Cầu Khấn

Theo các nhà tôn giáo học ngày nay, có thể chia tôn giáo ra làm ba loại chính:

1)Tôn giáo tín ngưỡng (còn gọi là Tôn giáo sợ hãi)

2)Tôn giáo luân lý

3)Tôn giáo khoa học (còn gọi là Tôn giáo vũ trụ)

Tôn giáo tín ngưỡng lại chia thành nhiều nhánh :

1)Tôn giáo đa thần

2)Tôn giáo nhất thần

3)Tôn giáo cúng bái

Trước tiên, ta nói về tôn giáo tín ngưỡng.

Ngày xưa, khi nhân loại còn sơ khai, tri thức còn hạn hẹp, đứng trước các hiện tượng thiên nhiên gây tác hại đến đời sống con người như : mưa bão , lũ lụt, hỏa hoạn, sấm sét, nắng hạn, rét buốt v.v… hoặc đối mặt trước biển rông bao la đầy sóng dữ, núi cao chớn chở gió kinh người; hay lạc trong sa mạc bao la nắng cháy , rừng thẳm âm vang tiếng sói tru; Vì đâu có ánh sáng và bóng tối, vì đâu có bệnh tật làm chết hàng trăm ngàn người ? v.v… Họ cho rằng có một thế lực siêu nhiên ẩn mặt đâu đó làm ra những thứ dễ sợ ấy. Thế là họ lễ lạy, cúng kiến, cầu xin đấng thiêng liêng nào đó phù hộ, giúp đỡ cho họ được tai qua nạn khỏi.

Đến khi con người tiến bộ hơn đôi chút, hình thành nên xã hội, lập ra nhà nước, quân đội, phân công xã hội: người làm việc này, kẻ làm việc kia…Nhưng con người vẫn  luôn cảm thấy bất an vì có rất nhiều sự việc xảy đến ngoài trí hiểu biết và ngoài tầm tay giải quyết của nhân loại. Thí dụ như : con người do ai sinh ra, tại sao có người giàu người nghèo, tại sao có kẻ ngu người trí, tại sao có lúc may mắn lại có lúc tai ương; Bệnh tật do ai gây ra, chiến tranh vì đâu không dứt v.v… Trong khi những nỗi sợ hãi nguyên sơ còn chưa giải quyết được thì khi đời sống xã hội con người phát triển, họ lại phải đối mặt với biết bao nỗi sợ hãi mới xuất hiện. Càng ngày, nỗi sợ hãi của loài người càng chồng chất chứ chưa thấy vơi đi

Bằng trí tưởng tượng phong phú, người ta nghĩ rằng tất cả mọi việc hên, xui, tốt, xấu xảy đến với con người đều do các vị thần đang ngự ở trên chín tầng mây điều khiển. Thế là họ đặt ra đủ thứ thần thánh mà trí óc con người có thể tưởng tượng ra như : thần mặt trời, thần mặt trăng, thần sấm sét, thần lửa, thần mưa, thần chiến tranh, thần hủy diệt v.v… Thôi thì cả trăm cả ngàn thứ chúa trời và thần thánh. Tất cả đều không có thật, đều do nhân loại tưởng tượng ra mà thôi.

Thần thoại Hy Lạp, đại diện cho văn minh phương Tây đã đẻ ra thần Zeus (tức chúa  trời) cùng rất nhiều thần linh như : Chaos (thần của sự hỗn độn), Tartarus (thần cai quản âm phủ), Eros (thần tình yêu và sắc đẹp), Hemera (thần ánh sáng), Nyx (thần bóng tối) v.v… thật không sao nhớ hết. Đọc sách thần thoại Hy Lạp, ta thấy các ông thần bà thần này xử sự đầy tham-sân-si, chẳng khác gì người trần tục.

Các vị thần Hy Lạp với Zeus ở trung tâm

Đạo Bà La Môn của Ấn Độ đẻ ra các thần như: Brahma (thần sáng tạo), Vishnu (thần bảo tồn) với 10 hóa thân, trong đó đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng được đạo Bà La Môn gán ghép cho là hóa thân của Vishnu (!), Shiva (thần hủy diệt), Laksmi (nữ thần của sự giàu có), Sarasvati (nữ thần của khoa học, nghệ thuật – vợ của thần Brahma) v.v… Kinh điển Vệ Đà mô tả các ông bà thần này tánh khí cũng tham sân si không thua gì các ông bà thần Hy Lạp.

Tín ngưỡng dân gian Trung Hoa được các đạo sĩ Lão Giáo tô vẽ thêm cũng đẻ ra nhiều vị thánh thần như: Ngọc hoàng thượng đế, Nam Tào, Bắc đẩu, Lê Sơn Thánh mẫu, Thái Bạch Kim Tinh, Thần tài, Thổ địa, Táo Công,Thần Nông, Nữ Oa v.v… để lễ lạy cầu khấn mỗi ngày. Các ông thần bà thánh của Trung Hoa cũng đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố, dục, lạc… như bất cứ người phàm mắt thịt nào!

