương pháp giáo dục GĐPT dù với hình thức, thể cách nào cũng dựa trên tinh thần nguyên lý huân tập, theo đường hướng Giới Định Tuệ, trên nền tảng Bát Chánh Đạo. Phương pháp Giáo dục rất nhiều, nhưng dựa theo các hình thức, thể cách của phương pháp, GĐPT phân ra bốn phương pháp chính: phương pháp huân tập, phương pháp hoạt động, phương pháp lý giải và phương pháp quán niệm.

5.2. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

5.2.1. Phương pháp  huân tập

Như đã trình bày trong phần “ Giáo lý Duy thức với nguyên lý giáo dục ” huân tập là một nguyên lý giáo dục Phật giáo. Nói cách khác Giáo dục Phật giáo là Giáo dục Huân tập. GĐPT chọn huân tập là phương pháp giáo dục chính, cũng là một nguyên lý giáo dục để định hướng cho các hoạt động, các phương thức, phương pháp giáo dục trong GĐPT. Hành tướng của nó thể hiện trong hình thái sử dụng phương pháp mang tính huân tập cao. Khi ta áp dụng một hình thức sinh hoạt, hướng dẫn giảng dạy mang tính huân tập cao đem đến hiệu quả giáo dục cao thì đó là phương pháp huân tập. Thí dụ:
 
– Khi ta tạo môi trường, hoàn cảnh thích hợp như đi họp trại, du ngoạn đề làm phấn khởi tinh thần, luyện được những tập tính tốt, ta đã áp dụng phương pháp huân tập theo hình thái của phương pháp hoạt động.
 
– Khi giảng dạy ta hướng dẫn người học biết tập trung ý chí, chủ động học hỏi bằng tự nghiên cứu ,nhận xét, suy luận mà chấp nhận và giác ngộ được điều chính đáng tốt lành. Khi người học chủ động học hỏi, khả năng huân tập vào A lại gia thức càng mạnh, giúp người học phát triển các chủng tử thiện tốt. Hướng dẩn học tập như thế là ta đã ứng dụng phương pháp huân tập bằng hình thức của phương pháp lý giải.
 
– Khi ta tập cho người học thường xuyên niệm Phật, biết quán xét nội tâm để kiểm điểm lại ý nghĩ việc làm, hướng dẫn trẻ thực hành chánh niệm trong mọi sinh hoạt của đời sống, ta đã áp dụng phương pháp huân tập qua hình thái của phương pháp quán niệm.
 
Nói tóm lại, phương pháp huân tập cũng là nguyên lý (principle) giáo dục thì bao trùm, chi phối lên mọi phương thức, phương pháp. Nói cách khác phương pháp huân tập là phương pháp chủ đạo, phương pháp của các phương pháp.
 

5.2.2. Các phương pháp lý giải, phương pháp hoạt động, phương pháp quán niệm.

5.2.2.1. Ý nghĩa

Trong GĐPT áp dụng các phương pháp theo tinh thần chủ đạo của nguyên lý (hay phương pháp) huân tập, định hướng Giới Định Tuệ, nền tảng giáo dục Bát Chánh Đạo các phương pháp trên là:
 
Phương pháp lý giải gồm các thể cách huân tập truyền đạt kiến thức, tư tưởng trên tinh thần Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Tinh Tấn.
 
Phương pháp hoạt động gồm các thể cách huân tập bằng các hoạt động, thực hành trên tinh thần Chánh mạng, Chánh nghiệp, Chánh ngữ.
 
Phương pháp Quán niệm gồm những thể thức huân tập bằng niệm tưởng theo Chánh định, Chánh niệm.
 
Nói chung là vậy, nhưng mỗi phương pháp còn tùy theo trường hợp, tình thế mà áp dụng các điều Bát Chánh Đạo như: Hướng dẫn tu học theo phương pháp lý giải cũng cần Chánh Định, Chánh Niệm. Hành động việc làm theo phương pháp hoạt động cũng cần Chánh kiến, Chánh tư duy.
 
Trong GĐPT áp dụng các phương pháp giáo dục ấy, không còn tính cách riêng biệt. Chúng có mối liên hệ hữu quan với nhau: Lý giải cần hoạt động, hoạt động cũng là một cách lý giải, lý giải nhờ Quán niệm, Quán niệm có khi cần đến hoạt động.
 
Trong một bài học ta có thể áp dụng các thể thức của 3 phương pháp giáo dục. Tùy theo mức độ đẳng cấp của sự áp dụng, tùy theo môn học, trình độ và tâm sinh lý trẻ.
 

5.2.3.Cách áp dụng các phương pháp lý giải, hoạt động và quán niệm.

5.2.3.1. Phương pháp lý giải.

Theo tinh thần nguyên lý huân tập, lý giải là phương pháp vận dụng lý trí giúp con người huân tập vào tâm thức những hạt giống về tri thức, tình cảm tốt lành chân thật. Có nhiều cách lý giải như:
 
Lý giải bằng Nhân minh pháp
 
Áp dụng vào giảng dạy các bài học của môn Phật Pháp, hoặc các bài học của các môn học khác cần đến sự luận giải làm sáng tỏ vấn đề cho người học hiểu đúng và chính xác, tin tưởng và chấp nhận đó là sự thật, là chân lý. Áp dụng Nhân minh pháp để giảng dạy các bài học này hiệu quả hơn các phương pháp giáo huấn của thế học.
 
