Châm Ngôn và Luật – Sứ Mệnh Gia Đình Phật Tử

G

CHƯƠNG THỨ HAI
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

 

Châm ngôn và luật

Gia Đình Phật Tử đã có mục đích hoạt động giáo dục rõ rệt. Điều ấy còn quy định cho đoàn viên một phương hướng cụ thể hơn : Đó là Châm ngôn và Luật.

Trong buổi đầu, khi các Gia Đình Phật Tử mới thành lập, đoàn viên chỉ hiểu một cách giản dị rằng: "Với ý nghĩ, lời nói, việc làm chân chính của người Phật tử em xây dựng Gia đình". Đến khi việc tổ chức hoàn thành, thì trong bản nội quy đầu tiên, châm ngôn được ghi là hòa thuận, tin yêu, vui vẻ. Châm ngôn ấy cũng chỉ nhắm tạo nên một không khí gia đình. Trên thì có Bác Gia trưởng, thứ đến các anh chị trưởng, rồi tới đoàn sinh. Công việc điều hành cũng đơn giản. Đoàn trưởng chưa có quy chế nhất định. Đoàn sinh chưa có cấp bậc rõ ràng. Nói chung, cấp lãnh đạo chỉ chú trọng tới việc tạo một không khí thân mật để cùng nhau tu học và san bằng những cách biệt giữa các gia tộc riêng tư. Châm ngôn ấy đã được thể hiện đầy đủ.

Tuy nhiên, Gia Đình Phật Tử không ngừng lại ở đó. Với đà phát triển tiệm tiến, năm 1953 danh hiệu Gia Đình Phật Tử ra đời, thì châm ngôn lại chia ra: Bi-Trí-Dũng cho ngành Thanh, Thiếu và giữ lại Hòa Thuận-Tin Yêu-Vui Vẻ cho ngành Đồng. Sự thay đổi ấy hẳn phải có lý do.

Khác với giai đoạn phôi thai từ năm 1940 tới 1954, chỉ gò bó trong phạm vi Gia đình, khi Gia Đình Phật Tử Việt Nam thật sự thống nhất qua Đại hội toàn quốc tháng 1 năm 1953, châm ngôn của Gia Đình Phật Tử đã bắt đầu vượt biên giới Gia đình để đi vào xã hội. Trong bài diễn văn đọc trước Đại hội, anh Trưởng ban Hướng dẫn toàn quốc tiên khởi Võ Đình Cường đã nhấn mạnh vào phương châm hoạt động. Đạo trong Đời và Đời trong Đạo:

“Đạo cần phải tuôn xuống, phải tan ra, phải thấm vào cuộc đời, bồi bổ cho nó, như nước thấm nhuần trong lòng đất. Đạo không thể xa cuộc đời. Hễ xa là cằn cỗi, là ráo khô và không còn nghĩa sống nữa. Đạo phải ở trong Đời, phải phụng sự cõi đời. Nhưng ngược lại, Đời cũng phải ở trong Đạo. Nếu Đạo theo Đời mà không hoán cải được cuộc đời, buông lung theo đời để phải mất gốc, mất bản sắc thì Đạo không còn là Đạo nữa. Vì nó đã mất nhiệm vụ cao cả là hướng dẫn, là chỉ đường. Nói một cách khác, Đạo không thể đi một đường mà Đời đi một đường, Đạo với Đời phải đi sát liền với nhau”.

Đi vào đời, đi vào công tác xã hội, tất nhiên các em Đồng niên không kham nỗi nên các em sẽ được giữ lại châm ngôn cũ. Trái lại Thanh Thiếu niên đi vào đời đòi hỏi một lợi khí tinh thần, một chỉ nam. Lợi khí ấy, chỉ nam ấy thu vào ba tiếng Bi – Trí – Dũng. Đây không phải là ba tiêu chuẩn mà còn là ba đức tính cần thiết cho mỗi Phật tử, cho mọi Phật tử. Về phương diện khách quan, không có Từ Bi thì không có tình nhân loại, nghĩa đồng bào. Không có Trí Tuệ thì mọi hoạt động trở thành gian trá, manh động, phản với chính nghĩa, phản chân lý. Không có Dũng Lược thì sẽ không đủ sức mạnh tinh thần để đưa Đạo vào Đời. Châm ngôn ấy tạo cho Gia Đình Phật Tử một uy tín, một địa bàn hoạt động rộng lớn và vô vị lợi. Về phương diện chủ quan, không có Từ Bi thì dễ sa vào đường ác. Không có Trí Tuệ thì không thể giác ngộ. Không có Dũng Lược thì dễ thành hèn nhát, xu phụ, thiếu nghị lực. Châm ngôn Bi Trí Dũng đã bắt nguồn từ ba tiếng Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi trong Lăng Nghiêm Thập Chú, nhưng đã được thanh niên hóa, hiện đại hóa.