Ngọc Hoàng Thượng Đế là vị thần tối cao của Lão Giáo Trung Hoa

Ở những dân tộc châu Phi và châu Mỹ có lẽ cũng không thiếu các ông thần bà thánh mà trong phạm vi bài này người viết chẳng bỏ công sưu tầm làm chi, để thì giờ viết những điều cần thiết khác. Nói tóm lại, người bốn giống đen, vàng, đỏ, trắng; trời bốn phương nam bắc tây đông, không dân tộc nào là không tín ngưỡng chúa trời, thần thánh vì họ quá sợ hãi trước những điều vượt quá tầm hiểu biết và khả năng vượt qua của con người. Đây chính là căn nguyên làm nảy sinh loại Tôn giáo tín ngưỡng vậy.

Tôn giáo tín ngưỡng thường thờ nhất thần hoặc đa thần. Do vậy có khi được gọi là tôn giáo nhất thần hoặc tôn giáo đa thần. Tín đồ loại tôn giáo này chỉ có một bổn phận duy nhất là hằng ngày lễ bái trước các thần linh của họ để cầu xin được điều này, điều kia.

 

Trong tôn giáo tín ngưỡng thường phân biệt rõ ràng hai giai cấp: một giai cấp được gọi là tăng lữ lãnh đạo quần chúng tín đồ, giai cấp này thường tự cho mình cao quý hơn giai cấp tín đồ; còn giai cấp tín đồ chỉ biết tuân lệnh hàng tăng lữ vì các tăng lữ, theo niềm tin tôn giáo của họ, là người thay mặt chúa trời và các thánh thần cai quản và dẫn dắt linh hồn họ đi về thiên đàng sau khi chết.

Tôn giáo tín ngưỡng, do vậy rất dễ biến tướng thành Tôn giáo cúng bái . Khi mà giáo lý dần dần biến thành giáo điều; khi mà sự lễ bái cầu khấn dần dần biến thành các thứ nghi lễ vô thức được làm theo như một quán tính mà không cần biết sự cúng bái ấy mang ý nghĩa gì, hoặc đem lại kết quả gì, thì nó đã trở thành thứ tôn giáo cúng bái. Trong Kinh Thiện Sanh có thuật lại : “Một thời, Thế Tôn cùng 1.250 tỳ kheo ngụ tại núi Kỳ Xà Quật, xứ La Duyệt Kỳ. Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành khất thực, thấy con ông trưởng giả tắm rửa sạch sẽ, một lòng thành kính lễ bái sáu phương. Đức Thế Tôn hỏi lý do. Bạch rằng: Cha con trước khi lâm chung dặn con hằng ngày lễ bái như thế!

-Ngươi có hiểu pháp Hiền Thánh lễ bái sáu phương thế nào không ?

-Dạ, con không biết, xin được nghe Ngài chỉ dạy”

Qua đoạn mở đầu Kinh Thiện Sanh, ta thấy rằng loại tôn giáo cúng bái là có thật.

 

●●●

Thứ đến, ta nói về loại Tôn giáo luân lý.

Tôn giáo luân lý thường thiên về khuyến thiện trừ ác. Tôn giáo này đề ra các nguyên tắc làm người cốt để giữ gìn giềng mối kỷ cương trong xã hội. Loại tôn giáo này có thể phù hợp ở xã hội này, dân tộc này mà không phù hợp với xã hội khác, dân tộc khác. Ngoài ra,  tôn giáo luân lý có thể phù hợp với một giai đoạn lịch sử tại một quốc gia, nhưng sẽ không còn phù hợp với đất nước đó ở một giai đoạn lịch sử khác đối với toàn bộ hoặc một phần giáo lý của nó. Nho Giáo là một thí dụ về loại tôn giáo luân lý.

Các loại tôn giáo tín ngưỡng cũng có thể mang màu sắc tôn giáo luân lý.

 

●●●

Bây giờ, ta nói về Tôn giáo khoa học, hay còn gọi là Tôn giáo vũ trụ.