Nhân minh pháp cũng có thể áp dụng dạy bài học cho trẻ nhỏ lý tính chưa phát triển bằng chuyển đổi hình thái, vận dụng trực giác của trẻ.
 
Thí dụ: Bài học về bổn phận đối với ông bà (trong chương trình môn HĐTN – Xã hội các bậc cánh mềm và tung bay). Nêu vấn đề:
 
Chúng ta kính trọng và yêu mến ông bà như đối với cha mẹ (tôn). Vì lẽ, ông bà sinh ra và nuôi dạy cha mẹ chúng ta, có ông bà mới có cha mẹ (nhân).
 
Hai phần này có thể lồng vào một cảnh, một câu chuyện kể để các em dễ trực nhận và dễ hiểu hơn dùng lời lẽ trình bày giải thích.
 
Dẫn chứng: Em A có ông bà, em B cũng có ông bà,… Ai cũng có ông bà (đồng dụ). Ngược lại, không có ông bà thì không có cha mẹ và không có ta (dị dụ). Phàm ai sinh ra có cha mẹ thì phải có ông bà, nên đối với ông bà ta phải kính trọng và yêu mến như đối với cha mẹ. Phần này dùng phương pháp phát vấn (hỏi, gợi ý để trả lời).
 
Phần dụ trên có tính cách quy nạp để đi đến kết luận. Ta có thể áp dụng suy diễn mở rộng phần dụ để ứng dụng vào thực tế:
 
– Thương yêu, vâng lời, giúp đỡ ông bà.
 
– Thay cha mẹ chăm sóc ông bà khi già yếu đau ốm.
– Thờ phụng ông bà khi khuất núi.
 
Lý giải kết hợp với phương pháp hoạt động
 
Thực hiện phương pháp lý giải đối với tuổi trẻ cần đến sự hỗ tương của phương pháp hoạt động để tạo sự hứng khởi ham học và thực hành được chu đáo thành thục. Chẳng hạn như: Thay vì giảng giải bằng lời, người phụ trách sắp đặt công việc, chỉ bảo học viên làm. Nhờ các hoạt động đem lại kết quả của mỗi việc làm mà học viên hiểu bài kỹ, tường tận hơn..
 
Lý giải với Quán niệm
 
Ta đã biết có Định mới phát Huệ, trong khi giảng dạy trẻ học về Phật Pháp, Tinh thần hay Đạo đức ta kết hợp với các thể thức của phương pháp Quán niệm để tạo sự an tĩnh cho trẻ, không bị ngoại giới chi phối, giúp trẻ tập trung tâm ý vào học tập. Sau đó, hướng dẫn trẻ thực hành Chánh niệm để giúp trẻ thâm nhập vào tâm thức những gì đã học và thể hiện trong đời sống về tư tưởng, hành động,…
 
Lý giải kết hợp với phương pháp trực giác (Giảng dạy trẻ Ngành Đồng)
 
Trẻ ở tuổi đồng niên lý tính chưa phát triển, nên khi giảng giải theo các phương pháp lý giải, ta vận dụng phương pháp trực giác (xem bài phương pháp trực giác). Theo cách này ta chuyển đổi hình thái của phương pháp giáo huấn (suy diễn và quy nạp) bằng các hoạt động dựa vào các cảm quan tự nhiên của trẻ như:
 
Dạy về một đề tài để truyền đạt kiến thức, đạo lý cho các em, người dạy đặt trẻ trước một sự việc để quan sát, một tình huống hay một câu chuyện để các em trực nhận. Nhờ các cảm quan trực giác các em biết những gì đúng sai, hay dỡ, nên làm hay nên tránh. Từ những nhận biết đó mà người phụ trách tổng hợp, gợi ý các em tìm ra những điều cần ghi nhớ và hướng dẫn cách thực hành.
 
Lý giải theo các phương pháp giáo huấn
 
Khi truyền đạt cho người học những tri thức có sẵn không cần phải biện luận nhiều, ta có thể áp dụng các phương pháp giáo huấn (suy diễn, quy nạp) để khỏi mất thì giờ. Nhưng trong khi giảng bài không nên nói một mình, mà phải vận dụng phương pháp hoạt động dưới những hình thức như vấn đáp, đàm thoại, kể chuyện,…

5.2.4. Phương pháp hoạt động

5.2.4.1. Ý nghĩa

Phương pháp hoạt động là hình thái khác của phương pháp giáo huấn (suy diễn, quy nạp) cho phù hợp với khoa tâm lý, giáo dục trẻ như đã trình bày trong bài trước. GĐPT vận dụng phương pháp này như một lợi khí thực hiện giáo dục theo các nguyên lý giáo dục của tổ chức. Mục đích của phương pháp hoạt động trong GĐPT nhằm làm nổi bật sự phát triển các vô lậu chủng tử của trẻ về tư tưởng và tính tình, kích thích ý lực mong ước hiểu biết càng ngày càng nhiều, càng hay hơn về cuộc sống Đời và Đạo. Từ những hoạt động đã được chọn lựa (dựa trên tinh thần các nguyên lý giáo dục Phật giáo, trên tinh thần giáo lý Bát Chánh Đạo) trẻ thâm nhập hiểu biết thực tại, thu thập kiến thức và mở mang trí tuệ. Đồng thời, trẻ cũng được rèn luyện những tập quán, đức tính tốt trong việc tu học, trong cuộc sống sinh hoạt đoàn thể, gia đình và xã hội.
 