Đến năm 1961, trong hoàn cảnh bị khủng bố, Đại hội Gia Đình Phật Tử vẫn họp tại chùa Xá Lợi Việt Nam. Tinh Thần Bi Trí Dũng đã bộc lộ đến cao độ. Mặc dầu bị chèn ép, đại hội cũng vẫn có một phút mật niệm anh chị em đã bỏ mình vì lý tưởng. Vấn đề lớn trong đại hội này là tinh thần đòi hỏi thống nhất qua lời thuyết trình của anh cựu Trưởng ban Hướng dẫn Nam Việt Tống Hồ Cầm (biên giả xin ghi nhận sự hy sinh rộng lớn của anh chị em Gia Đình Phật Tử Nam Việt trong công lao chuẩn bị đại hội rất hoàn mỹ), của đạo hữu Nguyễn Đức Lợi, đại diện hai hệ thống Gia Đình Phật Tử của Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam và Hội Việt Nam Phật Giáo. Đại hội còn đòi đổi danh hiệu Gia Đình Phật Tử thành đoàn Thanh Niên Phật Tử Việt Nam. Lúc bấy giờ trên đất nước này chỉ có Gia Đình Phật Tử là tổ chức thanh niên Phật giáo duy nhất. Ý kiến sửa đổi danh hiệu này rất hợp lý, hợp với bước tiến nhanh của Gia Đình Phật Tử.

Thế nhưng, một số anh chị em vì nặng tình với dĩ vãng đã cố muốn giữ lại. Chính TT. Thích Thiện Minh cũng khuyên nên giữ lại vì lý do an ninh của tổ chức và tinh thần bất hợp tác của Gia Đình Phật Tử đối với chính quyền. Cơ hội ngàn năm một thuở đã qua. Đến nay, theo hệ thống đã tổ chức của Tổng vụ Thanh niên trong Viện Hóa Đạo thì đã có đoàn Thanh niên Phật tử rồi. Thật ra, nếu vì quá thương yêu dĩ vãng mà không tán thành việc sửa đổi thì thử hỏi trước kia, khi đổi danh hiệu Gia đình Phật Hóa Phổ ra Gia Đình Phật Tử thì không hiểu tổ chức ta tiến hay lùi? Trong việc giao thiệp với quần chúng ngày nay, việc liên lạc với các đoàn thể thanh niên quốc tế, chúng ta gặp nhiều khó khăn. Trong khi chúng ta hoạt động đến hy sinh cả thân sống thì qua các báo chương, người ta nhầm lẫn chúng ta với các đoàn bạn. Bạn có thể trách biên giả thích bề ngoài nhưng cũng xin hiểu cho là mấy dòng này biên giả viết lên chính vì đã nghĩ tới những hy sinh âm thầm của những anh chị em, nhất là anh chị em đang hoạt động tại nông thôn. Sự có mặt của Gia Đình Phật Tử phải được biết tới. Trong lúc này, thiếu sự quảng bá cũng là một trở ngại cho việc phát triển phong trào.

Tuy thế trong tinh thần, Gia Đình Phật Tử vẫn là một tổ chức thanh niên có quy củ, có uy tín. Trong cuộc hội thảo Huynh trưởng miền Khánh Hòa tại Vũng Tàu vào cuối tháng 10 vừa qua, Thượng tọa Viện trưởng Viện Hóa Đạo đã tuyên bố: "Giáo hội không có Gia Đình Phật Tử là Giáo hội chết".

Trong bản nội quy mới nhất do Đại hội Huynh trưởng toàn quốc họp tại Saigon ngày 30.6.1964, châm ngôn của Gia Đình Phật Tử chỉ còn lại ba tiếng Bi Trí Dũng chung cho các ngành Thanh, Thiếu, Nhi nam nữ. Phải chăng đây là giai đoạn hoàn thành của một lý tưởng đã đeo đuổi từ 20 năm nay? Gia Đình Phật Tử đã thực sự là một đoàn thể thanh niên Phật giáo. Thú vị hơn nữa là huy hiệu Hoa sen đã trở thành biểu tượng chính của các đoàn thể trẻ trong Tổng vụ Thanh niên. Theo nội quy mới, Gia Đình Phật Tử không còn là sinh hoạt của một Gia đình. Từ thành phần Ban Hướng Dẫn cho tới sự sinh hoạt riêng biệt của hai ngành nam, nữ; từ sự thoát ly ra khỏi vỏ tập đoàn, Gia Đình Phật Tử đã có đủ điều kiện lập thành một tổ chức thanh niên tôn giáo hợp với quy mô tổ chức quốc tế. Hơn nữa "Gia trưởng là một cư sĩ từ 30 tuổi trở lên có uy tín trong Ban đại diện Giáo hội cấp xã, phường hay chi khuôn và hiểu biết về Gia Đình Phật Tử do Ban Huynh trưởng mời và được sự đồng ý của Ban Hướng Dẫn Tỉnh".