Tôn giáo khoa học là gì ? Ta hãy nghe nhà bác học Albert Einstein định nghĩa : "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ (cosmic religion)… Bao gồm cả thiên nhiên vật lý và tinh thần… Phật giáo bao gồm các thứ đó… Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được yêu cầu của nền khoa học tân tiến, tôn giáo đó chính là Phật giáo”. (The religion of the future will be cosmic religion… cover both the natural and spiritual… Buddhism answers this description… if there is any religion that would cope with the modern scientific needs, it would be Buddhism)

Đạo Phật với một rừng giáo lý vi diệu, được ca ngợi là “viên dung vô ngại”, bao gồm mọi chân lý vũ trụ và nhân sinh mà ngày càng được khoa học chứng minh một cách chân xác đến nỗi Einstein đã từng thốt lên : “Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học" (If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, because it embrances science as well as goes beyond science)

Như vậy, Phật Giáo không phải là thứ tôn giáo tín ngưỡng. Đọc kỹ lịch sử Đức Phật Thích Ca (mà kinh tạng Nikàya còn lưu dấu), chúng ta thấy trong suốt cuộc đời của vị Giáo chủ Phật Giáo chưa từng nguyện cầu trước một đấng nào, thậm chí, bàng bạc trong tam tạng kinh điển Ngài để lại, Ngài luôn phủ nhận có một hoặc nhiều đấng toàn năng nào chi phối lên thân phận con người. Đức Thế Tôn luôn khẳng định :”Làm dữ bởi ta mà ô nhiễm cũng bởi ta; Làm lành bởi ta mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay bất tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được” (Pháp Cú – câu 165).

Và đúng như vậy, Đức Phật không hề dạy những người đệ tử của Ngài, tứ lúc Ngài còn tại thế cũng như sau khi Ngài tịch diệt, phải nguyện cầu, xin xỏ bất cứ đấng thần linh nào ! Đối với bản thân Ngài, Đức Thế Tôn cũng nhiều lần khẳng định :”Ta chỉ là thầy thuốc cho thuốc cứu bệnh đối với chúng sanh; Ta không phải là đấng toàn năng ban phước giáng họa cho bất cứ ai”. Như vậy, rõ ràng Đức Phật cũng không dạy ai phải nguyện cầu, khấn vái, xin xỏ nơi Ngài điều gì! Trước khi xả bỏ thân tứ đại về với Vô dư y Niết bàn, Ngài còn dặn dò các đệ tử một câu sau cùng đầy tâm huyết : “Các ông hãy tự lấy mình làm đảo cồn nương tựa cho chính mình. Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”

 

Đức Phật luôn nêu gương không cầu khấn và luôn dạy bốn chúng đệ tử không nên cầu khấn. Việc đó quá rõ ràng không thể chối cãi. Nhưng tại sao giờ đây, đi khắp các chùa chiền từ Bắc vô Nam ta đều chứng kiến hình ảnh một đạo Phật đã biến thành một thứ tôn giáo tín ngưỡng đầy huyễn hoặc, pha trộn màu sắc mê tìn của trăm thứ tín ngưỡng dân gian cùng những tín ngưỡng ngoại lai được đem vào ngôi chùa Việt ? Tuyệt đại đa số người đi chùa (không biết có phải là Phật tử không?) thì sì sụp lễ lạy, khấn vái, hối lộ thần thánh cùng nhiều hình thức cầu khấn khác trước sự “chứng minh” của chư vị đệ tử xuất gia của Phật ? Phải chăng Đạo Phật đã đến hồi :” mạt pháp” như một vài người diễn giải kinh điển đại thừa tiên đoán ?

 

Thực ra, những giá trị của đạo Phật xưa sao, giờ vẫn vậy. Bằng chứng là vào đầu thế kỷ XXI, tổ chức Liên Hiệp Quốc đã chọn Phật Giáo là tôn giáo hòa bình và ngày lễ Tam Hợp Vesak được công nhận là ngày hội văn hóa của toàn thế giới. Nếu đạo Phật thật sự không còn giá trị thì chẳng lẽ Liên Hiệp Quốc đem Phật Giáo ra làm trò vui hay sao?

Ông bà ta có câu “Nhơn suy đạo bất suy”. Chỉ có con người (tức một bộ phận không nhỏ đệ tử xuất gia của Phật qua các thế hệ) vì nhiều lý do, đã biến Đạo Phật thành một thứ tôn giáo tín ngưỡng pha tạp với bao điều mê tín của dân gian; Biến người Phật tử thành những “nô lệ”  hèn mọn chỉ biết cầu khấn thần linh; Biến Đức Phật và các vị Bồ tát thành những thần linh của tôn giáo đa thần; Cố ý hay vô tình làm hạ giá trị của Đạo Phật mà Đức Thế Tôn đã dày công khai sáng với mục đích “Làm cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”

Trong khi trên thế giới ngày nay, nhiều nhà khoa học, trí thức các nước văn minh phương Tây đang chọn giáo lý đạo Phật như một cứu cánh quí báu cho cuộc đời của họ, thì ở tại Việt Nam, một xứ thường tự hào với gần 2000 năm Phật Giáo du nhập, lại đang hạ thấp đạo Phật xuống ngang hàng với loại tôn giáo nhất thần, đa thần, thậm chí ngang hàng với các thứ tín ngưỡng dân gian.

Xét cho cùng, tội này còn nặng hơn cả tội Tăng tàn ! (Còn tiếp…)

 

LỆ TÍCH

(TP.Hồ Chí Minh)

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.