Phương pháp hoạt động trong GĐPT cũng dựa vào khoa tâm lý trẻ, nhưng không hoàn toàn để trẻ tự do hoạt động theo sở thích. Chúng ta áp dụng phương pháp này để mở lối hướng dẫn theo một chiều thuận lợi với tâm lý trẻ, đồng thời uốn nắn chúng để đạt mục đích đào luyện của GĐPT.

5.2.4.2. Hình thái của phương pháp hoạt động

Hình thái của phương pháp hoạt động rất đa dạng, luôn luôn thay đổi tùy theo đẳng cấp của sự áp dụng, mức độ thể hiện tùy theo trình độ trẻ, tâm lý ngành, môn học và còn tùy điều kiện về phương tiện hoàn cảnh,…
 
Ngoài các thể thức của phương pháp hoạt động đang áp dụng trong GĐPT, chúng ta cần nghiên cứu thêm các loại hình của phương pháp này đang áp dụng ở các học đường, các đoàn thể giáo dục tuổi trẻ khác và với kinh nghiệm sáng kiến để có nhiều thể thức thích ứng giáo dục trong GĐPT. Tôi xin nêu ra một số thể thức như sau:

5.2.4.3. Các thể thức áp dụng trong việc giảng dạy bài học

Theo nguyên lý huân tập, chúng ta nhận thấy rằng việc tiếp thu kiến thức rèn luyện kỹ năng, nếu người học càng tích cực tham gia hoạt động tìm hiểu, thực nghiệm thì huân tập càng cao. Để giúp trẻ chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng bền vững thuần thục nên áp dụng các thể thức:
 
* Trực quan: Cách vận dụng trực giác.
 
– Trực giác hiểu theo giáo lý duy thức, đó là hiện hành của chủng tử (kinh nghiệm, tri thức, tình cảm,…) chất chứa trong A lại gia thức bộc phát một cách tự nhiên để hiểu sự vật chỉ qua trung gian của lục thức (giác quan) không cần đến suy nghĩ lý luận (đã trình bày ở phần phương pháp trực giác).
 
– Vận dụng trực cảm giác trong khi giảng dạy bằng cách bắt trẻ vận dụng giác quan trong sự nghe nhìn, quan sát (vật, cảnh, tranh ảnh, chuyện kể,…). Cách này làm các em vui thích buổi học linh động. Vận dụng trực cảm giác để dạy các bài học thuộc chương trình chuyên môn như thủ công, truyền tin, cứu thương,… một số bài về văn nghệ, xã hội.
 
– Vận dụng lý trí trực giác và đạo đức trực giác rất cần thiết để dạy các môn học Phật Pháp và Tinh thần. Lý do là trẻ đã có sẵn những khái niệm về Chơn Thiện Mỹ trong tâm thức (chủng tử vô lậu), các khái niệm đó chỉ chờ cơ hội để phát triển. Khi dạy phải tạo cơ hội, điều kiện cho các em quan sát tìm hiểu sự vật, tiếp cận với thực tại. Các bài học của Oanh vũ nên soạn dưới hình thức một chuyện kể. Người dạy dùng lối vấn đáp để dẫn trẻ vận dụng khả năng trực giác mà hiểu được bài.
 
– Điều cần lưu lý khi áp dụng thể thức trực quan, người hướng dẫn, người học phải quan sát, tìm hiểu theo một trình tự hợp lý. Nếu là sự vật phải đi từ tổng quát đến các phần chính rồi đến các chi tiết, nhất là các chi tiết chủ yếu trọng tâm bài học. Nếu là sự việc thì phải theo diễn biến của các việc xảy ra, rồi sắp xếp lại theo nội dung, yêu cầu bài học.
 
Nếu người dạy không hướng dẫn cách quan sát tìm hiểu, trẻ có thể xem xét những gì theo sự tò mò, ý thích của chúng. Khi đó những điều chúng thu thập chỉ vụn vặt, vô ích không hợp với yêu cầu bài học.
 