"Nếu Liên đoàn trưởng từ 30 tuổi trở lên có đủ tư cách và uy tín với Ban đại diện Giáo hội cấp xã, phường hay chi khuôn có thể kiêm chức Gia trưởng". Như vậy khuôn khổ Gia đình chỉ còn lại là một hình bóng cũ… và trong nội dung Gia Đình Phật Tử thực sự là một đoàn thể thanh niên. Giàu có hơn nữa là người thanh niên ở đây phải làm hai nhiệm vụ một lúc : hoạt động xã hội và dạy dỗ đàn em. Trên nguyên tắc một đoàn thanh niên không thể có các em dưới 18 tuổi. Nhưng trên thực tế, trong Gia Đình Phật Tử đã có đủ hạng tuổi. Hướng đạo có sói con thì ta có Đồng niên. Vấn đề quan trọng ở đây là việc phát triển ngành Nam, Nữ Phật tử, một ngành quan trọng trong việc đào luyện Huynh trưởng và hoạt động xã hội.

Trong hiện tình đất nước, Gia Đình Phật Tử không thể tự ghép mình trong khuôn khổ chật hẹp và tù túng cho việc bành trướng. Từ châm ngôn Hòa thuận, Tin yêu, Vui vẻ tới Bi, Trí, Dũng, từ Gia đình Phật Hóa Phổ tới Gia Đình Phật Tử, từ mục đích giáo dục tới mục đích góp phần xây dựng xã hội, Gia Đình Phật Tử đã tiến những bước dài vững chãi. Để bảo đảm cho con đường đi tới, mỗi đoàn viên phải hiểu rõ sự tiến bộ của châm ngôn. Châm ngôn đúng thì hành động mới đúng được.

 

Luật trong Gia Đình Phật Tử

Tâm hồn có những nguyên lý, để phân biệt đồng nhất với mâu thuẫn, để lựa chọn điều thiện với ác, hướng đến thẩm mỹ hay thô sơ. Những nguyên lý ấy là động cơ đưa con người đến toàn thiện hay tội lỗi. Là một đoàn thể giáo dục và thanh niên, Gia Đình Phật Tử đã đặt ra những châm ngôn để làm hướng tiến tới lý tưởng. Đời người có rất nhiều mục đích phải thực hiện. Công danh, sự nghiệp, đời sống.

Nhưng có một mục đích vượt cao lên trên mọi mục đích ấy là lý tưởng. Con người sống ở đời như bơ vơ trên thuyền con lạc ra giữa biển đời trong một đêm tăm tối. Muốn vào bờ giải thoát tất phải có định hướng. Trên cảnh tối tăm ấy, người có ý thức phải hướng vào ngôi sao Bắc đẩu. Chẳng phải vì ta không nắm được vì sao trong tay mà ta có quyền không hướng theo nó. Cũng một lẽ ấy, chẳng phải vì lý tưởng khó thực hiện mà ta có quyền đồng hóa nó với ảo tưởng, không tưởng hay bằng lòng với cuộc đời vô lý tưởng. Đời ta có hai lần khóc : khi ra đời ta khóc cho đời và mai kia mất đi đời sẽ khóc cho ta. Việc khóc cho đời thì ta đã khóc từ lâu, nhưng còn đời khóc cho ta hay không thì còn tùy thuộc vào sự nghiệp ta đóng góp cho đời. Có những người đang còn sống mà đời mong cho họ chết để được cười hay sẽ phỉ nhổ khi nghe tin họ chết. Tự nguyện sống cuộc đời lý tưởng là việc dễ, nhưng thực hiện cho được lý tưởng mới là chuyện khó. Người Phật tử may mắn nương theo ánh đạo để thực hành lý tưởng Tự giác, Giác tha. Đến như một đoàn viên Gia Đình Phật Tử thì lý tưởng ấy bình dị hóa qua châm ngôn Bi Trí Dũng. Nhưng châm ngôn ấy là thực tưởng tàng trung. Người bạn trẻ còn phải hình ngoại châm ngôn ấy. Đó là lý do hình thành các điều luật.

Cũng như quá trình phát triển chung, từ buổi manh nha cho tới hiện tại luật cũng có cải tiến cho phù hợp với lịch trình tiến hóa của tổ chức.

