Chính Trị, Chính Đảng và Chánh Quyền – Sứ Mệnh Gia Đình Phật Tử

SỨ MỆNH GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

CHƯƠNG THỨ TƯ
SỨ MỆNH CỨU QUỐC, KIẾN QUỐC VÀ
HỘ PHÁP CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Phân Biệt Thực Chất Của Chính Trị, Chính Đảng Và Chính Quyền

Phật Tử tiên vàng là công dân của tổ quốc. Người Việt Nam phải yêu nước Việt Nam, phải phụng sự tổ quốc Việt Nam trước đã. Thế nhưng, từ bao nhiêu năm qua, kể từ cuộc vùng dậy của toàn dân vào mùa thu 1945 cho tới nay biết bao nhiêu người đã phải tiêu tán cuộc đời, rã tan mạng sống một cách oan uổng hoặc lăn mình vào con đường phụng sự một cách hăng say mà tút cuộc mới thấy là mình chưa bao giờ được yêu nước, cũng như đã bị đi vào con đường tủi nhục một cách vô tình mà không hay biết. Tại sao vậy? Vì tình yêu nước bắt nguồn từ tâm huyết nhưng nó không thể thiếu sự hướng dẫn của kiến thức để phân biệt rõ đâu là Chính trị, Chính quyền hay Chính đảng.

Chính trị: Công việc bàn về lý thuyết, lịch trình của chính trị xin nhường lại cho các nhà luật học. Ở đây, ta chỉ thử hỏi, câu nói đầu lưỡi của đa số Phật tử bây giờ là: "Không làm chính trị, chỉ làm tôn giáo", có đúng không? – Trước hết, nên hiểu rằng: "Sống là chính trị". Muốn sống, con người phải tính chuyện sinh tồn. Tính sự sinh tồn là xét sự tương quan giữa quyền quyền sống của mình với mọi người chung quanh. Ta không thể để cho ai tước mất quyền sống và muốn bảo vệ quyền sống của muôn loài. Nghĩ như thế là đã có ý niệm chính trị rồi đó. Xong, đem đặt con ngưòi vào vị trí xã hội, vào cộng đồng, vào cuộc sống tranh đua, ta sẽ cảm thấy cần phải có một chỗ đứng vững chãi. Chỗ đứng ấy không một ai được xâm phạm và khi bị xâm phạm ta phản kháng, ít nhất là trong thâm tâm. Như thế là đã có thái độ chính trị. Ý kiến ấy, thái độ ấy có thể xem là "Bản năng tự tồn" mà cá nhân không hề hay biết. Cho đến khi, được giáo dục, được giao tiếp với thức tế, con người bắt đầu hiểu rõ hơn về những cảnh ngang trái bất công của xã hội, rồi cố gắng tìm căn do, tìm lời giải đáp bằng cách tự suy hay vay mượn óc khôn ngoan của người đã thành công: đó là sự manh nha của ý thức chính trị. Có ý thức, con người muốn lao ngay vào việc tranh đấu để giữ gìn quyền sống của mình, của người. Người ta sẽ cảm thấy lẻ loi và thất bại nếu không liên kết với những người cùng chí hướng. Chính ở cái ý thức tập thể đó đã đẻ ra các lý thuyết, các đường lối, các giải pháp. Và khi đã thấy rõ ưu thế của giải pháp, người ta sẽ đứng vững ở đó với các bạn đồng hành và nhìn thẳng vào đối tượng cần chống đối hay bảo vệ; ý niệm ấy làm phát sinh ra lập trường chính trị.

Ngày nay, con người sinh ra quá trễ giữa một xã hội quá già. Cái gì cũng đã bị sung công hết, kể cả tâm hồn. Đứa trẻ nào cũng ra đời giữa khối tập tục xã hội. Và lớn lên giữa một "nước", người ta sẽ bị nhồi sọ ngay từ nhỏ về hình thức chính trị hiện có tại trước mắt. Ham muốn, yêu thương, suy nghĩ, ăn mặc, nói năng, nhất nhất đều bị rập vào cái khung sẵn có của xã hội. Chính vậy mà kẻ nào thích cuộc đời trước mắt sẽ hăng hái "nhập thế". Kẻ nào chán cảnh gò bó, muốn thoát ly thì "xuất thế". Tuy nhiên nhập hay xuất, chung qui cũng chỉ là một thái độ chính trị mà thôi.

Cho nên câu nói "nhất ẩm, nhất trác giai do tiền định" của cổ nhân, nay đã có thể hiểu thành "nhất cử, nhất động giai do chính trị". Chính trị là sống, con người có ăn, có ngủ, có nói, có thở, có làm là có chính trị rồi. Chính trị là hơi thở của con người. Cấm không cho làm chính trị là cấm thở, là giết chết con người rất nhanh chóng. Vậy, muốn thở, muốn sống phải có chính trÎ.

Hiểu như vậy rồi ta sẽ thắc mắc: Tại sao có một số người, nhất là Phật tử lại sợ chính trị quá vậy?

Một giải đáp giản dị: Sở dĩ họ quá sợ là vì họ đã nhầm lẫn chính trị với chính đảng, chính quyền.

Chính quyền: Hai chữ "chính quyền" bây giờ được dùng để thay cho hai tiếng "triều đình" dưới thời quân chủ, "nhà nước" dưới thời nô lệ và "chính phủ" dưới thời Diệm. Có một số người cho rằng muốn làm chính trị thì phải đoạt lấy chính quyền. Có chính quyền trong tay thì mới có lực lượng dân chúng, có quân đội, có tài chánh v.v… để thực thi chương trình "Cứu quốc, an dân" của mình. Nói vậy cũng phải.