* Vấn đáp: Khi giảng bài, ta dùng lối vấn đáp là lối trình bày bài dạy dưới hình thức hỏi và trả lời. Vấn đáp là để giúp trẻ tìm tòi một ý kiến hoặc dùng để kiểm tra bài học. Cách dạy này làm cho buổi học sinh động, trẻ có dịp suy nghĩ, quan sát sự vật để thỏa mãn sự tìm hiểu học hỏi. Cách dạy này làm cho ký ức trẻ trở nên mạnh mẽ hơn nhờ lập đi lập lại một vấn đề, một ý kiến và trẻ có dịp tự do phát biểu ý kiến để phô diễn tư tưởng, nói năng rõ ràng rành mạch. Những điều cần lưu ý khi giảng dạy bằng phát vấn:
 
– Câu hỏi: Phải rõ ràng chính xác. Theo một trật tự hợp lý. Tốc độ vừa phải. Chung cho toàn thể.
 
– Cách phát vấn: Người dạy nêu câu hỏi chung, trẻ có vài phút suy nghĩ, chỉ một em trả lời, nếu em đó không trả lời được thì gọi em khác cho đến khi trả lời được. Cần khuyến khích cho các em dạn dĩ. Nên vừa thuyết minh vừa chất vấn. Cuối cùng phát vấn để tóm lược bài và gợi ý tìm ra câu quyết định hay ghi nhớ.
 
* Nghiên cứu và đàm thoại: Đây là cách kết hợp hai phương pháp suy diễn và quy nạp theo lối trực quan và vấn đáp. “ Hành thâm thời chiếu kiến”, trẻ càng có nhiều cơ hội nghe, nhìn, tiếp cận sự vật mà tìm hiểu thì tri thức huân tập càng cao và bền vững. Lại nữa theo các nhà giáo dục, trẻ nào có khả năng nói diễn đạt tốt thì thường có triển vọng thành đạt cao về sau. Với trẻ nhỏ (oanh vũ) người dạy tùy theo nội dung ý nghĩa bài học mà nêu tình huống, kể chuyện, quan sát vật thực, xem tranh, cho câu hỏi gợi ỷ để các em tự tìm hiểu. Với người học ở tuổi thanh, thiếu người dạy nêu vấn đề, đặt câu hỏi, lời hướng dẫn, có thể giới thiệu sách, tài liệu, nơi tham quan khảo sát. Theo cách dạy này người học tự tìm học và thực nghiệm, người dạy hướng dẫn chứ không làm thay. Giảng dạy theo cách này người phụ trách nên chia trẻ thành nhiều nhóm. Có thể theo một trình tự như sau:
 
– Giới thiệu bài, hướng dẫn trẻ quan sát sự vật hoặc nghe kể một sự việc, một câu chuyện, liên quan bài học. Để tập cho đoàn sinh lớn (Ngành Thiếu và ngành Thanh và có thể cho huynh trưởng) tinh thần tự chủ học tập, có thể cung cấp tài liệu, sách hoặc giới thiệu nơi đến quan sát, nghiên cứu tìm hiểu trước.
 
– Các nhóm họp riêng bàn bạc thảo luận ghi nội dung kiến thức, dựa vào đó lập câu hỏi và trả lời, cử người thuyết minh.
 
– Họp chung, đại diện một nhóm đặt câu hỏi để các em nhóm khác trả lời (Người dạy theo dõi, có thể góp ý sửa câu hỏi cho hoàn chỉnh, bổ sung câu trả lời cho các em). Người dạy vừa hướng dẫn cuộc đàm thoại vừa tóm tắt ý chính thành bài toát yếu. Người dạy gợi ý cho các em tìm ra lời ghi nhớ hoặc quyết định và hướng dẫn các em thực hành.
 
– Cuối buổi đàm thoại nên có nhận xét buổi học, khen ngợi khích lệ nhóm, cá nhân làm việc thảo luận, học tập tốt.
 
– Các thể thức kiểm tra, củng cố, mở rộng kiến thức bài học như:
 
Câu hỏi kiểm tra, kể lại câu chuyện hoặc một câu chuyện tương tự, đọc hoặc giới thiệu bài đọc thêm, cho thực tập sau buổi học (nếu có thời gian).
 
Tùy theo bài học mà cho trò chơi, bài hát, diễn kịch, hoạt cảnh, vẽ, thủ công… để ứng dụng, thực hành bài học.
 
* Trò chơi (dạy và học bằng trò chơi)
 
Một trong những hoạt động hấp dẫn lôi cuốn trẻ đến sinh hoạt trong các tổ chức giáo dục thiếu nhi là trò chơi. Trong sinh hoạt GĐPT hoạt động nào cũng không thiếu trò chơi. Trò chơi không những bằng những hình thức để giải trí, rèn luyện tri giác mà còn là phương pháp giáo dục giúp trẻ lĩnh hội kiến thức và rèn luyện kỹ năng qua bài học bằng trò chơi, gọi là trò chơi học tập. Trò chơi học tập có hai thứ: Trò chơi chỉ để kiểm tra, củng cố, ôn tập bài và trò chơi để dạy và học.
 
Về trò chơi học tập thứ nhất, theo hướng cải tiến giáo dục, việc kiểm tra ôn tập không chỉ là sự lập lại kiến thức, kỹ năng mà phải khuyến khích sự phát huy óc sáng tạo, làm chuyển biến tính tình, hành vi của người học trước thực tiển nhờ những gì đã tiếp thu được trong quá trình tu học. Thông qua thực hiện trò chơi người học cũng như người dạy thấy trực tiếp kết quả của dạy và học để đánh giá kiến thức kỹ năng đạt được. Từ đó người dạy có kế hoạch bồi dưỡng, uốn nắn cho người học và người học cũng có ý thức cố gắng tu sửa để hoàn thiện hoạt động học tập của mình.
 