Khi đoàn Phật học Đức Dục ra đời, Gia đình Phật Hóa Phổ đã có mười điều luật nói rõ định hướng quy y Tam Bảo, tự luyện tự tu và kết thúc bằng câu "Phật tử làm tròn bổn phận". Mười điều luật ấy rất đầy đủ nhưng không phù hợp với tổ chức thanh thiếu nhi. Thế nên, Đại hội Gia Đình Phật Tử toàn quốc năm 1952 đã sửa đổi:

 

Luật của Huynh trưởng và Trưởng thiếu niên nam nữ:

 

  1. 1.Phật tử quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện.
  2. 2.Phật tử mở rộng lòng thương và tôn trọng sự sống.
  3. 3.Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật.
  4. 4.Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
  5. 5.Phật Tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo.

 

Đọc qua 5 điều luật trên, hẳn ai cũng nhận thấy rất phù hợp với lý tưởng Phật hóa và châm ngôn Bi Trí Dũng.

 

Và luật của đồng niên nam nữ:

 

  1. 1.Em tưởng nhớ Phật.
  2. 2.Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em.
  3. 3.Em thương Người và vật.

 

Những luật ấy không phải là những tiêu chuẩn có công năng duy trì một thứ trật tự giả tạo ở bên ngoài mà chính là những quy luật tinh thần tất yếu và phổ quát. Tất yếu vì không một đoàn viên nào có quyền xao lãng việc khắc ghi và thể hiện; phổ quát vì mọi đoàn viên đều phải tuân theo không phân biệt già trẻ trai gái. Đoàn viên Gia Đình Phật Tử có thể là em bé từ 7 tuổi cho tới ông già 70, miễn rằng có tinh thần vì Đạo, vì Đời và vì Trẻ. Khác với các luật khắc khe của luân lý, luật Gia Đình Phật Tử đã dựa trên một nền tảng tín ngưỡng vững chắc chứ không phải do sự ràng buộc của xã hội. Trong một thời đại mà con người chỉ biết sợ hãi uy quyền và sẵn sàng dối mình dối người. Luật Gia Đình Phật Tử đã tạo ra những nút dây tinh thần căn cứ vào lòng tin sâu xa vào giáo lý và một tính tự giác rất vững chắc. Khi nói tới luật bao giờ người ta cũng liên tưởng tới sự thưởng phạt của xã hội, dư luận hay lương tâm. Nhưng thật ra, rất nhiều triết gia đã chứng minh rằng lương tâm không phải lúc nào cũng có đủ khả năng tất yếu để buộc con người hướng thiện một khi nó đã không dựa trên một nền tảng siêu hình vững chắc. Nhất là trong lúc này, thay vì lương tâm cá nhân là tiếng nói phân biệt thiện ác, thì người ta lại dùng lương tâm của mình để buộc tội kẻ khác và tha thứ cho tội ác của mình. Khi mà luật pháp đôi khi trở thành công cụ của bạo quyền và dư luận chỉ là tổng hợp của những tâm trí vô minh thì lương tâm ấy, dư luận ấy, luật pháp ấy chỉ còn là những mối che đậy hay nguyên nhân của tội ác. Cho nên, nói tới luật Gia Đình Phật Tử thì phải nói tới đức tự nguyện, tự giác. Có tự nguyện thì không ai bắt buộc người đoàn viên phải theo một cách cưỡng bức và mù quáng. Có tự giác vì chính người đoàn viên thấy rõ lẽ phải, có lợi ích cho việc tu tập mà tuân theo. Hơn nữa, sự thưởng phạt tinh thần ở đây cũng không ngoài ý nghĩa sám hối.

Để tâm niệm cho những phương thế thực hiện lý tưởng ấy, người đoàn viên Gia Đình Phật Tử phải cố gắng ứng dụng luật vào ý nghĩ, lời nói và việc làm.

Sau châm ngôn, luật là những thể thức có thay đổi cho phù hợp với lịch sử tiệm tiến của Gia Đình Phật Tử còn cần phải biết tới những hình thức cố định biểu thị đường lối chính đáng và tiêu chuẩn giáo dục sáng suốt mà những người sáng lập tổ chức đã quan niệm đúng từ phút đầu.

Nếu các Đại hội Huynh trưởng toàn quốc 1952, 1957, 1961, 1964 đã luôn luôn cố gắng cải tiến Nội quy, Châm ngôn, Luật thì có những thực thể tinh thần vẫn được duy trì chung thủy đủ bảo đảm cho nhất trí tính của Gia Đình Phật Tử. Đó là màu áo lam, hoa sen trắng, khẩu hiệu tinh tấn và bài ca chính thức.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 12 năm 2024
12
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 5
Ngày Canh Tuất
Tháng Bính Tý
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
12
Tháng 11
Kiên Giang