Song lẽ, ở cái nước Việt Nam nhỏ bé này có một số người chỉ lo "làm chính quyền" mà chẳng nghĩ gì về chính trị cả. Thà họ là những công chức chuyên môn thì không sao. Đằng này, họ dành lấy sức sống của dân, oai linh của tiên tổ, uy thế của ngoại nhân để mưu lợi, cầu danh mà chẳng biết gì đến dân, đến nước cả. Tệ hơn nữa, họ còn lợi dụng sức sống của dân để tiêu diệt những kẻ đối lập, hãm hại các nhà chính trị chân chính. Tội ác của họ còn di lụy cho những người kẹt chân theo họ. Biết bao nhiêu công chức, quân nhân đã phải thi hành những mệnh lệnh trái đời mà vì cảnh sống đã không cho phép ruồng bỏ? Tâm lý làm chính quyền còn đẻ ra các thói tật hối lộ, phong kiến, hưởng thụ, quan liêu, vọng ngoại, mị dân, mãi quốc cầu vinh. Thế thì người dân khi nhìn vào hạng người sống xa hoa phù phiếm ấy luôn luôn tự ý đại diện cho mình trên trường quốc tế, và còn quay lại dạy cho mình cái "bổn phận công dân" thì phải tin là họ làm chính trị rồi chứ còn gì? Thế rồi đảo chính và đảo chính. Kết thúc một cuộc "cách mạng" là điều tra tài sản, truy tố, xử bắn, lần lượt mấy mạng này cách mấy mạng kia là hết. Trước sau thân phận người dân, vận mệnh quốc gia vẫn đen tối như thường. Có đời thuở nào được người ta mời ra chấp chính mà run sợ còn hơn lên máy chém? Sợ là phải. Người có khí tiết bao giờ cũng sợ cái bã chính quyền làm tiêu mòn ý thức chính trị chân chính của mình. Khi có kẻ điên nói: "Hãy đoàn kết sau lưng tôi" hay là "Sau hiến pháp còn có tôi"[1] thì người dân phải ngờ rằng kẻ ấy chỉ làm chính quyền mà chẳng biết gì về chính trị cả. Cho nên, khi Phật tử nói không làm chính trị có nghĩa là không chịu ủng hộ các chính quyền thối nát. Và làm như thế là Phật tử đã sáng suốt gìn giữ ý thức chính trị vững chãi của mình. Thế còn, những người làm chính trị ở ngoài chính quyền thì sao? Đó là chính Đảng.

Chính đảng: Theo ý nghĩa chân chính: "Chính đảng là sự kết hợp các chiến sĩ đấu tranh cứu nước, dựng nước, có tổ chức, lãnh đạo, đường lối, lập trường và chương trình hoặc động" rõ ràng. Dưới thời Pháp thuộc, việc thành lập chính đảng rất gian lao, mạo hiểm. Dưới thời Diệm, các chính đảng tan tác hay rút lui vào bí mật. Bây giờ tình hình các chính đảng "quốc gia" ra sao? "Saigon chúng ta có 54 đảng chính trị!!! Mỗi "chính đảng" có cặp kiến màu riêng để quan niệm về chính trị và cách mạng". Chính đảng đông như thế nhưng thực lực chẳng có bao nhiêu. Những sự kết hợp bèo bọt và vội vàng không đủ chất keo lý tưởng để gắn chặt. Hơn nữa, phần nhiều các chính đảng hiện hữu đều không phát xuất từ dân chúng nên thế đứng mới bấp bênh.

Rút lại, suốt mấy mươi năm qua hầu hết các chính đảng đều hoạt động bí mật (!) ngoài cái "đoàn thể" của Nhu. Đến khi Diệm đổ. Chính đảng xuất hiện tua tủa. Đếm sao cho hết. Nhưng xét lại họ đã và đang làm gì? Nhất định là ít thấy ai làm chínmh trị mà chỉ thấy đảng này phái nọ lăm le cướp chính quyền. Và có đảng đã cướp được. Vài ba tháng lại đảo chánh, lại thay đổi, lại bí mật! Thật là rộn rịp đủ mùi ái, ố, hỉ, lạc. Và trong khi những cánh áo xiêm kéo màn, hạ màn như trò đùa cứ diễn ra mãi như thế, thì dù việc đời chỉ là một cuộc "chơi", dân chúng, nhất là thanh niên vẫn chết rất nhiều ở khắp các chiến trường. Biết bao giờ, vở tuồng mới chấm dứt.

Trong khi chờ đợi một sự kết thúc, có thể rất bi thảm, Phật tử cũng nên bình tâm suy xét lại, xem từ hai mươi năm nay ta đã có chính quyền nào phát xuất từ quần chúng chưa? Đã có chính đảng nào đủ cho ta tin cậy chưa? Và, còn cần phân tích lại xem cái ý hướng chính trị tự nhiên của con người, của chính mình có còn không hay đã bị phôi phai? Và nếu còn thì cần trau dồi, chuẩn bị để có dịp sẽ đem dạ chân thành mà hy sinh, phụng sự cho tổ quốc và tín ngưỡng.

 



[1] Đây là những câu nói nổi tiếng của Ngô Đình Diệm – Tổng thống của nên Đệ Nhất cộng hòa.


Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.