Về dạy và học bằng trò chơi là một phương pháp vừa làm giảm bớt áp lực học hành theo lối cũ, vừa cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng, giúp người học lĩnh hội tri thức mới kể cả hình thành tập quán, tính tình, thái độ người học bền vững hơn. Dạy và học bằng trò chơi trong một chừng mực nhất định góp phần thực hiện việc cải tiến phương thức sinh hoạt tu học trong GĐPT. Thông qua trò chơi trẻ trực tiếp vào các hoạt động tìm tòi, khám phá tri thức một cách tự giác, tự lực dưới sự hướng dẫn của huynh trưởng. nhờ đó tăng cường cho đoàn sinh tính tích cực, tạo hứng khởi trong học tập và khả năng vận dụng tri thức vào thực tiễn cuộc sống theo hướng đào luyện GĐPT.
 
Xây dựng trò chơi học tập:
 
– Qua nghiên cứu kỹ nội dung, mục tiêu bài học, nắm được đặc điểm tâm lý, trình độ nhận thức của đoàn sinh, huynh trưởng xác định được hình thức trò chơi, xác định được những hoạt động cần thiết để khai thác nội dung tri thức chứa đựng trong trò chơi và định hướng cho việc thiết kế trò chơi mang tính sư phạm để đáp ứng mục tiêu đã đề ra.
 
– Lập cấu trúc chung của trò chơi. Đây là kịch bản của tiến trình thực hiện bài học bằng trò chơi cho người chơi và người hướng dẫn. Từ cấu trúc nầy người phụ trách biết phải chuẩn bị phương tiện, các hoạt động cụ thể và bản hướng dẫn cách chơi, chia nhóm, phân công, đánh giá kết quả.
 
Thực hiện bài học bằng trò chơi:
 
– Giới thiệu trò chơi, phổ biến nội dung, luật trò chơi và các điều cần chú ý khi chơi.
 
– Trước khi bắt đầu chơi người hướng dẫn cần tạo ra tình huống hấp dẫn để lôi cuốn trẻ hăng hái tham gia, tạo sự thi đua theo nhóm cho các em cố gắng, biết đánh giá và tự đánh giá.
 
– Trong quá trình chơi huynh trưởng theo dõi quan sát trẻ tham gia để biết mức độ đạt được về kiến thức, kỹ năng, thái độ của các trẻ làm cơ sở cho việc nhận xét đánh giá sau.
 
– Sau cuộc chơi, huynh trưởng hướng dẫn trẻ ghi nhớ những tri thức mà trẻ chiếm lĩnh được qua các hoạt động của trò chơi, các nhóm và cá nhân tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau. Sau cùng huynh trưởng công bố kết quả từng nhóm, cá nhân và khen thưởng nhóm, cá nhân xuất sắc…
 
* Phương pháp hoạt động áp dụng trong các hoạt động, sinh hoạt trong GĐPT:
 
Ngoài việc giảng dạy bài học theo chương trình tu học, GĐPT còn có nhiều hoạt động giáo dục khác nhằm mục đích giúp đoàn sinh ôn luyện mở rộng kiến thức, thấm nhuần đức tính và vững vàng kỹ năng thực hành. Các hoạt động đó thực hiện theo các nguyên tắc:
 
– Đặt dưới hình thức sinh hoạt tập thể.
 
– Phối hợp hoạt động tinh thần, lý trí với hoạt động giác quan và chân tay.
 
* Sinh hoạt tập thể: Về phương diện sư phạm là một phương sách giáo dục rất hay ở chỗ, trong một tập thể, dưới sự hướng dẫn của người dạy, mọi công việc đều do người học phân công nhau đảm nhiệm. Mỗi người nhận công việc tùy theo trình độ năng khiếu của mình. Thay vì so sánh ganh đua cá nhân, người học chấp nhận tài năng của nhau mà cùng làm trong sự nương tựa, bày vẽ giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ chung. Phương sách này giúp các học viên trước là phát huy những đức tính tốt như tình đoàn kết tương thân tương trợ, tinh thần trách nhiệm phục vụ cho đoàn thể. Về trí lực giúp trẻ phát huy óc sáng kiến, óc tổ chức, ý chí và nghị lực để thăng tiến.
 
* Phối hợp các hoạt động: Phối hợp các hoạt động về tinh thần và thể chất để ôn luyện mở rộng nắm chắc kiến thức, thấm nhuần đức tính, vững vàng kỹ năng để sống tốt làm tốt mà hoàn thiện nhân cách và góp phần xây dựng xã hội. Các hoạt động cụ thể như: Các buổi tu tập, tiến hành chủ điểm giáo dục, tham quan, du ngoạn, cắm trại, trò chơi, thể thao thể dục, văn nghệ, triển lãm (sẽ trình bày ở chương sau).

