52 Câu Chuyện Rèn Luyện Nhân Cách: Thiền Sư và Con Bọ Cạp

Một thiền sinh ngắm nhìn dòng suối hiền hòa, bỗng nhiên trông thấy một con bọ cạp rớt xuống suối.
Vị thiền sinh này đưa tay vớt nó và nhẹ nhàng để nó lên mặt đất.
Con bọ cạp theo phản ứng tự nhiên là cong đuôi chích bất cứ ai đụng đến nó.
Mặc dù bị nó chích rất đau, nhưng ông không hề tức giận, vì đã làm được một việc mà ông thích làm là cứu sống được con bọ cạp. Sau đó, ông đứng lên đi, nhưng đi được vài bước, ông quay lại nhìn con bọ cạp, thì thấy nó lại té xuống suối nữa.
Ông vội vàng chạy lại vớt nó, rồi cẩn thận đặt nó lên mặt đất.
Lần thứ hai cũng như lần đầu, ông cũng bị nó chích nữa.
Trông thấy cảnh tượng này, một sư huynh đứng bên cạnh bực mình, nói lớn: “Con bọ cạp vô ơn bạc nghĩa như vậy, cắn hoài, cứu nó làm gì cho mệt. Kệ xác nó”.
Ông thản nhiên trả lời rất hay: “Chích là thói quen của con bọ cạp, giúp nó là thói quen của tôi”.
Ý NGHĨA CỦA CÂU CHUYỆN:
—>> Đó chính là thói quen của lòng Từ Bi.
Chúng ta giúp đỡ người khác bằng một thái độ không mong họ phải biết ơn, đền ơn.
Nhưng triết lý của câu chuyện không ở góc độ này, mà muốn nói điều quan trọng hơn.
Đó là nếu chúng ta muốn làm Phật sự, muốn dấn thân vào đời, muốn giúp đỡ mọi người, nếu không chịu đựng được những cú chích của con bò cạp, cú chích của những lời thị phi, của sự hãm hại, của sự đày đọa, của những gian lao thử thách, thậm chí là việc sát hại, chúng ta sẽ không bao giờ thành công được.
Vì thế, thiếu vắng lòng Từ Bi, lòng khoan dung, lòng kham NHẪN mà làm nhiều Phật sự chừng nào, lòng sân hận, buồn phiền của chúng ta càng dễ lớn chừng đó.
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy: Mỗi loài vật đều có thói quen của nó, riêng con người phật tử chúng ta cần tập 1 thói quen đó là Từ bi. Đức tính Từ bi đem lại cho chúng ta nhiều sự an lạc.

Huynh Trưởng cấp Tấn Minh Hạnh Huỳnh Văn Long
Nguyên chánh thư ký BHD PB GĐPT TP Hồ Chí Minh
Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.