5.2.5. Phương pháp Quán niệm

5.2.5.1. Khái quát

Tâm thức con người vô thường và vọng động. Vì vậy dòng tâm niệm luôn thay đổi biến chuyển. Hôm nay nhận ra điều đó là sự thật, ngày mai có thể là không thật với ta. Con người mặc dầu đã nhận biết sự việc đúng sai hay dỡ, nhưng do tâm thức bất tịnh, vọng động, thiếu nghị lực không chế ngự được dục vọng vì tham sân si, vẫn bị lôi cuốn vào những việc sai trái bất thiện. Phật giáo có phương pháp làm cho dòng tâm thức không biến thành những tà niệm. Đó là phương pháp quán niệm.
 
Theo định hướng giáo dục của GĐPT, phương pháp quán niệm sẽ là một phần quan trọng của Định trong tiến trình Giới Định Huệ. Phương pháp quán niệm không chỉ áp dụng cho huynh trưởng và đoàn sinh ở tuổi Thanh Thiếu mà cả Đồng niên nữa.
 
Phương pháp Quán niệm có hai cách: Quán tưởng và Thiền định.
 
– Quán tưởng là cách làm cho tư tưởng hành động luôn luôn hướng vào sự thuần nhất của Chánh niệm.
 
– Thiền định là nhất tâm quán vật, nhất cảnh tịnh niệm để tìm xét thấu đạt chơn thật tánh của sự vật.
 
Mới nghe qua định nghĩa trên, ta có cảm tưởng đây là một phép tu hành cao siêu, chỉ dành cho các vị xuất gia, cư sĩ, uyên thâm Phật pháp chuyên tâm để tu chứng. Còn lớp trẻ nhất là trẻ ở tuổi đồng ấu, hiếu động, quan năng tinh thần còn non yếu làm sao thực hiện được pháp môn này. Sự thật đây là một pháp môn có thể thực hiện được cho mọi đối tượng giáo dục, tùy theo đẳng cấp của mỗi đối tượng và mức độ của sự áp dụng phương pháp. Xét về cuộc sống tâm lý của con người kể cả con trẻ, chúng ta thấy ai cũng có tiềm năng tập trung tâm ý để hiểu biết.
 
Một em bé sơ sinh đã có khả năng về cảm quan để biết, như tự tìm bú sữa mẹ, biết khóc, cười để biểu lộ cảm xúc khó chịu hay vui mừng. Rồi em phải luôn luôn vận động thân tâm để tiếp cận thực tại mà tìm hiểu, trải qua bao cố gắng khó nhọc mà phát triển các quan năng thể chất và tinh thần để thích nghi và đáp ứng nhu cầu của đời sống. Khả năng để tập trung tâm ý (có thể gọi là sự chú ý hay sự nhất tâm) tiềm tàng trong em. Nhờ khả năng đó mà em hiểu được, làm được những gì em cần cho đời sống. Khả năng chú ý hay nhất tâm đó đồng nghĩa với Định (nói theo thuật ngữ Phật giáo) và Định làm phát Huệ. Nếu không có khả năng đó, em bé không thể phát triển để lớn lên và trưởng thành được. Khả năng để có Định và được Huệ đó chẳng phải khả năng Thiền quán là gì.
 
Xét qua hiện tượng tâm lý đó ta có thể áp dụng phương pháp Quán niệm (hay Thiền quán) trong việc giáo dục Thanh Thiếu Nhi nếu ta biết áp dụng cách “Tuần tự tiệm tiến” từng bước đi từ dễ đến khó,… khéo léo sáng tạo với những phương cách phù hợp tâm sinh lý của đối tượng giáo dục.

5.2.5.2. Giáo dục GĐPT theo phương pháp Quán niệm

* Với huynh trưởng, đoàn sinh ngành Thanh thiếu
Thực hiện phương pháp quán niệm theo chương trình tu học Phật pháp. Cần tạo điều kiện khung cảnh môi trường thuận lợi để tăng cường phần thực hành các món Định. Buổi đầu hướng dẫn lối sống về tư tưởng hành động trong Chánh niệm dần dần đi vào Thiền quán như quán hơi thở, quán tưởng rồi đến Thiền định (cần có sự giúp đỡ hướng dẫn của quí vị Tăng Ni). Sau mỗi bài học Phật pháp, cần hướng dẫn học viên thực tập sống theo Chánh niệm, tập quán tưởng…theo ý nghĩa bài học. Cần khuyến khích học viên thường xuyên tu tập theo phương pháp Quán niệm (theo chương trình tu tập tự thân). Với đoàn sinh ngành Thiếu nên áp dụng phương cách “Tuần tự tiệm tiến” đi từ thấp đến cao, từ dễ đến khó và cũng nên giản dị hóa yêu cầu, phương cách để dễ thực hiện.
 
Hành trì phương pháp Quán niệm ở đây chưa phải để chứng đạt đến cái gì khác cao cả, mục đích chủ yếu là giúp người tu học tăng cường Định lực mà tự động tự chủ học tập, nâng cao trình độ hiểu biết thâm nhập Giáo pháp để ứng dụng vào đời sống để sống tốt, sống đẹp, theo tinh thần Đạo Phật, đồng thời giúp họ phát huy ý chí, sống tỉnh thức sáng suốt trước mọi cám dỗ, làm chủ tư tưởng hành động theo hướng chơn thiện, ích lợi cho mình, cho người và cộng đồng xã hội.
 
* Với đoàn sinh nhỏ tuổi ( ngành đồng và có thể bậc học đầu của ngành thiếu)
 
Đoàn sinh ngành Đồng là những em còn nhỏ tuổi, đang thời kỳ phát triển các quan năng và rất hiếu động. Về phương diện tinh thần các em chưa phát triển đủ để có ý lực và khả năng suy tưởng. Nếu ta áp dụng phương pháp Quán niệm như đối với người lớn (như bắt các em tĩnh lặng, chú tâm vào một việc, một cảnh mà suy tưởng) là không thể được. Đối với ngành Đồng ta chỉ cho các em thực tập sinh hoạt theo Chánh niệm. Về nội dung thực hành Chánh niệm dựa vào sách “Tìm vào thực tại” của Hòa Thượng Chơn Thiện. Về phương cách, hình thức, biện pháp truyền đạt hướng dẫn thực hành sao cho phù hợp với tâm sinh lý ngành.
 
Trẻ nhỏ đều có tính tò mò, hay bắt chước và thích gì thì cũng muốn làm cho được. Trẻ thích chơi đùa, thích kể chuyện, xem tranh, thích tìm hiểu tạo vật, bắt chước để sắp xếp, vẽ nặn nên hình thể, thứ chúng ưa thích.
 
Theo Hòa Thượng Nhất Hạnh: Thiền trước hết là theo dõi quan sát, Thiền không phải chỉ làm bặt hết mọi tư tưởng và cảm giác. Ta có thể thực hiện trong tư thế ngồi, đi, đứng và làm việc. Thiền giúp ta sống và hành động vững chãi trong Chánh niệm. Những điều đó cho phép ta áp dụng phương pháp Quán niệm bằng cách vận dụng các sinh hoạt của các môn học (Phật Pháp, HĐTN, văn nghệ, xã hội) mà luyện tính khí cho trẻ giúp trẻ biết tập trung tâm ý để theo dõi, quan sát sự việc, rèn chí biết kiên nhẫn chịu đựng để tiến đến sự thành tựu mong ước. Chẳng hạn như:
 
* Hoạt động thanh niên
 
Sinh hoạt vui chơi: Những trò chơi có tính cách tập trẻ chú ý, quan sát, vượt qua chướng ngại để đạt mục tiêu.
 
Ví dụ: Dâng đèn cúng Phật.
 
Mỗi em bưng một cái dĩa có gắn cây nến đang cháy, đi qua các chướng ngại (vật cản, gió,…) đến đặt trước tượng Phật. Các em phải hết sức chú tâm vào việc vượt tránh trở ngại, che giữ ngọn lửa. Ai đến trước mà ngọn đèn không tắt là đạt thắng lợi. Tương tự như vậy ta sáng tạo ra nhiều trò chơi khác để luyện khả năng tập trung tâm trí và rèn ý chí cho trẻ.
 
Các sinh hoạt như tham quan, du ngoạn, khảo sát,… đưa vào các hoạt động có tính cách tập trung cao độ tâm ý để thực hiện mục đích yêu cầu rèn luyện, nghiên cứu học hỏi đã đề ra như:
 
Giữ gìn cho được sự yên lặng, trang nghiêm khi đi, khi đến nơi. Đặt hết tâm trí vào việc xem xét, tìm hiểu sự việc, cẩn thận ghi chép đầy đủ những gì đã được nghe thấy, những nhận thức, cảm nghĩ, suy tưởng về ứng dụng vào việc học, việc làm ở Đoàn,…
 
* Hoạt động Văn Thể Mỹ
 
Tập cho các em biết xem một bức tranh, đọc một bài văn, bài thơ, nghe một bản nhạc, nhận thức suy tưởng đến cái hay chỗ đẹp của chúng. Một điệu múa, một bài thể dục đều có tác dụng giúp các em biết giữ gìn ý tứ để làm đúng, tránh sai phạm để dẫn đến thành công.
 
* Phật Pháp, Tinh thần
Các cách thức giúp các em ghi nhớ thấm nhuần những điều đã học tập và ứng dụng vào thực hành như:
 
Mỗi ngày có thời gian niệm Phật. Mỗi ngày làm một việc tốt (Theo năm Hạnh, các điều luật). Hằng ngày ghi nhận những việc làm hành động của mình những gì tốt, những gì chưa tốt để cố gắng làm được nhiều điều tốt và giảm dần những việc làm không tốt. Huynh trưởng có phương cách để hướng dẫn các sinh hoạt này, theo dõi và khuyến khích.

5.2.5.3. Kết luận về phương pháp Quán niệm

Các sinh hoạt trên giúp trẻ phát huy khả năng tập trung tâm ý, tăng trưởng trí huệ, ý chí để đạt được ước vọng mỗi ngày một hay một tốt hơn. Nếu ta làm được điều đó, tức là ta đã dạy cho trẻ một cách tự nhiên thực tập Quán niệm (bước đầu). Những đức tính đã thành tập quán nơi trẻ, đó là cơ sở để ta dần dần hướng dẫn trẻ thực hành Chánh niệm trong việc học, việc hành và trong lối sống của trẻ.
 
Nhờ đó mà sau này ta dễ áp dụng các phương thức cao hơn của phương pháp Quán niệm (như quán hơi thở, quán tưởng,… thiền định) khi đoàn sinh ở độ tuổi có khả năng thực tập Thiền quán. 

5.3. VẬN DỤNG TINH THẦN GIÁO LÝ, CÁC PHÁP MÔN TU HỌC PHẬT GIÁO VÀO PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

Các phương pháp giáo dục thường có ưu điểm về kỹ năng truyền đạt tiếp thu kiến thức, nhưng hạn chế về mặt phát huy tâm tính, ý thức hướng thiện ứng dụng kiến thức. Để hoàn thiện phương pháp, nâng cao hiệu quả giáo dục, ta vận dụng tinh thần giáo lý, các pháp môn giáo hóa tu học Phật giáo. Thí dụ:
 
– Văn – Tư – Tu: Đây là tiến trình học đi đôi với hành. Học không gì khác mà để Hành. Áp dụng phương pháp giáo dục theo tiến trình này, người dạy không chỉ truyền đạt kiến thức kỹ năng mà phải biết cách gợi mở, đánh thức để nâng cao hiểu biết với tinh thần tôn trọng sự thật, nhận thức được Chơn giả mà vận dụng kiến thức và thực hành vào cuộc sống hướng thiện.
 
– Lý giải theo phương pháp luận Phật giáo: Áp dụng để giải quyết vấn đề. Tiến trình gồm 2 giai đoạn, 4 bước:
 
+ Phần luận giải: Đặt vấn đề, nêu sự việc rõ ràng. Suy cứu đến nguồn gốc, nguyên nhân sự việc.
 
+ Phần giải quyết: Suy cứu những gì cần giải quyết. Đề ra các phương cách giải quyết (khắc phục, phát triển nâng cao, ứng dụng vào thực tiễn).
 
– Lục Hòa: Vận dụng vào phương pháp giáo dục dưới hình thức “sinh hoạt tập thể”. Ở học đường trẻ học và hành với tinh thần thi đua. Trẻ không được dòm ngó chỉ bảo cho nhau, giúp nhau học tập. Trái lại GĐPT theo tinh thần Lục Hòa, trẻ sinh hoạt tập thể trong không khí thân ái đoàn kết (Thân hòa đồng trú). Không có thi đua giữa cá nhân để trở thành ganh đua tranh cãi nhau (Khẩu hòa vô tranh). Trẻ cùng nhau nghiên cứu học hỏi và thực hành, phân công theo khả năng và giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ học tập được giao (Ý hòa đồng duyệt, Kiến hòa đồng giải). Thành quả bài học chung là sự đóng góp của cá nhân mà mỗi cá nhân đều được hưởng (Lợi hòa đồng phân). Trẻ nương tựa nhau, giúp đỡ nhau trong việc học hành, giúp nhau giữ gìn các chuẩn mực sinh hoạt học tập theo châm ngôn và các điều luật để cùng nhau tiến bước trên đường tu học (Giới hòa đồng tu).
 
– Tứ Nhiếp Pháp: Vận dụng Tứ Nhiếp Pháp vào giáo dục, người dạy với tâm niệm đem giáo pháp Phật để giáo hóa tuổi trẻ (Pháp thí) nên phải tận tâm tận lực để dạy tốt, hướng dẫn trẻ học tốt. Lời nói của người dạy là một phương pháp giáo dục (Ái ngữ). Người dạy ngoài nét mặt tươi vui cần có lời nói, giọng nói khoan hòa, nhã nhặn và dịu dàng để thể hiện tình thương yêu trẻ. Lời nói đó đi vào lòng trẻ làm cho trẻ cảm mến người dạy. Lời nói thường đi đôi với thái độ, biểu hiện của đức tính để trẻ bắt chước và sẵn sàng vâng lời. Đây cũng là một phương pháp giáo dục bằng “Thân giáo”.
 
Người dạy soạn bài kỹ, cẩn thận, đúng ý nghĩa, đúng kiến thức, giảng giải và hướng dẫn thực hành đúng phương pháp. Người học hiểu thông suốt bài học và thực hành chu đáo (Lợi hành).
 
Dạy và học là sự hợp tác nhiệm vụ giữa người dạy và người học. Người dạy làm công việc thiết kế nội dung chương trình, cung cấp tài liệu phương tiện. Người học tự nghiên cứu tìm học và thực hành dưới sự hướng dẫn của người dạy: “Chúng ta cùng làm” (đồng sự). Giảng dạy với ý nghĩa “đồng sự” cũng là cách giáo dục mới: Thầy chủ đạo, trò chủ động. Cách hướng dẫn học tập này sinh động, học viên vui thích mà ham học ham làm.
 
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.